Minh An -
Vào đầu tháng 1-2018, Phó chủ tịch UBNDTPHCM Nguyễn Thị Thu đã phê duyệt đề án tổ chức lại các trung tâm chuyên ngành thuộc lĩnh vực y tế dự phòng thành “Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM”, thuộc Sở Y tế. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng có kế hoạch tinh giản nhân sự của ngành y trong năm 2018 này bằng cách sáp nhập các cơ quan, ban ngành để giảm sự chồng chéo.
Sáp nhập bảy đơn vị sự nghiệp
Theo đề án sáp nhập của UBND TPHCM, hiện tại mạng lưới y tế dự phòng tuyến thành phố có bảy đơn vị sự nghiệp công lập, gồm Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm dinh dưỡng, Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế và Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS. Tổng số cán bộ, viên chức và người lao động làm việc ở bảy trung tâm này là 574 người, trong đó có 6 giám đốc và 10 phó giám đốc.
Do đó, UBNDTPHCM yêu cầu, ngay trong năm 2018 phải sáp nhập ít nhất ba trung tâm (gồm Trung tâm y tế dự phòng TPHCM, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe và Trung tâm dinh dưỡng) thành một trung tâm. Đến năm 2019 sẽ tiếp tục sáp nhập ít nhất hai trung tâm (gồm Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường và Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản). Năm 2020 tiếp tục sáp nhập hai trung tâm còn lại.
Sau khi sáp nhập bảy đơn vị sự nghiệp này làm một Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố, ban giám đốc sẽ có không quá bốn người, còn lại toàn bộ 574 cán bộ, viên chức và người lao động của bảy trung tâm đều được tiếp nhận và làm việc bình thường.
Cũng theo đề án trên, UBND TPHCM cũng yêu cầu tinh giản 59 biên chế, thực hiện theo lộ trình từ 2018-2020, trong đó có 19 người ở Trung tâm Y tế dự phòng, 12 người ở Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản và 11 người ở Trung tâm dinh dưỡng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM là đơn vị sự nghiệp y tế công lập, có chức năng tham mưu và thực hiện các hoạt động chuyên môn về phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm; bệnh không lây nhiễm; phòng, chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe... Trung tâm này sẽ có các khoa chuyên môn như Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Khoa phòng, chống HIV/AIDS; Khoa dinh dưỡng; Khoa sức khỏe môi trường - Y tế trường học…
Tiết kiệm ngân sách
Ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), cho biết công tác đổi mới hệ thống tổ chức cán bộ ngành y tế thực hiện theo Nghị quyết TW6 ngành y sẽ tiếp tục tinh giản biên chế.
Năm 2015, Bộ Y tế đã phối hợp Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV. Thông tư này quy định: đối với sở y tế, số lượng phó giám đốc sở không quá ba người, lãnh đạo không kiêm nhiệm chức danh trưởng của đơn vị cấp dưới có tư cách pháp nhân, số lượng phòng thuộc sở không quá bảy người, có hai chi cục trực thuộc sở, chi cục không quá ba phòng.
Về biên chế, hiện nay có khoảng 17.000 viên chức sự nghiệp đang làm việc tại y tế tuyến tỉnh, trong đó nhân lực hành chính có khoảng 3.400 người. Số người làm việc được xác định trên cơ sở vị trí việc làm (theo Luật Viên chức) dự kiến sẽ giảm khoảng 2.140 người (chủ yếu là làm công việc hành chính như lái xe, thủ quỹ, văn thư, kế toán...) tiết kiệm khoảng hơn 154 tỉ đồng/năm cho ngân sách nhà nước.
Ông Tác cũng cho hay, theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 31-12-2017, đã có 52/63 tỉnh, thành thực hiện trung tâm kiểm soát bệnh tật. 21 bệnh viện đã tự chủ toàn bộ kinh phí thường xuyên với số lượng 17.584 biên chế và 1.693 hợp đồng, tổng cộng 18.277 người với kinh phí nhà nước không phải chi khoảng 1.306 tỉ đồng/năm (tính trung bình lương mỗi người 6 triệu đồng/tháng).
Đối với tuyến y tế địa phương, tính đến hết tháng 10-2017, có 70/2.040 đơn vị tuyến tỉnh, thành phố đã tự chủ kinh phí thường xuyên, với khoảng 35.000 biên chế không phải chi lương từ ngân sách nhà nước, tiết kiệm khoảng 2.520 tỉ đồng/năm (tính trung bình lương 6 triệu đồng/người/tháng).
Theo đề án của Bộ Y tế, đến năm 2018, bộ này sẽ sáp nhập các trung tâm kiểm soát dịch bệnh thành một đơn vị, đồng thời sẽ tiếp tục cắt giảm, sắp xếp lại các phòng, ban trực thuộc các vụ trong bộ. Trong lộ trình đổi mới hệ thống tổ chức cán bộ, ngành y tế đã và đang tập trung vào một số nội dung như các vụ, cục được sắp xếp, thu gọn đầu mối từ 94 phòng xuống còn 59 phòng, giảm khoảng 105 cán bộ lãnh đạo cấp phòng ở tuyến trung ương.