Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Nâng tầm mô hình du lịch dựa vào cộng đồng

(SGTTO) - Du lịch dựa vào cộng đồng là hoạt động du lịch thuộc sở hữu và điều hành của cộng đồng, được quản lý hoặc điều phối ở cấp cộng đồng. Loại hình này góp phần mang lại hạnh phúc cho cộng đồng thông qua hỗ trợ sinh kế bền vững, bảo vệ giá trị văn hóa xã hội truyền thống và tài nguyên tự nhiên.

Mô hình du lịch dựa vào cộng đồng của nhà hàng The Field tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nhân Tâm

Du lịch Việt Nam cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây (tăng gấp 4 lần trong thập kỷ qua) và dự kiến ​​sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng này. Điều này tạo ra cơ hội kinh doanh cho ngành du lịch, nhưng cũng tác động tiêu cực đáng kể đến môi trường và xã hội tại tất cả các điểm nóng du lịch của đất nước, như tình trạng quá tải; các vấn đề về chất thải nhựa và chất thải rắn khác; chất lượng dịch vụ thấp; lạm dụng điều kiện lao động...

Cơ hội nào cho du lịch cộng đồng?

Hơn nữa, thực tế hiện nay là du lịch tập trung nhiều ở một vài điểm đến, cần tạo cơ hội và truyền thông về du lịch đồng đều hơn trong cả nước, mang đến cơ hội cho các điểm tham quan, đồng thời bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa địa phương, để giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và văn hóa xã hội từ các hoạt động du lịch.

Hoạt động du lịch cộng đồng Việt Nam đang diễn ra ở hầu hết là ở các vùng nông thôn (miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long), nơi vẻ đẹp tự nhiên giao thoa với di sản văn hóa. Đặc biệt, tại các khu vực có nhiều dân tộc thiểu số, có nền văn hóa đa dạng, độc đáo và thiên nhiên bao quanh, mang đến sự kết hợp hấp dẫn của các điểm đến du lịch. Tuy nhiên, ở các khu vực đó, việc lựa chọn sinh kế không dễ dàng, do vậy du lịch dựa vào cộng đồng có thể cung cấp thu nhập bổ sung cho nhiều người.

Vì vậy du lịch dựa vào cộng đồng có tiềm năng lớn, đặc biệt là khi du lịch dựa vào cộng đồng thực hành du lịch có trách nhiệm để phát triển bền vững.

Ở một khía cạnh nào đó, tăng trưởng du lịch nhanh chóng và nhu cầu gia tăng đối với du lịch xanh đòi hỏi du lịch dựa vào cộng đồng phải mang đến cho khách những trải nghiệm xanh của địa phương, bằng các dịch vụ tác động ít nhất đến môi trường, cộng đồng và văn hóa địa phương.

Một khảo sát về các hoạt động bền vững của các quốc gia thành viên của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho thấy 75% các quốc gia đã nhận thức về mối quan hệ chặt chẽ giữa tính bền vững và năng lực cạnh tranh. Nghiên cứu xác nhận rằng, thực hành du lịch có trách nhiệm dẫn đến giảm chi phí, bằng cách sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên (điện, nước và xử lý chất thải), từ đó tăng doanh thu và lợi nhuận theo thời gian.

Điều này sẽ có ảnh hưởng tốt đến danh tiếng và thương hiệu của du lịch dựa vào cộng đồng và do đó đem đến các cơ hội kinh doanh tốt hơn, nhiều khách hơn và người lao động có năng lực và năng suất lao động cao hơn.

Quảng Nam ủng hộ phát triển du lịch cộng đồng

Hiểu được nhu cầu phát triển loại hình này, Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sỹ (SSTP) đã xây dựng bộ tiêu chí và chỉ số du lịch bền vững áp dụng cho du lịch dựa vào cộng đồng. Các tiêu chí và chỉ số này tạo thành cơ sở để du lịch dựa vào cộng đồng có thể xây dựng kế hoạch triển khai du lịch có trách nhiệm, tối đa hóa lợi ích kinh tế và xã hội cho cộng đồng địa phương, phát huy di sản văn hóa và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

Với bộ tiêu chí này, du lịch dựa vào cộng đồng có thể tự đánh giá mức độ bền vững của chính mình và dựa vào đó, đổi mới và cải thiện tính bền vững của điểm đến du lịch, nơi mà du lịch dựa vào cộng đồng đang hoạt động.

Và mới đây, SSTP đã bàn giao bộ tiêu chí này cho Hiệp hội Du lịch Quảng Nam với mong muốn phát triển một hệ sinh thái du lịch bền vững tại địa phương miền Trung này.

Trao đổi với SGTTO, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho biết du lịch dựa vào cộng đồng bền vững là một trong những kim chỉ nam của du lịch Quảng Nam. “Các thành viên trong hiệp hội sẽ ngồi lại với nhau, đưa ra chương trình hành động cụ thể, huấn luyện và áp dụng từng tiêu chí cụ thể tại từng doanh nghiệp để Quảng Nam thực sự phát triển mô hình này”, ông Thanh nói.

