Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Ngày 19-8, Việt Nam ghi nhận 10.639 ca mắc Covid-19 trong nước

(SGTT) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 19-8, Việt Nam ghi nhận 10.639 ca nhiễm mới Covid-19 trong nước.
Việc tiêm vắc-xin đóng vai trò quyết định trong việc phòng chống Covid-19. Trong ảnh: Người dân xếp hàng tiêm vắc-xin. Ảnh: N.K

Tại TPHCM có 4.425 ca, Bình Dương 3.255 ca, Đồng Nai 657 ca, Long An 545 ca, Tiền Giang 478 ca, Đồng Tháp 185 ca, Đà Nẵng 164 ca, Khánh Hòa 151 ca, Cần Thơ 134 ca, Tây Ninh 102 ca, An Giang 70 ca, Vĩnh Long 60 ca, Hà Nội 53 ca, Trà Vinh 51 ca, Nghệ An 45 ca, Phú Yên 44 ca, Bình Thuận 43 ca, Sơn La 26 ca, Quảng Nam 24 ca, Bình Định 24 ca, Kiên Giang 17 ca, Quảng Ngãi 16 ca, Quảng Trị 9 ca, Bình Phước 8 ca, Bắc Giang 7 ca, Ninh Thuận 7 ca, Hà Tĩnh 7 ca, Hậu Giang 6 ca, Thanh Hóa 6 ca, Bắc Ninh 4 ca, Nam Định 4 ca, Quảng Bình 4 ca, Hải Dương 2 ca, Ninh Bình 2 ca, Bạc Liêu 2 ca, Thái Bình 1 ca, Lạng Sơn 1 ca; trong đó có 6.407 ca trong cộng đồng.

Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.995 ca. Tại TPHCM tăng 694 ca, Bình Dương tăng 742 ca, Đồng Nai tăng 214 ca, Long An tăng 117 ca, Tiền Giang tăng 196 ca.

Kể từ ngày 27-4 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 308.559 ca, trong đó có 108.534 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 6 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng.

Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TPHCM 164.542 ca, Bình Dương 55.601 ca, Long An 16.552 ca, Đồng Nai 15.602 ca, Bắc Giang 5.802 ca.

TPHCM phát hiện hơn 300.000 sản phẩm, thiết bị y tế không có hóa đơn chứng từ

Theo thông tin trên báo Tin tức, chiều ngày 19-8, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra và phát hiện hơn 300.000 sản phẩm, thiết bị y tế được cất giấu trên một xe tải đang giao hàng tại quận Bình Tân.

Theo đó, hơn 300.000 sản phẩm, vật tư y tế như máy tạo oxy, đồng hồ đo áp suất oxy, đồ bảo hộ, khẩu trang... tất cả đều ghi tên bằng tiếng Trung Quốc được cất giấu trên xe tải mang BKS 29H-373.87.

Hàng trăm thiết bị y tế được Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phát hiện trên xe tải tại quận Bình Tân. Ảnh: baotintuc.vn

Theo cơ quan chức năng, số hàng trên được vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào TPHCM, tất cả đều không có hóa đơn chứng từ mua bán, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Hiện Cục quản lý thị trường TPHCM đang tiến hành niêm phong, tạm giữ toàn bộ số sản phẩm trên để tiếp tục điều tra làm rõ.

Thiết lập mô hình trạm y tế lưu động

Theo báo điện tử Vnexpress, ngày 19-8 Bộ Y tế với TP HCM và 3 tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai đã họp thảo luận về triển khai mô hình trạm y tế lưu động nhằm chăm sóc người bệnh, người nhiễm Covid-19.

Bác sĩ trạm y tế lấy mẫu test nhanh Covid-19 cho F0 cách ly tại nhà. Ảnh: thanhnien.vn

Theo đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, số người nhiễm gia tăng đòi hỏi có sự chăm sóc, quản lý, điều trị tại cộng đồng. Vì thế, để tổ chức tối giản, nhân lực tối giản, Bộ Y tế phối hợp TPHCM và một số địa phương thiết lập mô hình trạm y tế lưu động.

Theo ông Long, mỗi xã phường theo quy định có một trạm y tế. Trong bối cảnh hiện nay, có thể thiết lập nhiều trạm y tế lưu động tại một xã phường, nhất là với khu vực đông dân cư, nơi có nhiều người mắc Covid-19.

Để thiết lập, vận hành mô hình này, ông Long đã đưa ra 4 yếu tố, gồm ngoài khám chữa bệnh thông thường, trạm y tế lưu động có nhiệm vụ tổ chức theo dõi F0 tại nhà; thực hiện xét nghiệm nhanh Covid-19, các loại xét nghiệm khác, tiêm chủng và truyền thông…; về địa điểm, Bộ Y tế khuyến cáo chọn bất kỳ địa điểm nào nhưng phải túc trực 24/24.

Về nhân lực, trạm y tế lưu động tối thiểu cần có 1-2 bác sĩ và 5-7 cán bộ y tế khác tùy điều kiện từng địa phương, ngoài ra trạm ra cần có tình nguyện viên nắm rõ địa bàn, dân cư.

Về trang thiết bị, trạm y tế cần đáp ứng ở mức độ tối thiểu, ít nhất có 2 bình oxy trở lên với đầy đủ mặt nạ để thay phiên nhau và dụng cụ cấp cứu khác. Trạm có túi thuốc cấp cứu lưu động.

Báo Thanh niên cho biết, tại TPHCM, theo lãnh đạo Sở Y tế, trong khi chờ Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chi tiết, Sở Y tế yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, thành phố Thủ Đức khẩn trương xây dựng kế hoạch thành lập Trạm y tế lưu động và sớm triển khai mô hình các Trạm y tế lưu động tại mỗi phường, xã, thị trấn.

Các y bác sĩ trong Hội Thầy thuốc trẻ thành phố đi vào hẻm để khám cho các trường hợp F0 . Ảnh: tuoitre.vn

Báo Tuổi trẻ cho biết thêm, mỗi trạm y tế lưu động tại TPHCM phải bố trí một phòng khám bệnh thông thường, khu vực lấy mẫu xét nghiệm, khu vực hành chánh, khu vực lưu trữ thuốc, khu vực để bình oxy và trang thiết bị... và nơi nghỉ ngơi cho nhân viên.

Trạm y tế lưu động sẽ quản lý, chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 và điều trị nhiều bệnh lý khác, tiêm vắc-xin... dưới sự quản lý trực tiếp của Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức và quận, huyện với sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố Thủ Đức, quận, huyện và Sở Y tế.

Dự kiến mỗi trạm y tế lưu động quản lý và chăm sóc từ 50 - 100 F0, toàn thành phố sẽ có gần 400 trạm y tế lưu động.

Nguyễn Nam tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối