Thứ năm, Tháng Một 9, 2025

Ngành nhựa chọn nông thôn làm điểm tựa

CHÍNH PHONG - 

Sau khi doanh nghiệp Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản thôn tính các hệ thống siêu thị, hàng của họ sẽ tràn ngập trên các kệ bày hàng? Điều đáng lo ngại này không còn dừng ở dạng một câu hỏi nữa, mà đã bắt đầu xảy ra, ít nhất là trên các kệ hàng bán đồ nhựa. Nhưng, may thay các doanh nghiệp sản xuất nhựa gia dụng vẫn còn tìm được chỗ đứng nhờ chọn thị trường nông thôn làm điểm tựa.

Thị trường nông thôn là chủ đạo

IMG_4667Mặt hàng nhựa gia dụng của doanh nghiệp Việt được nhiều người lựa chọn, ảnh chụp tại một phiên chợ hàng Việt về nông thôn.

 “75% doanh thu của công ty đến từ thị trường nông thôn, 5% từ kênh siêu thị, 5% từ kênh B2B tức là sản xuất đồ quà tặng bán thẳng cho các doanh nghiệp ngành nghề khác, và 15% từ việc xuất khẩu”, ông Trịnh Bảo Vinh, Giám đốc kinh doanh nhựa Tý Liên cho biết.

Tý Liên hiện có hàng tại 40 tỉnh, thành kể từ Nghệ An trở vào phía nam, với đội ngũ nhân viên bán hàng gần 100 người. Dù vậy, nhiều năm qua, họ vẫn cần mẫn tham gia 24 phiên chợ hàng Việt về nông thôn do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với các địa phương tổ chức.

“Mất thị phần quan trọng ở các tỉnh lẻ là thua”, ông Vinh nói. Theo ông Vinh, ở các phiên chợ, hàng của Tý Liên cùng các công ty như Duy Tân, Duy Thành đều bán rất chạy, cho thấy nhiều người dân các tỉnh không chọn sản phẩm Trung Quốc giá rẻ nhưng phẩm chất kém, mà chọn hàng Việt nhờ chất lượng hàng tốt, giá không quá cao.

“Không thể lơ là” cũng là câu cửa miệng của ông Trần Phước An, giám đốc bán hàng công ty Duy Tân, số ngày trong tháng ông ở các tỉnh còn nhiều hơn ở TPHCM.

Theo một vị giám đốc bán hàng của một công ty sản xuất nhựa gia dụng hàng của các doanh nghiệp nhựa gia dụng có tiếng như Duy Tân, Duy Thành, Tý Liên ở phía nam hay Song Long, Việt Nhật ở phía bắc bày bán ở siêu thị chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh thu của doanh nghiệp.

“Mức chiết khấu ở các siêu thị rất lớn, lên đến 20% giá thành sản phẩm. Ngoài ra, các siêu thị thường bắt công ty phải chở hàng đến cửa siêu thị. Nếu thuê xe của siêu thị vận chuyển, thì sẽ đội chi phí lên thêm 10-15% giá sản phẩm. Cộng lại hai khoản trên đã mất 30-35% trong giá thành thì công ty bán hàng không có lãi, nên hàng bày ở siêu thị cốt để cho người thành thị vẫn nhớ đến thương hiệu của mình thôi”, vị này cho biết.

Ngoài ra, tại các chợ ở TPHCM, nhựa Thái Lan cũng đang tràn ngập với giá rẻ, vì vậy, thay vì chỉ cung cấp cho các chợ tại TPHCM, các doanh nghiệp đã hướng về thị trường nông thôn, nơi hàng Thái Lan chưa chiếm lĩnh.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương và Hiệp hội Nhựa Việt Nam cuối năm 2015, các doanh nghiệp sản xuất nhựa gia dụng chiếm 20% tổng số doanh nghiệp nhựa. Trận địa chính của hầu hết các doanh nghiệp nhựa gia dụng Việt vẫn là sản xuất hàng bình dân, phục vụ thị trường nông thôn.

Chọn sản phẩm đặc thù để cạnh tranh

“Thị trường giờ cạnh tranh gắt lắm, các công ty canh nhau ra từng đợt khuyến mãi hàng tuần”, bà Nguyễn Thị Ngọc Hậu từ Công ty Duy Thành cho biết.

Tuy vậy, theo bà Hậu mỗi công ty đều có đất sống với những mặt hàng chủ lực của họ. Ví dụ Đại Đồng Tiến vẫn mạnh ở mảng bàn ghế nhựa, Duy Tân mạnh ở mảng tủ nhựa và chai lọ nhựa, Duy Thành ở mảng xô chậu, Tý Liên ở mảng sản phẩm giữ lạnh như thùng đá, bình đá…

“Không công ty nào có thể sản xuất bao trùm hết tất cả các sản phẩm nhựa gia dụng để đáp ứng nhu cầu đời sống, vì mỗi mặt hàng nhựa sử dụng công nghệ mỗi khác, như công nghệ phun ép, công nghệ đùn thổi… vì thế mỗi công ty thường đầu tư sâu vào một vài mặt hàng chủ lực”, ông Vinh từ công ty Tý Liên nói. Sản phẩm giữ lạnh của Tý Liên đã xuất khẩu sang các nước có khí hậu nhiệt đới như Campuchia, Myanmar, Iran, Cuba…

Dù 80% nguyên liệu cho ngành nhựa nhập khẩu từ nước ngoài nhưng hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất gỡ bỏ chút sức ép vì giá nguyên liệu không cao do giá dầu mỏ giảm. Song có vẻ họ không coi đó là nguồn lực để tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm.

Ông Vinh phân tích: “Thứ nhất, thị trường nông thôn và phân khúc bình dân chiếm tỷ lệ quá cao, sản phẩm cao cấp khó bán ở thị trường này. Thứ hai, chi phí làm khuôn mẫu trong ngành nhựa cao, một sản phẩm như bình đá cũng phải sử dụng 6-7 bộ khuôn, làm mỗi bộ khuôn mất cả tỉ đồng, nên các doanh nghiệp nhỏ chủ yếu sao chép mẫu mã của nhau, làm các sản phẩm hiện bán chạy để tung ra thị trường. Thứ ba, làm các sản phẩm cao cấp tốn chi phí gấp 3-4 lần so với sản phẩm bình dân mà vẫn không đẹp bằng hàng nhập khẩu từ Thái Lan hay hàng Lock & Lock của doanh nghiệp Hàn Quốc sản xuất và bán tại Việt Nam”.

Vì vậy, doanh nghiệp Việt sẽ không có đất để đầu tư làm sản phẩm cao cấp như ông Vinh phân tích ở trên. Và thị trường nông thôn, hiện vẫn là điểm tựa vững chắc cho họ, thì sự vững chắc này cần được củng cố liên tục. Bởi sự xâm nhập của hàng Thái, vốn không quá cách biệt về giá, nhưng lại có mẫu mã tốt hơn, ngày càng lan rộng cũng sẽ là thách thức trong tương lai của các doanh nghiệp nhựa Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối