Chị bạn vong niên của tôi đã ngoài bảy mươi là người đã từng ở Đà Lạt và rất mê Đà Lạt. Những câu chuyện về Đà Lạt của chị có thể kéo dài hàng giờ liền không bao giờ chán. Trong số đó, vừa gây ngạc nhiên, vừa ấn tượng nhất đối với tôi là chuyện về hổ.
Chị bảo hồi chị còn là một cô bé nhà ở ngoại ô Đà Lạt, người thân không dám cho chị ra đường vào ban đêm vì sợ hổ. Tôi biết Việt Nam có hổ – hổ Đông Dương (Panthera tigris corbetti) – nhưng tôi không thể tưởng được chuyện hổ lai vãng tận ngoại ô Đà Lạt vào khoảng giữa thế kỷ trước.
Tuy nhiên, giờ thì chuyện hổ ở Đà Lạt chỉ còn là kỷ niệm, một kỷ niệm buồn. Tháng 5-2016, báo mạng vnexpress.net đăng bài cho biết theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), toàn Việt Nam chỉ còn dưới năm con hổ ngoài thiên nhiên. Nhưng từ đó đến nay, không thấy báo cáo nào về sự xuất hiện của hổ rừng, nghĩa là có khả năng rất cao hổ ở Việt Nam đã tuyệt chủng như số phận của tê giác tại đây trước đó.
Đọc lại bài viết nêu trên của vnexpress.net đăng gần sáu năm trước, tôi xin ghi ở đây một lời bình chua xót hầu bạn đọc đầu xuân. Người này viết: hết hổ thì… “an toàn khi vào rừng rồi. Quên, cũng gần hết rừng rồi!”
Nhân đây cũng xin giới thiệu một bài viết đăng cách đây chỉ mấy ngày trên Kinh tế Sài Gòn Online nhan đề “Đừng quên lãng mục tiêu nuôi hổ để bảo tồn”(2) đề cập đến chuyện hổ nuôi ở Việt Nam. Theo bài viết, tuy chắc không còn cá thể hổ nào trong thiên nhiên, Việt Nam có đến 364 con hổ được nuôi nhốt năm 2021, nghĩa là xấp xỉ khoảng một phần mười tổng số hổ trong tự nhiên thống kê được trên toàn thế giới. Nhưng câu hỏi của tôi là liệu nhà chức trách có kiểm soát được việc có con hổ nuôi nhốt nào trong số này là từ hổ trong tự nhiên hay không?
Trên thế giới, người ta cũng đã thực hiện chương trình thả hổ về rừng để tái tạo đàn hổ trong tự nhiên. Liệu chúng ta có mơ làm được chuyện này hay không?
Nhân nói chuyện hổ, tôi lại nhớ cũng đã khá lâu, khi nhắc đến Việt Nam, nhiều người bảo chúng ta sắp trở thành hổ, hổ kinh tế (tiger economy). Liệu khi đã mất hổ thật, Việt Nam có trở thành hổ kinh tế hay không và khi nào?
Theo trang mạng investopedia.com, hổ kinh tế là một thuật ngữ dùng để chỉ các nền kinh tế đang bùng nổ, đặc biệt là ở châu Á mà điển hình gồm Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc và Đài Loan. Các nền kinh tế này có đặc điểm là chuyển đổi từ hình thái nông nghiệp từ thập niên 60 của thế kỷ trước thành nền kinh tế công nghiệp hóa trong thập niên 1990. Tăng trưởng của “các con hổ kinh tế” thường dựa trên xuất khẩu được hỗ trợ bởi thị trường thương mại và tài chính tinh vi. Theo investopedia.com, Singapore và Hồng Kông có thị trường tài chính thuộc loại hàng đầu thế giới. Trước đây, Trung Quốc cũng được xem là một con hổ kinh tế ở châu Á. Tuy nhiên, nước này đã tách khỏi nhóm để trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, bên cạnh các “con hổ kinh tế ở châu Á”, còn có một nhóm khác dưới tên gọi “tiểu hổ châu Á” hay “hổ con” (Asian cub). Việt Nam cũng được liệt kê trong nhóm “tiểu hổ” này bên cạnh Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines.
Thời thế cũng đã thay đổi. Trước đây, người ta thường đề cập đến nhóm G-8, bao gồm nhóm G-7 (các nước công nghiệp hóa cao: Anh, Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Nhật và Canada) cộng với Nga. Do bất đồng về việc Nga sáp nhập Crimea, G-7 đã chấm dứt sự hiện diện của nước này năm 2014. Trong khi đó, có thể nói “con hổ kinh tế” Hàn Quốc ngày nào nay đã thực sự “hóa rồng”: năm 2020, Hàn Quốc trở thành nền kinh tế đứng thứ 10 thế giới và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã vượt Nga.
Đó là chuyện thần kỳ của “con hổ kinh tế” Hàn Quốc. Còn chúng ta, “tiểu hổ kinh tế” Việt Nam thì sao? Khi nào chúng ta sẽ trở thành hổ thật, tuy chưa thể gầm gừ dữ dội như hổ xứ sở kim chi, nhưng cũng đủ để thiên hạ biết đến mình?
Người Việt ai cũng mong chuyện này sẽ xảy ra. Nhưng cơ hội dù có, cũng không phải dễ tận dụng. Hàn Quốc là một cột mốc rất xa. Chỉ nội đích nhắm thực tế hơn là Thái Lan, cũng không phải chuyện dễ. Cứ xem đội tuyển bóng đá quốc gia khắc biết, tưởng vậy mà không phải vậy! Còn phải phấn đấu nhiều lắm mới mong đạt được mục tiêu để hổ con lớn mạnh thành hổ trưởng thành, chứ không mãi mãi “mèo vẫn hoàn mèo”.
Năm hổ nói chuyện hóa hổ, hóa rồng, chắc cũng không phải là lạc điệu lắm đâu, phải không các độc giả thân mến?
Sơn Tùng
Theo KTSG Online
————-
(1)https://vnexpress.net/ho-viet-nam-co-the-da-tuyet-chung-3400071.html
(2)https://thesaigontimes.vn/dung-quen-lang-muc-tieu-nuoi-ho-de-bao-ton/
(3)https://www.investopedia.com/terms/t/tigereconomy.asp