Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Ngắm không gian lung linh chùa Bái Đính khi về đêm

(SGTT) - Nằm ở cửa ngõ phía Tây cố đô Hoa Lư xưa, chùa Bái Đính (Ninh Bình) là điểm đến thu hút đông đảo du khách bởi kiến trúc đồ sộ, đậm bản sắc truyền thống. Bên cạnh ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ 12, chùa Bái Đính mới được hoàn thành vào năm 2008 và đến nay trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, thu hút đông đảo Phật tử và khách tham quan.

Nằm dựa vào sườn núi Đính, ngọn núi cao nhất vùng, trước mặt là hồ Đàm Thị và sông Hoàng Long, chùa Bái Đính có vị thế “tiền thủy hậu sơn”. Đến đây, du khách như được chiêm ngưỡng quần thể chùa lớn nhất Đông Nam Á, hành lang La Hán dài nhất châu Á, khu chùa có nhiều tượng La hán nhất (500 tượng)…

Nếu cảnh sắc ban ngày khiến người ta dễ choáng ngợp bởi kiến trúc nguy nga, bề thế của ngôi chùa thì không gian tĩnh lặng ban đêm lại đưa du khách đến một cảm xúc rất khác. Chính vì thế, chùa Bái Đính kéo dài thời gian mở cửa đến 21:00 để đa dạng hóa trải nghiệm du khách.

Do dựa lưng vào núi nên các công trình của chùa Bái Đính nằm trải dài theo triền đồi thoai thoải. Bước qua Tam quan ngoại là đến Tam quan nội, bắt đầu hành trình tìm hiểu về chốn linh thiêng.

Khu Tam quan nội lên đèn rực rỡ trong màu xanh sẫm buổi hoàng hôn. Ảnh: Việt An
Khung cảnh yên tĩnh về đêm. Ảnh: Việt An
Cuối con đường này sẽ dẫn tới hành lang La Hán chạy dọc hai bên chùa, mỗi dãy dài khoảng 1,7km với 500 bức tượng La Hán. Hành lang này dẫn từ Tam quan lên điện Tam thế, tượng trưng cho con đường đến với Phật pháp của các vị La Hán. Các bức tượng đều được làm thủ công bằng loại đá xanh đặc biệt lấy từ núi Thiện Dưỡng (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư), mỗi bức tượng cao khoảng 2m, cả bệ đến 2,5m, nặng 2-2,5 tấn. Dưới bàn tay khéo léo của người thợ đá Ninh Vân, mỗi vị thể hiện thần thái, hình dáng, hỷ, nộ, ái, ố khác nhau, không tượng nào giống tượng nào. Trong số này còn có tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ảnh: Việt An.
Gác chuông cao 3 tầng theo kiến trúc lầu bát giác. Bên trong là đại hồng chung bằng đồng nặng đến 36 tấn. Bên dưới quả chuông là một trống đồng nặng 70 tấn. Người ta vẫn tin rằng tiếng chuông chùa ngân vang đến đâu là Đức Phật sẽ phổ độ chúng sinh đến đó. Ảnh: Việt An
Trong Điện Quán Âm có tượng Phật bà Quan Âm ngàn mắt ngàn tay được đặt trong gian giữa của ngôi điện có 7 gian này. Tượng đúc bằng đồng, dát vàng, nặng đến 80 tấn, là pho tượng Quan Thế âm Bồ Tát lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Việt An
Điện Giáo chủ gồm 5 gian, trong đó có tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 10m, nặng 100 tấn, dát vàng, là pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Việt An
Tháp Báo Thiên cao 13 tầng, tầng cao nhất hiện đang lưu giữ xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được rước từ Ấn Độ về năm 2008. Ảnh: Việt An

Nằm ở vị trí cao nhất là điện Tam thế với 3 pho tượng Phật cao 7,2m, nặng 50 tấn. Đây là hình ảnh của chư Phật trong 3 giai đoạn: Quá khứ – Đức Phật A Di Đà, Hiện tại – Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Tương lai – Đức Phật Di Lặc.

“Giữa không gian tĩnh lặng của buổi đêm, nghe tiếng côn trùng rả rích, tận hưởng không khí thanh mát trên đồi cao sẽ thấy tâm hồn trở nên thư thái, nhẹ nhàng. Tôi tin rằng không chỉ tôi mà nhiều du khách khác cũng có cảm nhận như vậy khi đến tham quan chùa Bái Đính vào ban đêm”, chị Nhã Huỳnh (Quy Nhơn) chia sẻ.

Lễ hội chùa Bái Đính đã khai hội từ Mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng Ba Âm lịch. Nếu không sắp xếp được thời gian ban ngày thì mọi người hoàn toàn có thể đi chùa vào buổi tối để vừa chiêm ngưỡng cảnh sắc lung linh dưới ánh đèn rực rỡ, vừa trải nghiệm không gian thanh tịnh nơi cửa thiền.

Việt An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối