(SGTT) - Ngành du lịch sẽ cơ cấu lại, nhằm bảo đảm hiệu quả và phát triển bền vững, trong đó tập trung chuyển đổi xanh và ứng dụng công nghệ để tăng lợi thế cạnh tranh.
- Phát triển du lịch xanh qua trải nghiệm kết nối văn hóa địa phương
- Đừng nghĩ du lịch xanh là chỉ đưa khách vào rừng
Đây là một phần nội dung được đề cập trong Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Chính phủ vừa ban hành, TTXVN đưa tin.
Đối với lĩnh vực du lịch, Chính phủ xác định đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm hiệu quả và phát triển bền vững; tập trung đầu tư “làm mới” các sản phẩm du lịch; đổi mới các hoạt động quảng bá, xúc tiến, truyền thông, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ; thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng cường ứng dụng công nghệ trong ngành du lịch.
Trên cơ sở thế mạnh của mình, theo TTXVN, các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch.
Cụ thể, TPHCM phát triển đa dạng các sản phẩm như du lịch MICE (du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị), du lịch văn hóa, sinh thái, y tế, du lịch gắn với mua sắm, du lịch đường thủy, ngành du lịch Thành phố tiếp tục “làm mới,” hoàn thiện các sản phẩm từ thế mạnh mỗi địa phương.
Tỉnh Đồng Nai tìm cách khai thác lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, gắn bảo tồn thiên nhiên, tài nguyên rừng với phát triển du lịch, xây dựng mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển du lịch xanh, chọn huyện Côn Đảo – điểm đến đang có sức hút lớn với du khách để triển khai lồng ghép mô hình du lịch xanh vào thực hiện kinh tế tuần hoàn, xem đây là mô hình mẫu ở địa phương.
Thành phố Cần Thơ tập trung phát triển sản phẩm du lịch sẽ thúc đẩy kinh tế đêm gắn với hoạt động du lịch, tạo nét riêng, thu hút du khách.
Tỉnh Bến Tre làm mới các sản phẩm du lịch để tận dụng thế mạnh khi có gần 60 làng nghề sản xuất truyền thống, trên 240 sản phẩm OCOP, 18 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia hoặc quốc gia đặc biệt cùng nhiều di tích cấp tỉnh.
Nam Nguyên