Mọi người tham gia trò chơi "Bịt mắt bắt vịt" tại chợ phiên làng chài Tân Thành, thành phố Hội An - một mô hình mới về du lịch dựa vào cộng đồng cần phát triển bền vững. Ảnh: Nhân Tâm

Cụ thể, có 7 chủ đề du lịch bền vững chính cho du lịch dựa vào cộng đồng mà Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và các doanh nghiệp thành viên cùng nhau thực hiện. Đó là lợi ích kinh tế cho cộng đồng, khả năng tạo việc làm và thu nhập tại địa phương, cơ chế quản lý kinh tế và khách du lịch, bảo vệ môi trường tự nhiên, giảm chất thải và khí thải từ cơ sở lưu trú và nhà hàng, kế hoạch đổi mới hoặc thích ứng theo hướng thân thiện với môi trường và ý nghĩa xã hội - văn hóa.

Ví dụ, có 5 tiểu tiêu chí dành cho vấn đề khả năng tạo việc làm và thu nhập tại địa phương. Đó là tăng cơ hội nghề nghiệp và thu nhập tại địa phương trong điểm du lịch cộng đồng, ý kiến tích cực của cộng đồng địa phương về cơ hội nghề nghiệp từ du lịch cộng đồng, tăng khả năng tiếp cận đào tạo kỹ năng nghề nghiệp du lịch của người dân địa phương, tăng cường hỗ trợ nhận thức và giáo dục du lịch cho người dân địa phương và hỗ trợ các cơ sở hạ tầng công cộng cho cộng đồng.

Và để có thể đo lường việc thực hiện 5 tiểu tiêu chí này, có 5 chỉ số được đặt ra để doanh nghiệp hoàn thành. Đó là số lượng hàng năm về lao động bán thời gian và toàn thời gian trong điểm du lịch cộng đồng và các hoạt động kinh doanh du lịch khác - bao gồm phụ nữ, thanh niên, người khuyết tật, dân tộc thiểu số; kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng địa phương về cơ hội việc làm bình đẳng cho tất cả mọi người - bao gồm phụ nữ, thanh niên, người khuyết tật, dân tộc thiểu số và các nhóm dân số dễ bị tổn thương khác; ghi lại số lượng người dân địa phương hàng năm tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp du lịch, mỗi khóa học; số lượng hàng năm người dân địa phương tham gia các hội thảo hoặc các khóa nâng cao nhận thức du lịch, số lượng người tham gia mỗi khóa học và hồ sơ hàng năm về các cơ sở hạ tầng và tiện ích phúc lợi công cộng hiện có và xây dựng mới.

Có thể nói du lịch là một ngành có tính cạnh tranh cao. Du lịch dựa vào cộng đồng cũng giống như các doanh nghiệp nhỏ khác, cần phải thận trọng trong từng bước đi về mọi mặt để có thể hướng tới bền vững, bao gồm cần phải hiểu nhu cầu của khách hàng để có thể đáp ứng được mong muốn của họ; quản lý hiệu quả tài chính; vận hành các hoạt động nội bộ; sử dụng nguồn nhân lực và quan hệ với các nhà cung cấp và các bên liên quan khác nhau.

Lưu ý khi thực hiện du lịch cộng đồng bền vữngDu lịch dựa vào cộng đồng đòi hỏi một cách tiếp cận dài hạn và có thể kéo dài trong nhiều năm, trải qua các giai đoạn khác nhau. Một số du lịch dựa vào cộng đồng được hình thành dựa trên các làng nghề truyền thống như làng rau Trà Quế (Quảng Nam) và làng bonsai Hồng Vân (huyện Thượng Tín, Hà Nội). Cơ sở của du lịch dựa vào cộng đồng cũng có thể là đầu tư vào nhà ở của người dân trong cộng đồng, như làng Nam Đàm (Quảng Ba, Hà Giang) hoặc làng Lạc (Mai Châu-Hòa Bình). Do đó, việc thực hành du lịch bền vững ở du lịch dựa vào cộng đồng sẽ khác nhau, phụ thuộc vào cơ sở vật chất và hạ tầng, sản phẩm và dịch vụ du lịch tương ứng.Đối với các điểm du lịch dựa vào cộng đồng đang hoạt động, đánh giá dựa vào các tiêu chí và chỉ số du lịch bền vững của SSTP có thể xác định mức độ thực hành du lịch bền vững của du lịch dựa vào cộng đồng và tìm ra giải pháp để hoạt động bền vững hơn trong tương lai. Đối với những du lịch dựa vào cộng đồng mới bắt đầu, tiêu chí và chỉ số du lịch bền vững của SSTP có thể giúp du lịch dựa vào cộng đồng định hướng phát triển bền vững ngay từ khi bắt đầu.

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối