Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Mỹ công bố hướng dẫn sử dụng tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện

(SGTT) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố chính sách mới đặt ra các hướng dẫn nhằm củng cố và thúc đẩy các thị trường carbon tự nguyện (VCM). Chính sách này nhấn mạnh đến tính liêm chính cao và sự tham gia có trách nhiệm của các bên liên quan.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen phát biểu tại sự kiện ra mắt Tuyên bố chung về chính sách và nguyên tắc mới đối với việc tham gia có trách nhiệm vào thị trường carbon tự nguyện hôm 28-5. Ảnh: AFP

Hôm 28-5, Nhà Trắng đưa ra Tuyên bố chung về chính sách và nguyên tắc mới đối với việc tham gia có trách nhiệm vào thị trường carbon tự nguyện. Văn kiện này được đồng ký bởi các quan chức cấp cao của Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm, Cố vấn cấp cao về chính sách khí hậu quốc tế John Podesta, Cố vấn kinh tế quốc gia Lael Brainard và Cố vấn khí hậu quốc gia Ali Zaidi.

Tuyên bố chính sách mới được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu về các dự án bù đắp carbon và các tín chỉ liên quan dự kiến ​​ tăng đáng kể trong vài năm tới, khi các doanh nghiệp ngày càng đặt các mục tiêu tham vọng để đưa mức phát thải ròng carbon về zero (Net-Zero).

Chẳng hạn, để thúc đẩy tiềm năng hơn nữa cho thị trường tín chỉ carbon, sáng kiến mục tiêu dựa trên khoa học (SBTi), tổ chức cung cấp các mục tiêu giảm phát thải dựa trên khoa học cho các doanh nghiệp thông báo rằng, tín chỉ carbon có thể được phép sử dụng trong các mục tiêu Net-Zero để giúp giải quyết lượng phát thải phạm vi 3 (phát thải carbon trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp). SBTi là sáng kiến do Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc, Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Dự án Công bố carbon (CDP) đồng sáng lập.

Nhiều công ty “bù đắp” lượng phát thải khí nhà kính của họ bằng cách mua tín chỉ carbon tự nguyện từ các dự án chủ yếu ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, một loạt tranh cãi đã làm lung lay niềm tin vào thị trường bù đắp carbon tự nguyện. Một số công ty lớn rút lui khỏi VCM khi các nghiên cứu gần đây phát hiện ra rằng một số dự án bảo vệ rừng lớn không giúp giảm phát thải như cam kết.

Các VCM hiện nay không được kiểm soát chặt chẽ và đang phải đối mặt với hoài nghi liên quan đến tính liêm chính. Những bên tham gia thị trường không thể phân biệt được dự án chất lượng cao với dự án chất lượng thấp vì không có dữ liệu đầy đủ hoặc nhất quán để đánh giá hiệu quả của dự án. Năm ngoái, nhu cầu trên các VCM suy giảm lần đầu tiên sau ít nhất 7 năm.

“Các nhà quan sát đã tìm thấy bằng chứng cho thấy, một số phương pháp cấp tín chỉ carbon phổ biến không tạo ra kết quả khử carbon một cách đáng tin cậy như tuyên bố. Trong nhiều trường hợp, tín chỉ carbon không đáp ứng được các tiêu chuẩn cao cần thiết để những bên tham gia thị trường giao dịch một cách minh bạch và chắc chắn rằng việc mua tín sẽ hỗ trợ quá trình khử carbon có thể xác minh được. Do đó, cần có hành động bổ sung để khắc phục những thách thức đã xuất hiện, cũng như khôi phục niềm tin và đảm bảo các VCM phát huy hết tiềm năng để thúc đẩy tham vọng về khí hậu”, tuyên bố chính sách của Nhà Trắng có đoạn.

Tuyên bố chính sách nhấn mạnh, các bên liên quan phải chắc chắn rằng, một tín chỉ carbon thực sự đại diện cho một tấn carbon dioxide (hoặc tương đương) được cắt giảm hoặc loại bỏ khỏi khí quyển.

Để giải quyết những vấn đề này, chính sách mới đặt ra một loạt nguyên tắc tham gia có trách nhiệm vào các VCM. Trong đó, bao gồm đảm bảo tín chỉ carbon và các dự án đằng sau đáp ứng các tiêu chuẩn đáng tin cậy về tính liêm chính và đại diện cho hoạt động khử carbon thực sự. Cũng theo các nguyên tắc này, các hoạt động sản xuất tín chỉ carbon cần tránh gây tác hại đến môi trường và xã hội, đồng thời phải hỗ trợ chia sẻ lợi ích một cách minh bạch và toàn diện nếu có thể.

Các nguyên tắc nêu rõ rằng, các doanh nghiêp nên ưu tiên giảm lượng khí thải có thể đo lường được trong chuỗi giá trị của chính họ trước khi mua và sử dụng tín chỉ carbon tự nguyện. Họ chỉ nên dựa vào các tín chỉ carbon đáp ứng các tiêu chuẩn liêm chính cao.

Các nguyên tắc cũng khẳng định, các bên tham gia gia VCM phải đóng góp vào những nỗ lực cải thiện tính toàn vẹn của thị trường.

“VCM có thể giúp giải phóng sức mạnh của thị trường tư nhân trong nỗ lực giảm lượng khí thải, nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta giải quyết được những thách thức đáng kể hiện nay. Các nguyên tắc công bố hôm nay là một bước quan trọng hướng tới xây dựng VCM có tính liêm chính cao”, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói.

Năm ngoái,Bộ Năng lượng Mỹ tuyên bố sẽ mua tín chỉ carbon từ các dự án sử dụng công nghệ giúp loại bỏ carbon khỏi khí quyền nhằm hỗ trợ công nghệ này. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã tạo ra một chương trình giúp nông dân, chủ trang trại và chủ rừng tham gia vào thị trường carbon bằng cách giúp họ xác định các chương trình bù đắp carbon có tính liêm chính cao để tạo ra tín chỉ carbon.

Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg dự báo quy mô của thị trường bù đắp carbon toàn cầu có thể tăng vọt lên 1.000 tỉ đô la Mỹ vào năm 2050, từ mức khoảng 2 tỉ đô la hiện tại, nếu các  cơ quan thiết lập tiêu chuẩn nới lỏng một số quy tắc và mở rộng việc sử dụng tín chỉ carbon.

Chánh Tài

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối