Thứ hai, Tháng mười một 18, 2024

Nấm ngon nhập ngoại thắng thế

VŨ YẾN - 

Trong xu hướng sử dụng nhiều rau củ, bớt thịt cá trong bữa ăn, người tiêu dùng khá chú ý đến các loại nấm ngon, có giá trị dinh dưỡng, để làm phong phú thêm thực đơn. Trên thị trường, các loại nấm này, như nấm kim châm, đùi gà, bào ngư xám, linh chi nâu..., đa phần là nhập từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Các doanh nghiệp trong nước vẫn có sản xuất nhưng mức tiêu thụ kém hơn.

Nấm ngoại bảo quản được lâu

nấmSản phẩm nấm nhập từ nước ngoài được bán nhiều ở một siêu thị tại quận 7, TPHCM.

Gia đình anh Thế Giáp, ở quận Thủ Đức, TPHCM, vẫn thường chế biến các món ăn từ nấm cho bữa cơm hàng ngày, thỉnh thoảng còn làm món đặc biệt là lẩu nấm vào những dịp cuối tuần. Anh Giáp cho biết, tại các chợ, các loại nấm ngon nói trên được tiểu thương giới thiệu là nấm nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Hỏi nấm cùng loại nhưng được trồng trong nước, họ lắc đầu.

“Tôi đi mấy sạp hàng chuyên bán nấm cũng như bán rau củ quả nói chung, người bán nói chỉ có nấm rơm là của Việt Nam, còn các loại khác như nấm đùi gà, kim châm, bào ngư… đều là hàng nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc”, anh Giáp nói.

Theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị tại một số chợ như chợ Hiệp Bình, chợ Thủ Đức (quận Thủ Đức), chợ Thái Bình (quận 1), chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình)… các loại nấm có xuất xứ nước ngoài như từ Trung Quốc, Hàn Quốc hầu như chiếm ưu thế.

Ở quầy hàng chuyên bán nấm của chị Hồng tại chợ Hiệp Bình, quận Thủ Đức, trong tổng số 12 loại nấm thì chỉ có nấm rơm là xuất xứ trong nước. Nấm rơm được bán xá, để ở rổ bên ngoài, còn các loại nấm kim châm (Hàn Quốc), nấm đùi gà, nấm bạch tuyết, đông cô tươi (Trung Quốc) được đóng gói bắt mắt, mỗi bịch có trọng lượng 150-200 g.

Chị Hồng cho biết, một vài doanh nghiệp sản xuất nấm cũng chào hàng nhưng với điều kiện bảo quản không có tủ mát như ở chợ thì không thể lấy về để bán được. Trong khi đó, các loại nấm ngoại thì có thể giữ được với thời gian lâu hơn trong điều kiện bình thường.

Ở các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng thực phẩm tiện lợi, sản phẩm nấm ngoại nhập cũng được bán khá nhiều. Tại siêu thị Lotte Mart (đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TPHCM), trong tổng số khoảng 30 loại nấm thì có khoảng 20 loại nấm được sản xuất từ Trung Quốc, Hàn Quốc, số còn lại là nấm trong nước.

Nấm nội sản lượng ít, giá còn cao

Bà Lê Hà Mộng Ngọc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Nấm Việt, cho biết hiện tại công ty có khoảng 10 loại nấm tươi như nấm bào ngư trắng, bào ngư xám, nấm hương... Tuy nhiên, các sản phẩm này chỉ phân phối vào kênh siêu thị còn ở các chợ truyền thống thì không chen chân được, không cạnh tranh nổi với nấm Trung Quốc, Hàn Quốc.

Theo bà Ngọc, sở dĩ ở các chợ nấm Trung Quốc, Hàn Quốc áp đảo là bởi thời gian lưu thông dài hơn. Còn nấm trong nước, nếu bảo quản ở nhiệt độ mát thì để được năm ngày, nếu không chỉ một ngày là hư hỏng, trong khi ở chợ đa phần là không có tủ bảo quản.

Bà Ngọc cũng cho biết, mặc dù năng lực cung ứng của công ty hiện nay mỗi tháng có thể lên tới 10.000 kg nấm tươi các loại, nhưng thực tế tiêu thụ vẫn chỉ ở mức 2.000 kg/tháng. Mức tiêu thụ này không tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Để có thể khai thác nhiều hơn tiềm năng của thị trường, bà Ngọc cho rằng bên cạnh việc tiêu thụ nấm tươi người sản xuất cần thêm những công nghệ chế biến nấm sau thu hoạch. Chẳng hạn, trên cơ sở nguyên liệu nấm tươi, doanh nghiệp chế biến ra những sản phẩm mà người tiêu dùng có nhu cầu, ví dụ như làm nước tương, nước mắm, bột nêm…

“Sắp tới, công ty sẽ cho ra thị trường sản phẩm bột nêm từ hỗn hợp các loại nấm tươi sẵn có”, bà Ngọc nói.

Theo bà Phạm Ánh Thu, phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Rica, hiện nay kênh tiêu thụ nấm nói chung vẫn chủ yếu là các nhà hàng, quán ăn. Tuy nhiên, những nơi này có thể là do lấy với số lượng lớn nên họ thường mua nấm nhập từ Trung Quốc, vốn có giá rẻ hơn, thời gian bảo quản lâu.

Bên cạnh đó, ở các chợ, nấm Trung Quốc cũng được bán nhiều vì mức giá phù hợp với phần lớn người tiêu dùng, nhất là công nhân.

Ngoài ra, bà Ánh Thu cho biết, việc sản xuất nấm có những khó khăn nhất định, ví dụ như kỹ thuật trồng, nguồn nguyên liệu chưa ổn định, thời tiết, môi trường thay đổi khiến nấm không lên hoặc lên ít… Tất cả điều đó khiến sản lượng chưa nhiều,  chưa đáp ứng nhu cầu cần cung cấp ổn định của các siêu thị, cửa hàng.

Cũng theo bà Thu, vì đi theo hướng sản xuất sạch nên giá cả sản phẩm của Rica cao hơn so với loại nấm cùng chủng loại của Trung Quốc. Đây là một khó khăn lớn khi tiếp cận thị trường. Song song đó, việc thời gian bảo quản ngắn hơn nhiều so với sản phẩm ngoại nhập cũng là trở ngại khi đưa vào chợ truyền thống.

“Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi nghĩ, với nhu cầu sử dụng sản phẩm nấm sạch, an toàn ngày càng tăng cũng như việc sẵn sàng chi trả cao cho nhu cầu tiêu dùng thì đây vẫn là thị trường tiềm năng cho người sản xuất nấm”, bà Thu nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối