(SGTT) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 18:30 ngày 14-8 đến 18:30 ngày 15-8, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.574 ca nhiễm Covid-19 trong nước, giảm 136 ca so với ngày trước đó.
- Học viện Kỹ thuật Quân sự đưa robot hỗ trợ điều trị Covid-19 vào phục vụ tại phía Nam
- Cấp thuốc, thực phẩm và tư vấn cho F0 ở TPHCM điều trị tại nhà
- TPHCM giãn cách thêm 1 tháng để khống chế nguồn lây nhiễm
Các ca ghi nhận trong nước tại 41 tỉnh, thành, gồm: TPHCM 4.516 ca, Bình Dương 2.358 ca, Đồng Nai 546 ca, Long An 514 ca, Đồng Tháp 271 ca, Tiền Giang 209 ca, Cần Thơ 170 ca, Khánh Hòa 166 ca, Tây Ninh 159 ca, Đà Nẵng 83 ca, Sóc Trăng 82 ca, Bến Tre 60 ca, Hà Nội 39 ca, Bình Thuận 39 ca, Quảng Ngãi 34 ca, An Giang 34 ca, Nghệ An 27 ca, Phú Yên 27 ca, Quảng Nam 26 ca, Ninh Thuận 22 ca, Bình Định 22 ca, Bắc Ninh 21 ca, Kiên Giang 19 ca, Lào Cai 18 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu 16 ca, Hà Tĩnh 14 ca, Đắk Nông 13 ca, Lâm Đồng 11 ca, Hậu Giang 10 ca, Thừa Thiên Huế 8 ca, Quảng Trị 8 ca, Gia Lai 8 ca, Cà Mau 6 ca, Hải Dương 5 ca, Bình Phước 4 ca; Quảng Bình, Thanh Hóa, Thái Bình mỗi tỉnh 2 ca; Ninh Bình, Hưng Yên, Bắc Giang mỗi tỉnh 1 ca.
Báo Thanh niên thông tin thêm, trong ngày hôm nay, số ca bệnh tại TPHCM tăng 285 ca, Bình Dương tăng 329 ca, Đồng Nai giảm 477 ca so với ngày trước đó. Trong số các ca trong nước, có 2.470 ca phát hiện trong cộng đồng. Còn lại là các ca ghi nhận trong các khu vực cách ly, phong tỏa.
Chỉ tính riêng đợt dịch thứ 4, từ 27-4 tới nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 271.037 ca.
Tới nay, có 5 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước, gồm Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình.
Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng.
TPHCM tạm dừng khai báo di chuyển nội địa tại một số chốt
Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, chiều 15-8, một số chốt kiểm soát giao thông tại TPHCM đã tạm dừng khai báo di biến động dân cư bằng mã QR gây ùn ứ hai ngày qua. Người dân đến chốt chỉ xuất trình “giấy thông hành” để qua chốt.
Theo báo Tuổi trẻ, tại chốt kiểm soát giao thông trên đường Đinh Bộ Lĩnh, đoạn qua bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, lực lượng trực chốt chỉ kiểm tra các giấy tờ “thông hành” của người dân, việc khai báo di chuyển nội địa (di biến động dân cư) bằng mã QR đã tạm dừng.
Báo Thanh Niên cũng cho biết thêm, chiều ngày 15-8, các chốt kiểm soát dịch Covid-19 khu vực trung tâm thành phố chỉ kiểm tra giấy tờ tùy thân, giấy đi đường, không còn yêu cầu khai báo di biến động dân cư.
Tuy nhiên, trả lời báo Thanh niên, Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng CSGT đường sắt - đường bộ (PC08) Công an TPHCM cho biết 12 chốt kiểm soát dịch Covid-19 cửa ngõ thành phố vẫn duy trì kiểm tra khai báo di biến động dân cư.
Người dân Tây Ninh được yêu cầu không ra khỏi nhà trong 36 tiếng để test sàng lọc F0
Thông tin trên báo Tuổi trẻ, từ ngày 15 đến ngày 20-8, tỉnh Tây Ninh sẽ tổng xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trên diện rộng, theo từng khu vực. Vì thế, địa phương này yêu cầu người dân trong vòng 36 tiếng, người dân tuyệt đối không được ra khỏi nhà, trừ trường hợp cấp cứu, hỏa hoạn...
Ngoài ra, tất cả xe cộ sẽ không được phép dừng, đậu hoặc xuất phát đi từ khu vực đang tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, đến khi có kết quả xét nghiệm sàng lọc an toàn.
Báo Tây Ninh thông tin thêm, trường hợp người dân thiếu lương thực thì báo chính quyền để được hỗ trợ; các hoạt động kinh doanh thiết yếu, chợ truyền thống (trừ hệ thống siêu thị, bách hoá xanh) cũng tạm dừng hoạt động trong thời gian tiến hành công tác xét nghiệm.
Theo báo Tây Ninh, việc triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS CoV-2 cho tất cả người dân trên địa bàn là công tác rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc chủ động phát hiện, tách nhanh các ca F0 để đưa đi điều trị; kịp thời phong tỏa, cách ly, cắt đứt chuỗi lây nhiễm; góp phần ngăn chặn, kiếm soát hiệu quả dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Ngoài ra, chiều 15-8, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cũng đã ký ban hành văn bản chỉ đạo về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ thêm 14 ngày, kể từ 0:00 ngày 16-8.
Tỉnh Tây Ninh yêu cầu người dân ở tại nhà, “ai ở đâu thì ở đó” để khống chế triệt để, cắt đứt nguồn lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.
Việt Nam bắt đầu tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 thứ 3
Báo điện tử Vnexpress thông tin, ngày 15-8, Trường Đại học Y Hà Nội đã khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154 phòng Covid-19 giai đoạn 1 cho 100 tình nguyện viên tại Hà Nội.
Trong hai ngày 15-16/8, toàn bộ 100 người tình nguyện khỏe mạnh sẽ được tiêm mũi 1 vắc-xin ARCT-154. Đây là vắc-xin thứ ba tại Việt Nam được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người, do Bộ Y tế phê duyệt ngày 2-8.
Trả lời báo Vnexpress, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết vắc-xin này phát triển theo công nghệ tương tự như vắc-xin Pfizer và Moderna đã được phê duyệt.
Bộ Y tế mong muốn đến cuối năm 2021 hoàn thiện cả pha 3 quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154, gấp rút hoàn thiện nhà máy sản xuất vắc-xin ở khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Vắc-xin ARCT-154 do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học VinBioCare thuộc Tập đoàn VinGroup nhận chuyển giao công nghệ từ Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Mỹ.
Đây là vắc-xin Covid-19 thứ ba tại Việt Nam được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người, sau Nanocovax, đang thử nghiệm pha ba và Covivac, đang thử nghiệm pha hai.
Theo VinGroup, các loại vắc-xin chống Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA của Arcturus đã và đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 và 3 tại Mỹ, Singapore và nhiều nước khác. Kết quả nhận được khả quan, tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt yêu cầu và đáp ứng độ an toàn, khả năng dung nạp.
Nguyễn Nam tổng hợp