(SGTT) - Bản tin dịch Covid-19 của Bộ Y tế cho biết, hôm nay ngày 23-9, nước ta ghi nhận thêm 9.472 ca mắc Covid-19, TPHCM vẫn nhiều nhất với 5.052 ca. Số ca mắc hôm nay giảm 2.060 ca so với hôm qua.
- Khỏi Covid-19, “cựu F0” tiếp tục tham gia vào tuyến đầu chống dịch
- TPHCM hướng dẫn thực hiện xét nghiệm giám sát thường xuyên cho từng đối tượng
Cụ thể, các ca mắc mới bao gồm 7 ca nhập cảnh, 9.465 ca còn lại được ghi nhận tại 33 tỉnh thành bao gồm TPHCM (5.052), Bình Dương (2.764), Đồng Nai (760), Long An (190), Kiên Giang (163), An Giang (109), Tây Ninh (86), Tiền Giang (67), Cần Thơ (53), Đắk Nông (33), Đắk Lắk (25), Khánh Hòa (20), Quảng Bình (20), Đồng Tháp (19), Hà Nam (14), Ninh Thuận (9), Thừa Thiên Huế (9), Bình Định (9), Bình Phước (8 ), Bạc Liêu (7), Cà Mau (7), Bình Thuận (7), Phú Yên (6), Quảng Nam (5), Hà Nội (5), Quảng Ngãi (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Đà Nẵng (3), Gia Lai (2), Trà Vinh (2), Quảng Trị (2), Hải Dương (1), Thanh Hóa (1).
So với ngày 22-9, số lượng ca mắc mới được ghi nhận tại một số địa phương đã giảm sau 24 tiếng, trong đó Bình Dương giảm 1.415 ca, TPHCM giảm 383 ca, Đồng Nai giảm 170 ca.
Kể từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4) đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận của nước ta là 723.962 ca, trong đó có 488.309 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Cũng trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên trang cdc.kcb.vn ghi nhận 236 ca tử vong, cụ thể tại TPHCM (175), Bình Dương (37), Long An (7), Đồng Nai (6), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Bình Thuận (2), Tây Ninh (2), Tiền Giang (1), Hà Nội (2), Bình Định (1).
Cập nhật trên cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, đến trưa ngày 23-9 cả nước đã thực hiện tiêm được trên 36,2 triệu liều vắc-xin Covid-19. Đến thời điểm này, Việt Nam đã phân bổ khoảng 50,2 triệu liều vắc-xin Covid-19 các loại khác nhau gồm vắc-xin AstraZeneca, vắc-xin Vero Cell, vắc-xin Moderna, vắc-xin Pfizer, vắc-xin Sputnik…
Tính đến trưa ngày 23-9, mười địa phương có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao nhất (số mũi tiêm/số vắc-xin được cấp theo quyết định) là Bắc Ninh, Bình Phước, Cao Bằng, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Thanh Hoá, Ninh Thuận, Hải Dương, Hà Tĩnh và Lào Cai. Và mười địa phương có tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp nhất là Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Điện Biên, Hải Phòng, Quảng Trị, Hưng Yên, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Gia Lai và Kiên Giang.
Hơn 18.000 F0 ở Bệnh viện Dã chiến số 1 TPHCM xuất viện
Sức khỏe và đời sống (cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế) đưa tin, ngày 23-9, lãnh đạo Bệnh viện Dã chiến số 1 TPHCM cho biết, sau gần 3 tháng tiếp nhận bệnh nhân, đến nay đã có hơn 18.000/21.000 ca điều trị Covid-19 được xuất viện.
Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch Bệnh viện Dã chiến số 1 TPHCM cho biết, mỗi ngày bệnh viện cho xuất viện từ khoảng 200-400 bệnh nhân, có ngày cao nhất là hơn 600 trường hợp.
Hiện, Bệnh viện Dã chiến số 1 đang dẫn đầu về tổng số ca nhập và xuất viện tại TPHCM và chưa ghi nhận ca tử vong, tỷ lệ nhân viên dương tính thấp (dưới 30 trường hợp).
Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1 đi vào hoạt động từ 26-6, có quy mô 4.500 giường đặt tại ký túc xá của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Đại học Quốc gia TPHCM.
TPHCM đề xuất cơ chế thu phí cho bệnh viện tư nhân điều trị Covid-19
Kinh tế Sài Gòn Online vừa cập nhật, trong khi chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, Sở Y tế vừa có văn bản trình UBND TPHCM xem xét cho các bệnh viện tư nhân trên địa bàn tham gia phòng, chống dịch được hưởng một số cơ chế thu phí trong điều trị Covid-19.
Theo đề xuất của Sở Y tế TPHCM, chi phí điều trị Covid-19 bao gồm tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật…, ngân sách nhà nước thanh toán theo mức giá dịch vụ khám chữa bệnh được Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 14/2019/TT-BYT, bệnh viện không được thu thêm tiền của người bệnh.
Về chi phí vật tư tiêu hao chưa được kết cấu vào giá dịch vụ kỹ thuật và thuốc điều trị Covid-19 (trừ thuốc Remdesivir 100mg, Molnupiravir 400mg đã được Sở Y tế TPHCM cấp), ngân sách nhà nước thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng với giá thanh toán theo kết quả đấu thầu nhưng không cao hơn mức mà cơ quan Bảo hiểm xã hội hiện đang thanh toán cho đơn vị.
Chi phí phục vụ khác theo yêu cầu ngoài phạm vi chi trả của ngân sách nhà nước (tiền phòng, tiền ăn theo yêu cầu, các dịch vụ tiện ích tăng thêm khác theo yêu cầu của người bệnh,…), bệnh viện được thu tiền người bệnh theo mức giá thỏa thuận giữa bệnh viện và người bệnh nhưng không được vượt quá mức giá mà bệnh viện đã kê khai với Sở Y tế TPHCM nếu có.
Trước đó, UBND TPHCM đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Chính phủ hướng dẫn việc chi trả chi phí cho các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19.
Mới đây, ngày 9-9, Bộ Y tế có tờ trình về một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có đề xuất cơ chế tài chính đối với các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập được huy động tham gia điều trị Covid-19.
Cụ thể, việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho các F0 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo từng người với mức thanh toán do Hội đồng nhân dân tỉnh nơi cơ sở đặt trụ sở quyết định, theo nguyên tắc không cao quá mức giá cao nhất của bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc mức giá cao nhất của bệnh viện trung ương trên địa bàn.
TPHCM đã huy động các bác sĩ, điều dưỡng của 52 bệnh viện tư nhân, 200 phòng khám tham gia các hoạt động phòng, chống dịch. Trong đó, 11 bệnh viện tư nhân đã chuyển đối một phần công năng để điều trị Covid-19. Việc huy động các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị Covid-19 giúp bổ sung nhân viên y tế, cơ sở vật chất, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập.
Phùng My tổng hợp