Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Ngành thời trang dưới áp lực tái chế

KIM BA -

Trong một đoạn video quảng cáo mới đây, hãng thời trang H&M nói rằng “trong thời trang không có một quy luật nào cả, trừ một luật hãy tái chế quần áo”. Xu hướng này đã tạo ra một nền kinh tế xoay vòng, mà mọi thứ sau khi kết thúc vòng đời sản phẩm sẽ chuyển sang một vòng đời sản phẩm mới khác.

H&MHãng thời trang H&M đi tiên phong trong việc tái chế quần áo.

Chuỗi cửa hàng bán lẻ quần áo thời trang H&M có hơn 4.000 cửa hàng trên khắp 62 quốc gia, năm ngoái đạt doanh thu 24,5 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, cũng vào năm ngoái, họ còn tồn kho khoảng 12.000 tấn quần áo.

Trước tình trạng như vậy, ngành công nghiệp may mặc đang kêu gọi các doanh nghiệp tái chế quần áo, và với H&M họ xem đó như là tiêu chí tối thượng cần hướng đến.

Công ty gốc Thụy Điển này vừa đưa ra một cuộc thi có giải thưởng đến 1 triệu euro nhằm tìm ra ý tưởng biến quần áo cũ thành quần áo mới. H&M còn mở ra công ty Worn Again để phát triển công nghệ tái chế vải vóc và thuê nghệ sĩ hiphop MIA để dựng một video ca nhạc tên là Rewear It với mục đích cổ xúy cho xu hướng.

H&M đang đi tiên phong trong nền kinh tế xoay vòng nói trên. Những quần áo giá rẻ của H&M như áo thun nữ giá 5,99 đô la, quần jean nam 9,99 đô la, là một trong những lý do tại sao ngành công nghiệp áo quần phát triển quá nhanh, khiến các nhà hoạt động môi trường lo lắng.

Các chuyên gia kinh tế ước tính ngành công nghiệp áo quần tính trên toàn cầu đạt đến mức doanh thu hàng năm 2.500 tỉ đô la, và con số này sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tiếp theo. Mặc dù đã có những chương trình thu gom quần áo cũ của vài nhà bán lẻ và các tổ chức phi lợi nhuận như Goodwill Industries nhưng đa phần quần áo cũ đều bị vứt bỏ. Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ ước tính hàng năm tại Mỹ có đến 12,8 triệu tấn vải vóc bị bỏ đi.

Không chỉ có H&M, Eagle Outfitters, Eileen Fisher, Levi-Strauss & Co, Nike, The North Face, Patagonia và Zara đều có quần áo cũ (hoặc giày cũ của Nike). Còn những công ty khởi nghiệp như Ambercycle, Dutch Awareness và Evrnu đang phát triển những quy trình hóa học để lọc sợi cotton, polyester hay vải vóc có sợi hỗn hợp thành những sợi vải mới.

Michael Kobori, Phó chủ tịch mảng phát triển bền vững của Levi Strauss, nói rằng mục tiêu cuối cùng là thu lại nguyên liệu thô từ tủ quần áo của khách hàng của họ.

Với Nike, hãng muốn giảm tác động đến môi trường còn một nửa nhưng phát triển kinh doanh gấp đôi. Hannah Jones, giám đốc phát triển bền vững của Nike, cho rằng chỉ có một cách đạt được điều này là phải quên đi mô hình phát triển lâu nay, mà phải chuyển sang mô hình xoay vòng.

Nhiệm vụ trên xem ra rất khó khăn bởi trở ngại lớn hơn cả vẫn là thái độ đón nhận của người tiêu dùng. Hầu hết người dùng không đem quần áo cũ ra cửa hàng.

Ở Mỹ, H&M, Levi Strauss và The North Face đưa ra nhiều chương trình giảm giá, như giảm 20% khi mua hàng trong thời gian tới, nhưng họ chỉ nhận được ít quần áo cũ hơn dự kiến.

Cách nay một thập kỷ, công ty Worn Again (London) bắt đầu tái chế vải vóc, gồm đồng phục của McDonald's, bọc nệm ghế ngồi của hãng máy bay Virgin Atlantic và các chăn màn của các nhà tù thành quần áo, giày dép và túi xách.

Nhưng nhà sáng lập Cyndi Rhoades của Worn Again sớm nhận ra rằng sản xuất những sản phẩm chất lượng tốt từ nguyên liệu tái chế là rất khó. Bà chuyển sang hướng tái chế sợi cotton và polyester bởi chúng có chất liệu đồng đều hơn. Tuy nhiên, tái chế sợi cotton lại bị giảm chất lượng sợi, khiến sợi ngắn hơn và bị cứng hơn, còn tái chế polyester có chi phí cao hơn sản xuất mới. Trong khi đó, tái chế vải từ những sợi hỗn hợp càng khó hơn nữa.

Sau vài năm nghiên cứu, Worn Again hợp nhất với H&M và bộ phận Kering của Puma để phát triển những quy trình hóa học, lọc được polyester và cotton từ vải cũ sau khi vải được phân hủy xuống mức phân tử. Công nghệ này đã thành công trong phòng thí nghiệm nhưng chưa được triển khai rộng rãi.

Mới đây, Levi Strauss kết hợp với Evrnu giới thiệu ra thị trường chiếc quần jeans đầu tiên thế giới làm từ sợi cotton tái chế. Theo Stacy Flynn, đồng sáng lập Evrnu, quy trình của họ là chuyển được sợi cotton cũ thành sợi vải mới, sạch, mềm hơn lụa và chắc hơn cotton. Sắp tới, Evrnu sẽ hợp tác với nhiều nhà bán lẻ áo quần hơn nữa, đồng thời cũng hướng sang cả mảng giày dép.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối