Một cuộc khủng hoảng đang nhen nhóm trong ngành công nghiệp dầu ô liu khi các đợt sóng nhiệt càn quét qua khu vực Nam Âu trong mùa hè này đe dọa những vườn ô liu ở đây. Giá dầu ô liu đã tăng gấp đôi trong năm qua, nhưng các chuyên gia trong ngành cảnh báo, giá có thể tăng vọt trong thời gian tới do rủi ro thiếu hụt nguồn cung.
Dầu ô liu, thường được sử dụng trong nấu ăn, mỹ phẩm, dược phẩm, được chiết xuất từ quả của cây ô liu trồng phổ biến ở các nước Địa Trung Hải, nơi trang trải qua các đợt nóng nóng khắc nghiệt trong mùa hè này.
Kyle Holland, người phụ trách các loại dầu và hạt có dầu tại hãng nghiên cứu thị trường Mintec, cho biết khi trời quá nóng, cây ô liu rụng quả để tiết kiệm độ ẩm hoặc tiếp tục ra quả, khiến cây suy yếu. Nhiệt độ cao đặc biệt nguy hiểm vào mùa xuân, trong thời kỳ cây ô liu ra hoa.
Tình hình nắng nóng hiện nay còn đáng lo ngại hơn sau khi vụ thu hoạch ô liu thất bát vào năm ngoái, sau một mùa hè nóng nhất được ghi nhận ở châu Âu.
Tại Tây Ban Nha, nhà sản xuất dầu ô liu lớn nhất thế giới, sản lượng dầu ô liu trong niên vụ 2022-2023 giảm xuống còn khoảng 620.000 tấn, so với mức trung bình 5 năm là khoảng 1,3 triệu tấn, Holland cho biết.
“Sau tình trạng thiếu hụt như vậy từ vụ thu hoạch trước, điều mà ngành công nghiệp ô liu muốn tránh là một vụ mùa tồi tệ khác”, Walter Zanre, CEO của Filippo Berio UK, công ty con của một trong những thương hiệu dầu ô liu lớn nhất thế giới, cho biết.
Nhưng các dấu hiệu đang chỉ ra mùa vụ thất bát khác. Trong mùa hè năm nay, nắng nóng tấn công các khu vực trồng ô liu ở Địa Trung Hải, tạo ra một “địa ngục nhiệt” mà các nhà khoa học cho rằng sẽ không xảy ra ra nếu không có biến đổi khí hậu.
Nắng nóng đặc biệt nghiêm trọng ở Tây Ban Nha, nơi đã chứng kiến những sóng nhiệt kéo dài kể từ tháng 4, với nhiệt độ lên tới 40 độ C, cũng như các nước sản xuất dầu ô liu khác như Ý và Hy Lạp.
Tổng mức độ thiệt hại sẽ chưa thống kế được cho đến sau thời điểm thu hoạch quả ô liu vào tháng 10 và tháng 11. Nhưng Holland dự báo sản lượng dầu ô liu của châu Âu có thể giảm 700.000 tấn, thấp hơn 30% so với mức trung bình 5 năm.
Zanre cho biết, giá sỉ dầu ô liu đã tăng hơn gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái. Hồi đầu tháng 8, giá bán buôn tiêu chuẩn của dầu ô liu nguyên chất đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử 8.500 đô la Mỹ/tấn, cao hơn khoảng 125% so với mức trung bình giai đoạn 2000-2020. Kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 1996 với giá hơn 6.200 đô la một tấn. Một tấn dầu ô liu hiện nay có giá bán cao hơn gấp 10 lần giá của một tấn dầu thô. Năm 2019, mức chênh lệch giữa hai mặt hàng này chưa đến 5 lần.
Nhưng tất cả các dấu hiệu hiện nay đều cho thấy sự sụt giảm trong vụ thu hoạch sắp tới.
Zanre nói rằng “ngành công nghiệp dầu ô liu đang gặp khủng hoảng.”
Hội đồng Ô liu quốc tế (IOC) không gọi tình hình hiện nay là một cuộc khủng hoảng, nhưng người phát ngôn của tổ chức này nói: “Chúng ta đang đối mặt với một tình huống phức tạp do hậu quả của biến đổi khí hậu.”
Người phát ngôn dự báo sản lượng dầu ô liu toàn cầu trong giai đoạn từ tháng 10-2022 đến tháng 9-2023 giảm 20%. Nhu cầu vẫn đang tăng lên khiến lượng tồn kho dầu ô liu trên toàn cầu giảm sâu, với tỷ lệ tồn kho so với sử dụng giảm xuống còn 12,1%, mức thấp thứ hai trong hơn 50 năm.
Nhưng vẫn chưa rõ giá dầu ô liu đắt đỏ sẽ ảnh hưởng ra sao đến người tiêu dùng. Khi giá tăng lên, câu hỏi lớn sẽ là “liệu người tiêu dùng có tiếp tục mua dầu ô liu với giá này hay họ sẽ chuyển sang các loại dầu khác”, Holland nói.
Nắng nóng không chỉ ảnh hưởng đến dầu ô liu mà toàn bộ ngành thực phẩm rộng lớn hơn. Holland nói: “Đã đến giai đoạn mà các mối lo ngại trở nên nghiêm trọng không chỉ đối với dầu ô liu mà còn đối với rất nhiều loại cây trồng”
Theo Corey Lesk, nhà nghiên cứu khí hậu tại Đại học Dartmouth (Mỹ), nhiệt độ cực cao là tác động khí hậu mà cây trồng dễ bị tổn thương nhất, chủ yếu do tình trạng căng thẳng về nước.
“Các loại cây trồng bị mắc kẹt giữa bầu không khí nóng rát và đất khô. Điều này có thể dẫn đến những thiệt hại lâu dài”
Lorenzo Bazzana, giám đốc kinh tế của Hiệp hội nông dân Ý, Coldiretti, cho biết ở Ý, nơi trải qua các đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt vào mùa hè này, các loại cây ăn quả bị ảnh hưởng nặng nề. Theo Bazzana, vụ thu hoạch cherry, mơ ở Ý suy giảm sản lượng lần lượt khoảng 60% và 20%.
Lê Linh
Theo Kinh tế Sài Gòn Online