Thứ ba, Tháng Một 28, 2025

Năng suất tại Mỹ tăng chậm kỷ lục

Chi Vũ - 

Mức tăng trưởng năng suất của Mỹ hiện thấp nhất trong 36 năm qua. Đây được xem là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng GDP cũng như mức lương ở nước này tăng chậm.

Năng-suất-lao-động-tại-Mỹ Hiện nay, nhiều nhà hàng tại Mỹ có thể phục vụ cùng một lượng khách hàng nhưng chỉ với nửa số nhân viên, nhờ công nghệ.

Theo Cục Thống kê lao động Mỹ, trong 5 năm trở lại đây (2012 – 2016), tăng trưởng năng suất tại Mỹ chỉ đạt 0,8 %/năm, mức thấp nhất kể từ năm 1980, trong khi đó từng đạt 2,3% trong giai đoạn từ năm 1947 – 2007.

Hiện các chuyên gia kinh tế của Mỹ đưa ra nhiều lý giải cho tình trạng tăng trưởng năng suất thấp của nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay. Trong đó, vấn đề quả trứng có trước hay con gà có trước cũng được đặt ra: liệu năng suất thấp làm tăng trưởng kinh tế sụt giảm, hay tăng trưởng kinh tế thấp làm giảm năng suất?

Tờ The New York Times dẫn một báo cáo của Viện Roosevelt, một tổ chức tư vấn chính sách của Mỹ, cho rằng năng suất tại Mỹ tăng trưởng thấp không phải do thiếu đầu tư trong đổi mới sản xuất và công nghệ.

Đó là kết quả của sự suy giảm về cầu tiêu dùng, cùng với thị trường lao động đang đình trệ với mức tiền lương thấp. Nếu lao động ngày càng khan hiếm và chi phí nhân công tăng nhanh hơn, ắt hẳn doanh nghiệp tại Mỹ đã phải đầu tư mạnh hơn vào cải tiến và đổi mới để tiết kiệm chi phí lao động. Khi nhu cầu tiêu dùng tăng, điều này cũng sẽ khuyến khích doanh nghiệp tăng đầu tư để tăng năng suất.

Trong khi đó, một nghiên cứu về triển vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế được đồng thực hiện bởi Viện nghiên cứu Hoover và Viện nghiên cứu kế hoạch Mỹ cho rằng, chính sự thiếu quan tâm đầu tư vào trang thiết bị máy móc và công nghệ là nguyên nhân của sự suy giảm trầm trọng năng suất như hiện nay.

Theo số liệu được thu thập bởi Cục Thống kê lao động Mỹ, mức tăng vốn đầu trong khu vực tư nhân cho máy móc, thiết bị giảm mạnh từ 8,9% (1995-2000) xuống còn 2% (2007-2015). Mức tăng vốn đầu tư cho công nghệ cũng giảm từ 8,4% (1995-2000) xuống còn 3% (2007-2015).

Theo ông Marco Annunziata, chuyên gia kinh tế cấp cao của hãng General Motor, nhiều tiến bộ công nghệ đã được ứng dụng vào sản xuất hiện nay, như công nghệ in 3D và công nghệ tương tác thực tế, giúp tăng năng suất. Tuy nhiên, vốn đầu tư cho công nghệ lại đang giảm dần đi, đặc biệt đối với công nghệ chuyển đổi.

Ông Marco cho biết, những công nghệ đổi mới ngày nay chỉ được áp dụng ở phạm vi hẹp. Các doanh nghiệp sẽ không đầu tư mạnh vào các nguồn lực để tạo ra bước nhảy vọt trong năng suất. Thay vào đó, họ chỉ chọn lọc một số dự án nhỏ hơn để thay thế máy móc và công nghệ cũ.

Vậy làm sao để thay đổi tình trạng đầu tư không đồng bộ này? Để trả lời câu hỏi này, cần phải quay lại quan điểm được nêu ra trong báo cáo của Viện Roosevelt, về sự liên quan giữa nhu cầu chi tiêu với tăng trưởng năng suất, giữa thị trường lao động với nhu cầu đầu tư vào công nghệ để giảm chi phí nhân công.

Ngoài ra, nhiều người cho rằng mức lương quá thấp như hiện nay là do robot đang giành ngày càng nhiều công việc của con người. Hay, doanh nghiệp không thể tăng lương vì mức tăng trưởng năng suất thấp. Theo nhà kinh tế học J.W. Mason, tác giả báo cáo của Viện Roosevelt, cả hai nhận định trên đều không đúng.

Thay vì lo lắng quá nhiều về việc robot sẽ lấy đi nhiều công việc từ con người. Con người nên quan tâm nhiều hơn đến mức lương quá thấp như hiện tại. Thấp đến mức robot cũng không có cơ hội để chen chân vào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối