Nguyễn Việt Hà -
Thời gian gần đây, các thành phố lớn đều triển khai lắp đặt hệ thống camera ở nhiều địa điểm để giám sát giao thông cũng như phát hiện các loại hình tệ nạn xã hội.
Hiệu quả của việc triển khai loại hình “mắt thần” này là tích cực, mà điển hình là thành phố Đà Nẵng đã giảm hẳn các loại hình tệ nạn đường phố khi có camera được lắp đặt ở các địa điểm, tuyến phố quan trọng.
Việc có camera giám sát trên các tuyến phố chính, thậm chí là các ngõ, hẻm, cổng ra vào các khu dân cư đông đúc là cần thiết, bởi lẽ bằng hình ảnh từ camera của một số gia đình lắp đặt mà có không ít các vụ án được phá, các vụ tai nạn giao thông tìm ra thủ phạm... Tiêu biểu như gần đây ở Huế một người phụ nữ đã dùng thủ thuật “thôi miên” để lấy tiền của cụ già. Chính từ camera tư nhân lắp đặt bao quát đoạn đường phố gần đó mà vụ án nhanh chóng được phá và người phụ nữ đó đã bị bắt với bằng chứng không thể chối cãi.
Tác dụng tích cực của camera giám sát là như vậy, nhưng trên thực tế thì ở các thành phố lớn, các điểm có lắp đặt “mắt thần” mới chỉ hiện diện chủ yếu tại các vòng xoay, tuyến phố chính chứ chưa hề có tại các đường phố nhỏ, ngõ, hẻm, hay cổng ra vào của những khu dân cư đông đúc.
Vẫn biết rằng việc lắp đặt rộng rãi camera giám sát tại nhiều địa điểm trong thành phố là rất tốn kém, nhưng về lâu dài các thành phố cũng phải tiến hành triển khai bởi hiệu quả của loại “mắt thần” này, không chỉ giám sát mà còn ngăn ngừa tội phạm. Về vốn để lắp đặt, bảo dưỡng và duy trì hoạt động của camera có thể dùng ngân sách của địa phương, hoặc người dân và nhà nước cùng làm.