Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Ngành dệt may đối mặt với công nghệ thông minh

Anh Minh - 

Ngành dệt may trong những năm qua có những bước tiến, đã xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay các nhà sản xuất trong nước đang đối mặt là việc áp dụng công nghệ thông minh để sản xuất hàng hóa nhanh và giá thành thấp.

Thời trang “mì ăn liền” lấn lướt

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), vài năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều thương hiệu thời trang quốc tế nhờ tỷ lệ dân số trẻ cao và mức thu nhập tăng. Chẳng hạn, các thương hiệu như ZARA, H&M, Topshop và Mango đang mở thêm các cửa hàng trên cả nước trong thời gian ngắn, đáp ứng nhu cầu mua sắm dòng thời trang nhanh (fast fashion).

Tại buổi diễn ra ngày 23-11 tại TPHCM, tọa đàm “Liệu ngành may mặc Việt Nam đã sẵn sàng với fast fashion” bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, xu hướng thời trang nhanh đang phát triển trên thế giới. Nếu trước đây, mỗi mùa các hãng thời trang chỉ sản xuất ra một vài mẫu mới, thì dòng thời trang nhanh sẽ cung cấp mẫu mới hàng tuần. Điều này gây áp lực về thời gian sản xuất với các doanh nghiệp Việt Nam, thời gian sản xuất buộc phải nhanh, đồng thời, thời gian sử dụng thời trang của người dùng cũng rất nhanh thay đổi. Thực tế này cho thấy, ngành may mặc Việt Nam đang đối mặt với nền công nghệ 4.0 của thế giới đang tràn vào, thể hiện ở trí tuệ nhân tạo và các phần mềm liên quan.

Hiện nay vấn đề các nhà sản xuất trong nước đang đối mặt là việc áp dụng công nghệ thông minh để sản xuất hàng hóa nhanh và giá thành thấp. Ảnh: Thành Hoa

Cụ thể, trong lĩnh vực cắt may, một số phần mềm và máy móc của nước ngoài giúp ghi nhận số đo cơ thể và đặc điểm hình dáng của từng người. Từ đó, công nghệ này có thể tính toán lượng vải cần thiết, đưa ra giải pháp để nhà sản xuất tăng lợi nhuận. Có thể kể đến phần mềm intelloBuy, intelloCut... giúp giảm lượng vải thừa trong quá trình may đo.

Trước những thay đổi của công nghệ cắt may, các công ty dệt may Việt Nam cần phải cập nhật thông tin liên tục, sử dụng phần mềm để tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nguyên phụ liệu để đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Vẫn là thị trường tiềm năng

Mặc dù vậy, thị trường dệt may Việt Nam đang thu hút nhiều nhà đầu tư như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Chẳng hạn, các doanh nghiệp Hàn Quốc, Trung Quốc đã đầu tư những nhà máy sợi quy mô lớn tại Việt Nam để hưởng ưu đãi về thuế. Bên cạnh đó, tình hình xuất nhập khẩu cũng tạo nhiều cơ hội giao thương giữa Việt Nam và các nước trong lĩnh vực may mặc.

Về xuất khẩu, thị trường dệt may Việt Nam phần lớn xuất khẩu quần áo, xơ sợi. Về lĩnh vực xơ sợi, Việt Nam xuất khẩu khá nhiều sang các thị trường truyền thống như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ. Còn về vải, Việt Nam thường xuất các loại vải làm găng tay, vải làm đường và xuất khẩu nguyên phụ liệu…

Trong chín tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt gần 23 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường chính của ngành dệt may không thay đổi như thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc… Tính đến thời điểm này, ngành dệt may Việt Nam đã đạt 75% kế hoạch xuất khẩu, với con số dự tính trong năm nay là 37,5 tỉ đô la Mỹ. Con số xuất khẩu sang châu Âu và Nhật Bản tăng, nhưng chưa bằng việc xuất khẩu sang thị trường Nga, Hàn Quốc, do việc có hiệu lực của hiệp định thương mại tự do đối với các quốc gia này từ năm 2016.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập khẩu khá nhiều vải và nguyên phụ liệu với tổng giá trị hơn 14 tỉ đô la, trong đó nhập khẩu để xuất khẩu khoảng 11,5 tỉ đô la. Trong đó, lượng bông nhập khẩu nhiều nhất từ Mỹ (hơn 50%), Ấn Độ và Úc; nhập xơ sợi, vải và nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối