Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Nạo vạn nơi vùng biển địa đầu

Khánh Tường

Người dân Trà Cổ ở địa đầu Tổ quốc gọi nghề cào ngao (nghêu) trên vùng biển giáp biên với Trung Quốc bằng cái tên rất ngộ là “nạo vạn”. Và “nạo vạn” là nghề kiếm cơm không của riêng người Trà Cổ…

Đặt chân đến điểm đầu Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh) lần đầu vào chiều muộn, nhưng gây ấn tượng nhất với tôi không phải là cột mốc “Tràng Vĩ 0 KM” hay biểu tượng du lịch có câu thơ của Tố Hữu “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước” mà là cảnh hàng trăm người dân mặc bảo hộ lao động đang tụ tập thành nhóm ở dọc bãi biển.

“Họ đang chờ đi nạo vạn” – Khang, thổ địa người Trà Cổ đi cùng tôi cho biết. “Nạo vạn?” – tôi thắc mắc vì lần đầu tiên nghe thấy hai từ này. Khang giải thích: “Người dân Trà Cổ sinh sống bằng rất nhiều nghề trên biển, trong đó nạo vạn là nghề lâu đời nhất. Thường họ đi bè máy (được kết bằng tre) ra ngoài biển. Chờ nước ròng, họ xuống biển với cái cào, đầu cán buộc vào người rồi đi giật lùi, phát hiện có ngao thì dừng lại vớt lên. Hiểu nôm na, “vạn” là dân vạn đò, “nạo” là nạo vét. Ngoài cào ngao, những người đi bắt giun đất, sá sùng… cũng được gọi là “nạo vạn”.

Ngoài cái nghề đi cào nghêu (nạo vạn), dân vùng biển Trà Cổ còn ra biển đánh bắt bằng lưới chài.
Ngoài cái nghề đi cào nghêu (nạo vạn), dân vùng biển Trà Cổ còn ra biển đánh bắt bằng lưới chài.

Trước đây, nạo vạn là nghề độc quyền của người dân Trà Cổ. Tuy nhiên gần đây, do làm ăn được nên nghề này còn thu hút hàng ngàn người dân khắp các phường lân cận của Móng Cái như Vạn Ninh, Bình Ngọc, Vĩnh Thực, Vĩnh Trung; thậm chí đến tận các huyện Hải Hà, Đầm Hà… của Quảng Ninh.

Chỉ tay ra ngoài biển, nơi có cột mốc chủ quyền số 1378 đặt ở đỉnh cực Đông Bắc, trên mũi Sa Vĩ – dấu mốc cuối của tuyến biên giới Việt - Trung, tính từ mốc số 0, trên đỉnh Khoang La San ở ngã ba biên giới ba nước Việt-Lào-Trung, chị Thu, 53 tuổi, người có thâm niên hơn 40 năm trong nghề “nạo vạn”, cho biết địa bàn hoạt động của những người “nạo vạn” là vùng biển giáp ranh với biển Trung Quốc. Bắt đầu từ khoảng 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm hàng ngày, họ đi theo từng bè, mỗi bè khoảng 30 người, trả cho chủ bè 15.000 đồng/người. Mỗi đêm, trung bình mỗi người như chị Thu kiếm được hai-ba trăm ngàn đồng. “Có đêm cào trúng bãi nhiều ngao, tôi kiếm được tiền triệu” – chị Thu kể. Tôi hỏi chị Thu đã bao giờ vượt cột mốc qua cào ngao bên vùng biển Trung Quốc chưa? Chị Thu cười, nói: “Thi thoảng, bởi bên đó nhiều ngao hơn bên mình”.

“Bên đó là Vạn Mỹ, người Việt mình nhiều lắm!” – chị Thu chỉ tay về phía những ngôi nhà lô nhô màu trắng bên kia biên giới biển. Chị Thu kể thỉnh thoảng qua đó cào trộm ngao, chị gặp rất nhiều người “Trung Quốc Vạn Mỹ” cũng làm nghề nạo vạn. “Họ tốt lắm, không có xua đuổi mình như những người Trung Quốc khác. Có khi họ còn nhắc mình bằng tiếng Việt rằng tranh thủ về Việt Nam sớm không tí nữa nước lên đi lại khó khăn…” – chị Thu nói.

Cùng với lớp người Trà Cổ, chị Thu là hậu duệ của hàng chục đời ngư dân đã đến mở đất, dựng làng như những người lính trấn giữ vùng biên thùy này từ thế kỷ 16. Trong các thư tịch cổ lẫn ký ức được truyền đời nhắc nhớ thì ngư dân Trà Cổ hiện nay chính là hậu duệ của những người đi biển đến từ bán đảo Đồ Sơn (Hải Phòng) xưa. Đại để từ cách đây khoảng sáu thế kỷ, một nhóm ngư dân Đồ Sơn gồm 12 gia đình đi đánh cá, gặp bão phải ghé vào đây. Lúc ấy, Trà Cổ còn là đầm bãi đầm lầy chưa có người sinh sống. 12 gia đình ngư dân Đồ Sơn đã phân vân, bàn luận không biết nên về hay ở lại. Cuối cùng, sáu gia đình quay về bởi bất lực trước thực tại như chính những câu thơ vẫn còn lưu truyền đến nay rằng: “Ở đây ăn bổng lộc gì?/ Lộc sim thì chát, lộc si thì già”. Sáu gia đình còn lại thì lạc quan hơn: “Ở đây vui thú non tiên/ Tháng ngày tôm cá lấy tiền nuôi nhau”. Và họ ở lại khai hoang, mở làng mới, dần dần gầy dựng nên Trà Cổ ngày nay. Tên gọi Trà Cổ được giải thích là tên ghép của hai làng Trà Phương và Cổ Trai (nay thuộc huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) – là đất phát tích của nhà Mạc vào đầu thế kỷ 16. Người Trà Cổ có câu “Người Trà Cổ tổ Đồ Sơn” lưu truyền qua các thế hệ chính là răn dạy con cháu nhớ đến gốc gác tổ tiên của mình.

Lạ nhất, người Trà Cổ chỉ là thiểu số ở Móng Cái, lại ở vùng địa đầu luôn hứng chịu sự khắc nghiệt của thiên tai, cái nghèo khó của địa lý và hơn cả là hứng chịu sự va đập, xoắn vặn trực tiếp hoặc thầm lặng từ văn hóa Trung Quốc. Nhưng người Trà Cổ lại là chủ nhân của nhiều công trình kiến trúc, lễ hội thuần Việt có giá trị tại Móng Cái, điển hình như đình làng Trà Cổ có niên đại từ thế kỷ 16 đến nay vẫn vẹn nguyên. Đình làng Trà Cổ thờ sáu vị tiên công người Đồ Sơn (Hải Phòng) và thờ Quận He Nguyễn Hữu Cầu – một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa thời Lê-Trịnh cũng quê ở Đồ Sơn. Nơi đây chính là cảm hứng để nhạc sĩ Nguyễn Cường viết ca khúc Mái đình làng biển với những câu hát lúc nào nghe cũng thấy rưng rưng: “Thi gan cùng tuế nguyệt/ Bao lâu bao lâu rồi/ Mái đình xưa làng biển/ Thênh thênh một góc trời…”.

Bao đời nay người dân Trà Cổ như những người lính trấn giữ vùng biên thùy này và họ vẫn sống với cái nghề “nạo vạn” – cào nghêu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối