(SGTT) – Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 sáng 5-5 ghi nhận thêm 8 trường hợp dương tính lần một, liên quan đến đoàn chuyên gia Trung Quốc.
- Hà Nội thêm 1 trường hợp mắc Covid-19 khá phức tạp, F1 trên diện rộng
- TPHCM: từ 18:00 ngày 3-5 tạm dừng hoạt động rạp phim, điện tử để phòng tránh Covid-19
Lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận biến chủng Ấn Độ
Theo Báo cáo từ cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch Vĩnh Phúc sáng 5-5, những ngày qua lực lượng chức năng đã lấy 2.845 mẫu xét nghiệm. Hiện ngoài 14 ca dương tính nCoV đã được Bộ Y tế công bố, tỉnh phát hiện thêm 8 trường hợp nghi ngờ, liên quan đến đoàn chuyên gia Trung Quốc.
Tám ca này chưa được Bộ Y tế công nhận nên được xem như ca nghi nhiễm. Tỉnh tiếp tục truy vết đồng thời tăng cường các biện pháp phòng, chống.
Lực lượng chức năng đã rà soát, truy vết được 911 trường hợp F1; 2.681 F2; 1.450 F3; đưa 750 trường hợp đi cách ly tập trung tại các cơ sở quân sự; 42 trường hợp cách ly tại cơ sở y tế huyện, thành phố; 4.760 trường hợp cách ly tại nhà.
Chuỗi lây nhiễm cộng đồng ở Vĩnh Phúc bắt đầu từ ngày 2-5, xuất phát từ nhóm chuyên gia Trung Quốc nhiễm Covid-19 đã về nước. Đến nay, Vĩnh Phúc ghi nhận 14 ca Covid-19.
Hôm qua, kết quả giải trình tự gen ba mẫu virus bệnh nhân Covid-19 ở Vĩnh Phúc thuộc biến chủng B.1.617 Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận biến chủng Ấn Độ trong các ca nhiễm cộng đồng.
Hiện tỉnh đã phong tỏa Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên, quán bar Sunny (khu đô thị Đồng Sơn, TP Phúc Yên), thôn Báo Văn 1 (xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc)...
Tình hình còn rất phức tạp
Trước đó, chiều 4-5, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, phải cách ly triệt để, không được để lây nhiễm trong khu cách ly, từ khu cách ly ra cộng đồng; triển khai đợt cao điểm rà soát tất cả người nhập cảnh; không quên đối phó nguy cơ dịch bệnh Covid-19 xâm nhập rất lớn từ bên ngoài.
“Đến nay, đương nhiên tình hình còn rất phức tạp nhưng cơ bản đến giờ phút này chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Ông Đam lưu ý, nếu ba đợt dịch trước hoặc dịch bùng phát từ nguồn bệnh xâm nhập bên ngoài hoặc từ bên trong, nhưng đợt dịch lần này từ bên trong mà áp lực từ biên giới Tây Nam cũng rất lớn, thêm nữa có biến thể virus mới từ Ấn Độ lây lan nhanh hơn, nặng hơn.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, nhiều quốc gia đã ghi nhận ca mắc tăng trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó một số nước chung đường biên giới với Việt Nam...
Ở trong nước, mặc dù công tác phòng, chống dịch của các cấp chính quyền được triển khai khẩn trương, tích cực, song còn những trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc nhập cảnh không được quản lý cách ly chặt chẽ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các bộ rà soát, chuẩn bị cho tình huống có 30.000 người nhiễm.
“Không phải chúng ta dự báo sẽ có 30.000 người nhiễm mà tính đến trường hợp xấu để sẵn sàng chuẩn bị và phải phấn đấu để không bao giờ có tình huống đó xảy ra. Tới đây, chúng ta phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, người nhập cảnh; cách ly triệt để không được để lây nhiễm trong khu cách ly, từ khu cách ly ra cộng đồng”, Phó Thủ tướng nói.
Quản lý chặt cả sau khi hoàn thành cách ly tập trung
Cũng tại cuộc họp, qua phân tích một số trường hợp phát bệnh sau khi hoàn thành cách ly tập trung và lây nhiễm cho cộng đồng, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thảo luận về việc thực hiện các quy định cách ly tập trung, theo dõi, giám sát y tế tại nhà.
Các ý kiến thống nhất đánh giá, một số cơ sở cách ly tập trung chưa thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt là trong xử trí khi phát hiện trường hợp cách ly mắc Covid-19. Công tác bàn giao, tiếp nhận người hoàn thành thời gian cách ly tập trung, sau đó theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú ở nhiều nơi rất lỏng lẻo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, từ 0:00 ngày 4-5, các trung tâm cách ly chưa đưa người đã hết thời gian cách ly tập trung về địa phương. Bộ Y tế phải rà soát lại quy định, hướng dẫn và trong ngày 4-5 phải có văn bản gửi tất cả địa phương, trung tâm cách ly để quán triệt, nhằm đảm bảo việc bàn giao giữa trung tâm cách ly với địa phương có người cách ly về cư trú, về làm việc phải có bàn giao, tiếp nhận, được quản lý chặt chẽ trong 14 ngày sau khi hoàn thành cách ly tập trung.
Phó Thủ tướng yêu cầu "Ai không thực hiện, cấp nào không thực hiện phải chịu trách nhiệm và sẽ phải xử lý nghiêm. Đối với các doanh nghiệp cũng tương tự, mời chuyên gia vào và bàn giao về thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm cam kết ghi nhận và hướng dẫn những người này tuân thủ các quy định ra sao. Tuyệt đối không được để tình trạng trong thời gian theo dõi, giám sát y tế sau cách ly mà lại tiếp tục đi tụ tập đông người, đi ăn uống, những nơi công cộng mà không giữ nguyên tắc phòng dịch, để lây lan ra cộng đồng cực kỳ nguy hiểm”.
Tình hình cách ly kiểm dịch tại TPHCM: tính đến 7:00 ngày 4-5: 2.627 người đang cách ly tại các điểm cách ly tập trung; 27 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú.Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) khuyến cáo người dân: Khai báo trung thực lịch trình di chuyển sau khi trở về thành phố, theo dõi các thông tin, khuyến cáo từ ngành y tế, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh theo 5K.
Nhật Linh tổng hợp