Dùng soda công nghiệp trong chế biến thực phẩm sẽ có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, bởi các tạp chất như kim loại nặng, dư lượng của các phụ gia công nghiệp, các hóa chất sử dụng trong quá trình sản xuất ra soda.
Mới đây, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã phạt hành chính trên 780 triệu đồng đối với ba doanh nghiệp gồm Công ty TNHH chế biến thực phẩm Hòa Hiệp, Công ty TNHH thực phẩm Tấn Phát (tỉnh Vĩnh Long), Công ty TNHH MTV Điều Hương (tỉnh An Giang) do hành vi sử dụng hóa chất công nghiệp (soda Na2CO3) để sản xuất nước mắm.
Loại soda được các doanh nghiệp này sử dụng là soda ash light - Na2CO3, một hóa chất dùng trong công nghiệp sản xuất chất tẩy rửa (như xà phòng), dệt nhuộm và không nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm.
Sự việc được đăng tải khiến người tiêu dùng rất hoang mang. Vậy soda Na2CO3 là gì và có ảnh hưởng, gây hại tới sức khỏe hay không?
Theo Tiến sĩ Phan Thế Đồng, Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TPHCM, soda (tên hóa học là sodium carbonate, công thức Na2CO3) là một chất vô cơ dạng bột trắng dễ tan trong nước và có tính kiềm. Từ xa xưa bột soda được trích từ tro thực vật nên còn có tên là soda tro.
Soda công nghiệp thường được dùng trong chế biến thủy tinh, giấy, sợi nhân tạo, xà phòng, thuốc tẩy… Trong khi đó, soda dùng trong thực phẩm có mã số E500 (i) được dùng làm chất trung hòa axít, bột nổi, chất ổn định cấu trúc. Đây là một trong những thành phần của nước tro dùng chế biến mì sợi, tạo nên độ dai, giòn của sợi mì hoặc trong chế biến lớp vỏ bánh trung thu. Khi soda phản ứng với axít yếu trong thực phẩm sẽ tạo ra khí CO2 nên được dùng làm bột nổi trong chế biến các loại bánh.
Theo ông Đồng, liều lượng cho phép sử dụng soda đối với một số sản phẩm giới hạn trong mức 2.000mg/kg sản phẩm. Đa số các sản phẩm không xác định mà theo quy định riêng của nhà sản xuất. Nếu sử dụng liều cao trong thực phẩm có thể gây kích ứng dạ dày, gây đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy. Tuy nhiên, nếu dùng liều cao trong thực phẩm thì sẽ tạo nên mùi hăng nồng, do vậy, nhiều nhà sản xuất không sử dụng liều cao trong thực phẩm.
Nếu dùng soda công nghiệp cho chế biến thực phẩm thì không kiểm soát được các vấn đề an toàn vệ sinh, do đó có nguy cơ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt là các tạp chất như kim loại nặng, dư lượng của các phụ gia công nghiệp, các hóa chất sử dụng trong phản ứng sản xuất soda.
Ông Đồng cho biết thêm, Na2CO3 thường bị nhầm lẫn với một loại phụ gia thực phẩm khác là baking soda (tên hóa học là sodium bicarbonate) có mã số E500 (ii) công thức NaHCO3. Chất này cũng có tính kiềm và thường được dùng làm bột nổi trong chế biến các loại bánh. Ngoài ra, chấtn này còn được sử dụng để giữ màu xanh của các loại rau ăn lá khi luộc hoặc hấp chín. Ở châu Á, sodium bicarbonate được dùng để làm cho các loại đậu mau mềm khi nấu chín.
Liên quan đến sự việc trên, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) cho biết, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống trong cả nước, có tham gia vào Câu lạc bộ nước mắm truyền thống Việt Nam, thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) không cho soda Na2C03 vào nước mắm.Hiện nay có hai dòng nước mắm truyền thống: một dòng sản xuất chỉ từ cá và muối; một dòng gồm cá, muối và chất điều vị tự nhiên (đường). Chất điều vị tự nhiên này được một số doanh nghiệp đưa vào nhằm “làm mềm” độ mặn của nước mắm và được ghi rõ ràng trên mẫu mã, bao bì mỗi sản phẩm… Độ đạm có trong nước mắm truyền thống hoàn toàn từ cá, không bị ảnh hưởng bởi chất điều vị.Cũng theo bà Hồng Minh, trong thành phần nguyên liệu của nước mắm công nghiệp, một số nhà sản xuất thường pha chế thêm các chất hóa học để tăng độ đạm. Ngoài ra họ cũng thường pha thêm hương hóa học, chất tạo màu… để tạo nên dung dịch gọi là nước mắm.
Vũ Yến
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online