Cao Ban -
Những cơn mưa lớn gây ngập đường và tầng hầm chung cư đã tác động đến tâm lý người mua nhà tại TPHCM. Giới quan sát thị trường cho biết nhiều người mua nhà hiện nay không chỉ quan tâm đến chất lượng, giá cả mà còn tìm hiểu rất kỹ về tình trạng ngập nước tại ngôi nhà họ sắp mua.
Né chỗ ngập
Hiện nay, ngập nước được đưa vào danh sách các yếu tố được xem xét khi mua nhà.
Thời gian gần đây, một số cơn mưa kéo dài không chỉ gây ngập nhiều tuyến đường mà còn tràn vào các tầng hầm của một số chung cư tại TPHCM. Nhìn cảnh những chiếc xe chìm trong làn nước đục ngầu, nhiều người đang tìm nhà để mua tỏ ra quan tâm đến khả năng dự án có bị ngập nước hay không.
Chị Đặng Linh, hiện đang số tại quận Phú Nhuận, TPHCM cho biết chị đang tìm mua căn hộ, nhưng chắc chắn sẽ bỏ qua những dự án nằm trên những tuyến đường “nổi tiếng” ngập nước. “Mua nhà ở những khu vực dễ bị ngập nước không những đi lại khó khăn, cuộc sống bị ảnh hưởng, mà tài sản của mình cũng bị thiệt hại”, chị Linh cho biết.
Một nhân viên môi giới bất động sản tên Thành tại một sàn giao dịch bất động sản ở quận Bình Thạnh cho biết vài tuần nay, anh nhận được khá nhiều sự quan tâm của khách hàng về tình hình ngập nước xung quanh dự án. “Việc thuyết phục khách mua nhà tại những khu vực ngập nhiều trở nên khó khăn hơn. Hễ đụng vào những khu hay ngập nước là khách do dự, không mua nữa”, anh Thành cho biết.
Phát biểu tại buổi công bố báo cáo thị trường bất động sản TPHCM quí 3-2016, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành Công ty CBRE Việt Nam, nhận định tình trạng mưa ngập tại TPHCM đang ảnh hưởng đến tâm lý người mua nhà. Khách hàng sẽ khảo sát kỹ lưỡng hơn trước khi quyết định đặt mua bất động sản, đặc biệt là chất lượng tầng hầm của dự án.
Theo ông Marc, tình trạng ngập nước tại TPHCM đã xảy ra nhiều năm, và nhiều người dân đều biết rõ khu vực nào mưa sẽ ngập, khu vực nào bị ảnh hưởng nhiều hoặc ít. Do đó, cả người mua và chủ đầu tư sẽ có lựa chọn riêng để mua hoặc khắc phục khi phát triển sản phẩm của mình.
Ở góc nhìn khác, bà Regina Lim, Bộ phận nghiên cứu và tư vấn thị trường vốn đầu tư Đông Nam Á của Công ty Jones Lang LaSalle, cho rằng quyết định mua nhà sẽ phụ thuộc vào động thái của chính quyền đối với việc khắc phục tình trạng ngập nước. Nếu tình trạng ngập nước không được khắc phục, người mua nhà sẽ chọn những dự án có vị trí tốt, không bị ngập khi trời mưa.
Quan sát trước khi mua
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Phú Vinh, cho rằng các cơn mưa lớn gây ngập trên 59 tuyến đường tại TPHCM trong mấy ngày qua đang thực sự là nỗi trăn trở của người mua nhà và doanh nghiệp phát triển bất động sản.
Theo ông, chủ đầu tư có thể sẽ phải giảm giá bán nếu dự án của họ nằm ở khu vực dễ ngập nước. Đối với người mua nhà, ngoài giá cả, phong thủy, cơ sở hạ tầng giao thông và môi trường sống, ngập nước là yếu tố được đưa vào khảo sát.
Một trong những cách nhận biết khu vực mua nhà bị ngập nước, theo ông Chánh, là quan sát độ cao của cốt nền căn nhà so với xung quanh. Nếu cốt nền nhà của khu vực cao hẳn lên so với xung quanh thì thường là khu dễ bị ngập. Khi trời mưa cũng sẽ khó khăn hơn để về nhà vì phải qua vùng ngập sâu. “Đa số nhà xung quanh có cốt nền cao là đường trước nhà dễ ngập”, ông Chánh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, người mua nhà cũng cần quan sát chân tường nhà của khu vực cần khảo sát. Nếu trời khô ráo mà chân tường có rong rêu bám và có vết ố chạy song song với chân tường thì nghĩa là nước sẽ cao đến đó khi ngập. Ngoài ra, người mua nhà nên hỏi kỹ người dân sống xung quanh để biết mức độ nước ngập hoặc triều cường nếu là nhà ven sông, kênh rạch.
Đối với những chung cư có tầng hầm, ông Chánh cho rằng chưa có quy chuẩn trong xây dựng tầng hầm như thế nào để chống ngập, thoát nước. Do vậy, người mua nhà chung cư cũng nên xem xét các yếu tố trên để nhận biết khu vực xung quanh có ngập hay không.
Giải thích về tình trạng một số hầm giữ xe bị ngập sâu, ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho rằng nước vào tầng hầm từ hai nguồn: từ ngoài tràn vào theo dốc hầm hoặc nước theo cống thoát nước trào lên, hoặc do cả hai nguồn trên. Để nước bên ngoài không tràn vào theo dốc hầm thì thiết kế tầng trệt của tòa nhà phải được thiết kế cao hơn mặt đường một mét. Trong khi đó, miệng hầm của một số tòa nhà hiện nay lại gần như ngang bằng với mặt đường. Ngoài ra, những tòa nhà này có hệ thống thoát nước yếu, các tầng hầm lại sử dụng van hai chiều để thoát nước, nên nước dễ tràn vào theo đường van này.
“Đây là lỗi chủ quan trong khâu thiết kế và thi công, chưa nghĩ đến tình huống công trình bị ngập ở tầng hầm”, ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, trách nhiệm khắc phục, bổ sung những hạng mục chống ngập trước hết thuộc về chủ đầu tư. Trong trường hợp quyền sở hữu chung cư đã được bàn giao lại cho cư dân thì cư dân phải cùng họp bàn lại để bỏ tiền ra cải tạo.
Ông Hiệp đánh giá, để chọn được nhà chung cư không có tầng hầm bị ngập nước là rất khó. Chỉ có cách xem lại những khu vực nào thường xuyên bị ngập nước để tránh, hoặc quan sát miệng hầm của tòa nhà xem có cao hơn mặt đường hay không. Quan trọng nhất, phải hỏi cư dân sống tại chung cư đó để biết “lịch sử ngập” của dự án.