Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Nét đẹp trong phong tục cưới xin của người Nam Bộ

(SGTT) - Có thể đem thịt vịt biếu nhà vợ ngày lại mặt, cô dâu chú rể phải nắm tay nhau suốt thời gian rước dâu bằng ghe trên sông... là những nét riêng trong phong tục cưới của người Việt ở Nam Bộ xưa.

Tiến sĩ Trần Long.

 

Tiến sĩ Trần Long - Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết ngày nay, nghi thức cưới hỏi ở Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn lưu giữ bản sắc truyền thống nhưng đã có thêm nhiều nét mới.

Lễ vật cưới thuần Việt

Vùng Nam Bộ bao gồm Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ, là vùng đất trù phú, có nhiều sông ngòi và đặc trưng nông nghiệp trồng lúa nước, cây ăn trái… Tiến sĩ Trần Long cho biết: “Quy chiếu về góc độ lịch sử, thực chất người Việt Nam Bộ không có văn hóa riêng, mà văn hóa đó xuất phát từ những người dân miền ngoài, di dân đến Nam Bộ, cải biến hình thức sinh hoạt cho phù hợp với điều kiện sống ở vùng đất mới”.

Khoảng thế kỷ thứ 17, người dân mới di cư vào miền Đông Nam Bộ, sau đó lấn sâu vào vùng Tây Nam Bộ vào khoảng thế kỷ thứ 19. Trước khi đến Nam Bộ, người Việt đã trải qua nhiều ách đô hộ, chịu sự chi phối của văn hóa phong kiến vốn đã lan tỏa từ đô thị đến nông thôn. Các nghi thức trong ma chay, cưới hỏi… từ đó ít nhiều mang tính khuôn phép của lễ giáo phong kiến.

Vì vậy, phong tục cưới hỏi theo truyền thống của người Việt ở Nam Bộ không khác biệt so với Trung Bộ và Bắc Bộ. Các nghi lễ chính hiện nay đã được lược gộp, thường gồm có: lễ dạm ngõ, hay còn gọi là ra mắt; lễ ăn hỏi, lễ cưới hay còn gọi là rước dâu. Trước đây vào thời phong kiến, việc kết hôn còn thông qua mai mối, nhiều gia đình phải thực hiện nghi thức “vấn danh”, tức vào nhà hỏi tên cô gái và “trao thơ”, tức trao tờ giấy có ghi rõ ngày sinh tháng đẻ và tên tuổi... để xem xét có phù hợp, có đủ điều kiện hay không mới tiến tới hôn nhân.

Lễ ăn hỏi là nghi lễ được coi trọng nhất trong các nghi thức cưới. Khi đến hỏi cưới, nhà trai phải là người chủ động chuẩn bị mọi thứ và bàn bạc kỹ lưỡng với nhà gái về các lễ vật. Số tráp cưới thường là số lẻ như 3, 5, 7, 9, 11 và số lượng lễ vật bên trong phải là số chẵn thì cuộc sống hôn nhân mới trọn vẹn.

“Dù bất cứ tầng lớp nào, đám cưới miền nào, nhất định trong lễ vật cưới phải có ba thứ quan trọng nhất là trầu cau, đèn (nến) và rượu, rồi sau đó mới đến các lễ vật khác, tùy theo điều kiện gia đình và vùng miền”, tiến sĩ Trần Long nhấn mạnh về lễ vật cưới đúng phong tục Việt. Nhìn vào các lễ vật chính, tiến sĩ Trần Long chỉ ra rằng, đây đều là những lễ vật thiên về thực vật, có sự vận dụng và kế thừa văn hóa Hoa – Việt.

Ví dụ như trầu cau từ sự tích trầu cau vào đời Hùng Vương thứ 18, khi ấy người ta đã có văn hóa hôn nhân đối ngẫu, biết ý thức về cuộc sống hôn nhân một vợ một chồng, biểu tượng của sự chung thủy sắt son. Đèn (nến) được ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa – trên bàn thờ người Hoa luôn có ý nghĩa triết học, phải đầy đủ thái cực (đèn hoặc lư hương), lưỡng cực (đèn), tứ tượng (các vật phẩm). Rượu trong lễ vật cưới bắt buộc phải là rượu trắng, cũng được làm từ gạo - sản phẩm nông nghiệp chính của người Việt. “Rượu này chính là rượu tinh thần. Vị cay nồng biểu tượng cho tình cảm của đôi lứa và cả hai bên thông gia. Cho nên chúng ta thường thấy, cô dâu chú rể bắt buộc phải trải qua nghi thức dâng rượu cho cha mẹ đôi bên trong ngày cưới”, tiến sĩ Trần Long giải thích.

