Thứ ba, Tháng Một 7, 2025

Nặng nợ với thời gian

Tấn Phú

Với nhiều dân chơi đồng hồ cổ thì đây là thú chơi “quý tộc”. Bởi lịch sử của những chiếc đồng hồ cổ cũng gắn liền với những gia đình danh giá một thời – thời mà “đồng hồ là của hiếm”. Thời đó, ngoài để xem giờ, đồng hồ còn là vật “gia bảo” truyền từ đời này sang đời khác. Với dân chơi đồng hồ cổ thường ví von rằng, mình là những kẻ nặng nợ với thời gian.

Ở Việt Nam đồng hồ cổ có nhiều loại như đeo tay, treo tường, để bàn, quả quýt và đồng hồ thùng hay còn gọi là tủ đứng. Những nước có lịch sử phát triển đồng hồ lâu đời như Pháp, Đức, Nga và Thụy Sỹ, trong đó danh tiếng nhất là đồng hồ treo tường, đồng hồ tủ đứng hiệu ODO.

Nhọc công với niềm đam mê

Do người Pháp mang vào Việt Nam rồi dần dà được nhiều người biết đến và ưu chuộng cho đến nay. Nhưng thời điểm đó (khoảng năm 1930) chỉ những dinh thự của các viên chức Pháp hoặc những viên chức cao cấp làm việc cho Pháp mới có được. Nhưng nay thì khác, để có chiếc đồng hồ cổ ODO không khó. Chỉ cần có tiền, thời gian và cái quan trọng là sự đam mê. Bởi không mê, chẳng ai bỏ ra số tiền từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng để mua chiếc đồng hồ cũ, rồi cứ phải một tuần hoặc nữa tháng lên giây một lần.

IMG_2

Tờ giấy “bảo đảm” của chiếc đồng hồ ODO do thân phụ ông Chi Lăng để lại.
Tờ giấy “bảo đảm” của chiếc đồng hồ ODO do thân phụ ông Chi Lăng để lại.

Ông Huỳnh Thanh Tùng, chủ tiệm đồng hồ cổ Thanh Tùng ở 135 Chu Văn An, quận Bình Thạnh, TPHCM một người khá nổi tiếng trong giới chơi đồng hồ cổ nói: “Chơi đồng hồ này tốn kém lắm, không biết bao nhiêu tiền cho đủ; nhưng vì mê thì phải chịu thôi”. Năm 13 tuổi, Thanh Tùng xin vào học nghề đánh bóng đồng hồ ở một tiệm gần khu Bà Chiểu. Được tiếp xúc với đủ các loại đồng hồ và để thỏa mãn đam mê, Tùng xin đi học thêm nghề sửa đồng hồ với mục đích: ngắm những “cổ máy đếm thời gian” và những chiếc bánh răng cưa nhỏ xíu. “Càng sửa tôi càng thích và ghiền tiếng chuông của nó. Ngày nào không nghe chuông là chịu không nổi”, Thanh Tùng thổ lộ .

Đồng hồ ODO có nhiều đời dành cho nhiều thị trường khác nhau. Ở Việt Nam phổ biến nhất là đời 54, 57, 62 và đặc biệt là đồng hồ ODO 36 vì theo giới chơi đồng hồ cổ, đây là chiếc có tiếng chuông hay nhất. Khác với đồng hồ treo tường hay đồng hồ tủ chạy bằng pin ngày nay, cứ đến giờ là gõ đúng một kiểu chuông duy nhất khiến người nghe nhàm chán. Còn đồng hồ cổ ODO thì khác, cứ 15 phút gõ một lần và mỗi lần là mỗi kiểu chuông khác nhau. Trong đó, điệu nhạc Westminster đã đi vào tâm trí người chơi từ nhiều thế kỷ trước. Ông Nguyễn Hữu Chi Lăng, chủ quán phở Chi Lăng – đối diện Bệnh viện Ung Bướu cho biết: “Chiếc đồng hồ này ông già tôi mua ở Hải Phòng từ năm 1955 đến giờ vẫn chạy tốt. Đêm vắng nằm nghe nó gõ chuông đã lắm, tôi rất quý nó; hơn nữa, cái năm ông già mua nó cùng với năm sinh của tôi”. Nói xong, ông mang cho chúng tôi xem tờ giấy “bảo đảm” của chiếc đồng hồ.

Ông Huỳnh Thanh Tùng bên chiếc đồng hồ cổ.
Ông Huỳnh Thanh Tùng bên chiếc đồng hồ cổ.

Âm thanh truyền cảm từ bộ gông đồng

Đồng hồ cổ treo tường và tủ đứng là hai loại đồng hồ có những tiếng chuông, nhạc được cho là hay nhất mọi thời đại và nhiều người chơi đồng hồ cũng vì những tiếng chuông, điệu nhạc đó mà đâm ra say mê. Người ta cho rằng, ngoài những điệu nhạc như Westminster, Coucou valse; còn lại được lấy từ ý tưởng của tiếng chuông nhà thờ hoặc những bài thánh ca. Nhưng để có được những âm thanh đó, đều phải nhờ đến bộ gông. Tùy từng loại đồng hồ mà sẽ có bộ gông khác nhau. Nhiều dân chơi chú ý nhất là gông đồng, bởi gông đồng cho âm thanh vang xa hơn, trầm hơn, độ ngân lâu hơn nhưng không phô trương, ồn ào như gông thép. “Nguyên cái đồng hồ, từ máy móc, bộ thùng và những chi tiết khác người ta làm giả được, chỉ có bộ gông là bó tay”, ông Thanh Tùng quả quyết như thế.

Những chiếc đồng hồ cổ làm say mê không ít người.
Những chiếc đồng hồ cổ làm say mê không ít người.
Chiếc đồng hồ đá hơn 100 năm tuổi của ông Đào Duy Tâm.
Chiếc đồng hồ đá hơn 100 năm tuổi của ông Đào Duy Tâm.

Theo ông Tùng, hiện nay nếu có tiền và đam mê, muốn mua bao nhiêu chiếc đồng hồ cổ cũng có nhưng để có một chiếc đồng hồ cổ thuộc hàng hiếm, nhạc hay thì không phải ai cũng có. Bởi đồng hồ có nhạc hay là chiếc còn “zin” từ con ốc, chưa bị can thiệp bởi bàn tay của con người, rồi bộ vỏ bên ngoài cũng rất quan trọng. “Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà đến tận bây giờ, khi những chiếc đồng hồ ngoại nhập của các hãng danh tiếng trên thế giới nhập về Việt Nam khá nhiều, nhưng nhiều người vẫn bỏ công đi săn lùng những chiếc đồng hồ ODO đã đi vào huyền thoại như ODO 36”, ông Tùng nhấn mạnh.

Ông Đào Duy Tâm, chủ tiệm đồng hồ cổ trên đường Nguyễn Huy Tự quận 1, TPHCM cho biết: “Chơi đồng hồ cổ, cái quan trọng là bộ gông, Nếu gông bị thay thì coi như đồng hồ không còn giá trị. Nên nhiều người đi mua đồng hồ, người ta kiểm tra rất kỹ. Ngoài coi bộ vỏ bên ngoài, còn phải coi cả máy móc bên trong. Có người còn coi cả con ốc xem có còn “zin” hay không mới mua”.

Ông Võ Văn Phúc, một dân chơi đồng hồ cổ ở quận 1 cho rằng, để xác định bộ gông có bị can thiệp hay không, phải dựa vào trình độ và đôi tai của người nghe, chứ nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt. “Gông đồng cho người nghe một thứ âm thanh tuyệt hảo, ngọt ngào đầy sâu lắng. Mềm mại nhưng chắc khỏe chứ không khô cứng như đồng hồ nhập khẩu bây giờ”, ông nói.

Đồng hồ mới bây giờ có nhiều cái trị vài trăm triệu đồng nhưng loại đồng hồ đó chỉ dành cho người chạy theo mốt của thời đại. Với dân chơi đồng hồ cổ thì nó không có giá trị lịch sử cũng như giá trị sưu tầm. “Còn chơi đồng hồ cổ đòi hỏi người chơi phải biết xuất xứ, lịch sử của chiếc đồng hồ đó. Và chỉ cần được nghe tiếng chuông mỗi ngày là thấy tinh thần thoải mái”, ông Minh, một dân chơi đồng hồ cổ trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bình Thạnh cảm kích vậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối