HỒNG QUÂN -
Khi Disney mở cửa công viên lớn nhất ở Thượng Hải vào ngày 16-6, cuộc chơi không còn “vật vờ” như trước. Wang Jianlin, người giàu thứ hai Trung Quốc và là Tổng giám đốc điều hành (CEO) của Wanda Group, chủ đầu tư công viên Disney, đang hứa hẹn mang đến một công viên chủ đề bớt chất Tây phương về các nhân vật hoạt hình, trải nghiệm, và theo đuổi nhiều giá trị và văn hóa hơn.
Trung Quốc hiện có 2.500 công viên theo chủ đề.
Wang không hề ảo tưởng bởi sau nhiều năm cố gắng, Trung Quốc vẫn chưa có được phiên bản chuột Mickey, các anh hùng truyện tranh Marvel Comics và các nhân vật toàn cầu khác của riêng mình để từ đó tiếp thị những khu vui chơi trải nghiệm, chia sẻ văn hóa toàn cầu như Disneyland.
Hiện tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đang tăng lên, cùng rất nhiều nhà phát triển bất động sản và chính quyền địa phương tìm kiếm dự án đất đai để đầu tư vào công viên giải trí. Tính đến năm 2011, Trung Quốc là nơi có ít nhất 2.500 công viên chủ đề, từ công viên nước đơn giản đến công viên giải trí theo chủ đề cụ thể. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% các công viên trên kiếm được tiền, và trong năm 2014 không có công viên chủ đề nào của Trung Quốc nằm trong danh sách 15 công viên chủ đề có đông lượt khách tham quan nhất thế giới, dù đây là quốc gia đông dân nhất.
Nguyên nhân là các công viên giải trí thiếu chủ đề có nội dung cấu tứ chặt chẽ và chỉ có vài công viên đếm trong lòng bàn tay có công chúa, nàng tiên, siêu anh hùng và lâu đài. Đồ ăn tệ, xếp hàng luôn chen vai thích cánh và các chuyến tàu lượn thiếu an toàn khiến lượng khách quay lại tham quan là rất hiếm.
Để khắc phục điều đó, công viên chủ đề điện ảnh trị giá tỉ đô la Mỹ của Tập đoàn Wanda tại Vũ Hán chứa đầy các kiến trúc ấn tượng và chuyến tàu lượn có hiệu ứng. Nhưng điểm thu hút khách tham quan lớn nhất của công viên là “Sô trình diễn người Hán” được thể hiện với đầy đủ công nghệ cao, hiệu ứng đặc biệt, thể hiện lòng yêu nước của dân tộc Hán...
Dù sao đi nữa, Trung Quốc vẫn chấp nhận mở cửa tiếp nhận những chú vua sư tử hay chú gấu trúc, dù có khác biệt so với văn hóa Trung Quốc. Tháng 6-2008, chính phủ cấp phép chiếu Kung Fu Panda và bộ phim trở thành một quả bom tấn điện ảnh.
Trong năm 2012, Dreamworks, nhà sản xuất của bộ phim Kung Fu Panda hợp tác với các công ty Trung Quốc đầu tư để tạo ra một studio Shanghai nhằm thâm nhập sâu hơn vào thị trường nước này.
Những năm gần đây, Wang Jianlin đã mua lại các hệ thống giải trí Mỹ, bao gồm cả chuỗi rạp chiếu phim AMC và Legendary Entertainment, sản xuất nhiều bộ phim như series Dark Knight rồi Straight Outta Compton. Đằng sau những bước đi này, Wang mong muốn phát triển đa dạng hơn bên ngoài Trung Quốc và hy vọng sẽ mang tài sản cùng những bí quyết kinh doanh giải trí của Mỹ vào thị trường Trung Quốc.