Ngoài ra, tiến sĩ Trần Long cũng nhấn mạnh, các loại bánh cưới như bánh phu thê, bánh in… đều phải làm từ tinh chất của gạo, nếp và từ các loại hạt đậu, không dùng các loại bánh nguyên hạt hay bánh ngoại lai.

Sau khi tiến hành các lễ bái trang trọng, người mẹ sẽ đưa cô dâu ra diện kiến nhà trai nhưng người cha phải là người trao con gái cho nhà trai, tiếp đến là lễ lên đèn bàn thờ gia tiên và mời rượu, trà, nước hai bên thông gia. Lễ cưới cũng được tiến hành một số bước giống trình tự này tại nhà trai sau khi rước dâu về.

Nét thú vị riêng

Điều kiện địa lý sông nước cũng là yếu tố đem lại đôi nét khác biệt trong lễ cưới Nam Bộ. Ở các vùng miền khác, người ta rước dâu bằng đường bộ nhưng ở vùng Tây Nam Bộ, lễ rước dâu thường dùng ghe hoặc xuồng. “Điều làm tôi thú vị nhất chính là nghi thức bắt buộc chú rể phải nắm tay cô dâu sau suốt thời gian ghe hoặc xuồng di chuyển trên sông. Việc này có ý nghĩa là vợ chồng luôn luôn bên cạnh nhau, dù có gặp khó khăn, trắc trở trên đường đời cũng sẽ cùng nhau vượt qua”, tiến sĩ Trần Long tâm đắc.

Một nét thú vị khác là môi trường sông nước khiến người Nam Bộ nuôi vịt nhiều hơn nuôi gà. Vì vậy, trong nghi thức lại mặt nhà gái - thực hiện sau lễ cưới ba ngày, chàng rể có thể đem cặp vịt đến biếu cha mẹ vợ. Nhưng trong quan niệm của người Bắc và Trung Bộ, vịt là con vật không dùng làm lễ vật, nhất là dùng làm quà biếu trang trọng.

Ngày nay, hôn nhân ở Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng đã có nhiều tiến bộ dựa trên sự tôn trọng quyền riêng tư của con cái, giảm bớt chi phí và thủ tục phiền hà cho hai gia đình. Tiến sĩ Trần Long diễn giải: “Điều quan trọng nhất là người Việt vẫn giữ được truyền thống, bản sắc văn hóa qua việc không cải tiến các lễ vật chính như trầu cau, rượu, đèn… hay hình thức cưới xin dù hôn nhân bây giờ là việc riêng tư của nam nữ, chứ không còn sự can thiệp sâu của gia đình, dòng họ như ngày xưa nữa”.

Ngoài ra, người Nam Bộ cũng đi tiên phong trong nghi thức mừng tiền khi đi ăn cưới. Tính chất dịch vụ hóa được thể hiện qua lối sân khấu hóa nghi lễ đám cưới ở nhà hàng đã nảy sinh thói quen “mừng tiền cưới” của chúng ta ngày nay. Trước đây, người dân Việt Nam thường tổ chức đám cưới tại nhà, mời họ hàng hai bên cùng xóm giềng đến hỗ trợ tổ chức. Và việc trao tặng vật chất chỉ là việc của cha mẹ và những người họ hàng lớn tuổi trong nhà.

 

Phong tục Việt Nam của tác giả Phan Kế Bính và Phong tục dân gian cưới hỏi của tác giả Thiệu Á Đông là hai quyển sách mà tiến sĩ Trần Long giới thiệu đến độc giả muốn tham khảo thêm về phong tục cưới truyền thống của người Việt Nam.

Yến Nhi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối