Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Nếp quần gấp áo

Trương Huỳnh Như Trân

 “Giặt áo chồng tao thì giặt cho sạch

Giặt mà không sạch, tao rạch mặt ra

Phơi áo chồng tao thì phơi bằng sào

Chớ phơi bờ rào rách áo chồng tao”

Từ ngày xưa cô Tấm đã có ý thức chăm chút trong cách giặt đồ, phơi đồ, dù đã biến thành chim vàng anh cũng bay theo nhắc chằm chặp Cám.

Chuyện đó cũng phải thôi. Nếp quần gấp áo là chuyện nội trợ của các bà các cô, có thể nâng lên thành quan điểm nội trợ của từng người nữa.

Như mẹ tôi, tuy ở thôn quê chẳng ai nhìn thấy sào phơi đồ ở tuốt vườn sau, nhưng mẹ không bao giờ để lộ nội y trên cây sào phơi đồ cả. Mẹ nói đàn bà con gái như vậy là vô duyên. Quần áo mẹ phơi bao giờ cũng “có đôi có cặp”, nghĩa là áo ở đâu thì quần ở đó, để lạc mỗi nửa một nơi là không nên. Quần áo thay ra phải giặt phơi ngay và luôn luôn được ủi phẳng trước khi mặc, dù ngày xưa mỗi lần ủi đồ phải quạt than ná thở thì cái bàn ủi con gà mới đỏ lửa.

Thật là nhiều quy tắc phức tạp quá. Tôi chỉ nhớ nhất mùi áo quần phơi dưới nắng quê chang chang, bao giờ đem vào nhà cũng có mùi rất thơm. Mùi thơm không đến từ nước giặt, nước xả “hương ngàn hoa”. Chỉ thuần là mùi thơm của quần áo dưới cái nắng nỏ khô giòn.

Tôi cũng nhớ quần áo của anh em tôi đã được mẹ áp dụng quy tắc giặt ủi của riêng mình để gìn giữ cẩn thận tới mức nào. Nhà nghèo, quanh năm chẳng bao giờ được sắm quần áo mới, nhưng anh em tôi ra đường lúc nào cũng bảnh bao nhờ nếp quần gấp áo của mẹ. Chiếc áo sơ mi trắng có hình chiếc thuyền in trên ngực trái mẹ mua cho anh hai, từ anh hai “thải” ra đến tôi mặc, rồi đến hai đứa em, mà đứa nào mặc cũng tinh tươm như mới.

Những nguyên tắc của mẹ, tôi để rơi rớt dần. Nhà phố chỉ có khoảng sân hẹp để phơi đồ nên quần áo phải chen chúc nhau trên cây phơi đồ inox, không được xòe rộng thênh thang mà đón nắng đón gió. Quần áo vẫn khô nhưng thiếu cái khô thơm đặc biệt. Rồi ba từ quê lên chơi, đứng ngắm nghía khu vực phơi đồ của tôi, lắc đầu. Ba đi kiếm vài cây tre, đinh, kẽm… Chỉ một loáng tôi đã có cây sào bằng tre rộng rãi, tha hồ bày đồ ra phơi, tranh thủ từng chút nắng đô thị chợt đến chợt đi. Nắng luồn vào từng thớ vải, trả lại cho tôi mùi khô thơm. Ba thật tuyệt quá, phải chăng nhờ nguyên tắc của mẹ?

Nơi tôi ở là thành phố vùng ven, bát nháo xây dựng, lô xô nhà cửa, chật chội chung cư. Không thiếu cảnh quần áo phơi bừa bãi trên công trình, trên hàng rào tạm bợ, phấp phới trên ban công... Quần áo lao động, quần áo người lớn, trẻ con, khăn tã, và đủ thứ đồ… linh tinh đủ màu xanh đỏ tím vàng khác nữa. Nếu áp dụng quan điểm của mình lên người khác, môi trường, hoàn cảnh sống khác thì trật lất, nên thôi ta đành đưa mắt tìm nơi cảnh đẹp khác. Nhưng có lần chạy xe qua một đoạn đường cũng bát nháo xây dựng, bát nháo nhà tạm, tôi bắt gặp một sào đồ phơi ven đường. Tuy cũng là tạm bợ, phơi phóng lộ thiên, nhưng sào đồ được dựng ngay ngắn, quần áo treo có lớp có lang khiến ta không khỏi liên tưởng đến chủ nhân cũng là người chỉn chu. Người dựng lên sào đồ đó hẳn cũng có bàn tay tháo vát như ba tôi, và người phơi những quần áo đó trên sào cũng có ý thức tế nhị như mẹ tôi. Sào đồ phơi bên đường lẽ ra không đẹp, nhưng cũng thành đẹp trong ý nghĩ vừa lóe lên đó.

Trở lại với sào phơi đồ của riêng tôi mà ba vừa sắm sửa cho, nắng chiều và gió lộng đan xen trên quần áo tỏa ra mùi thơm dìu dịu. Mùi thơm nắng quyện trong quần áo chỉ có thể có trên sào phơi đồ của nhà mình. Trong các chuyến du lịch, quần áo phải gửi khách sạn giặt, cũng giặt ủi sạch thơm nhưng sao thấy xa lạ, đồ của mình mà mặc vào cảm giác như đồ của ai khác. Dễ hiểu thôi, vì nó không có mùi thơm quen thuộc: mùi nắng nhà. Nếp quần gấp áo cũng chính là nếp nhà vậy.

Mãi ngắm nghía hài lòng với sào phơi đồ, bỗng con gái bé xíu của tôi từ đằng sau chạy tới, nhăn mặt cầm cái áo phơi không đúng chỗ, đặt về vị trí cạnh cái quần cùng bộ. Ôi thật là truyền nhân đích thực của bà ngoại nó.

Điện thoại reo giòn giã cắt đứt dòng suy nghĩ. Chồng tôi gọi điện hớn hở thông báo: “Từ nay em khỏi lo trời mưa đồ bị ẩm và hôi rồi nhé! Anh vừa đặt mua máy giặt có chức năng sấy khô luôn đấy!”.

Tôi bất giác quay ra nhìn. Ôi cái sào đồ huyền thoại… Con gái tôi đang chỉnh sửa lại cái áo treo lệch, cái khăn không đúng bốn góc bằng nhau… Mùi quần áo khô thơm bay vướng vít.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối