Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Ngày 27-7: TPHCM có tổng cộng 6.318 ca mắc mới, hơn 6.000 nhân viên y tế đến chi viện

(SGTT) - Theo bản tin tối hôm nay (27-7) của Bộ Y tế, TPHCM ghi nhận thêm 4.469 ca mắc mới. Như vậy, cả ngày hôm nay toàn thành phố có tổng cộng 6.318 ca mắc Covid-19 mới. Liên quan đến đội ngũ y tế chi viện chống dịch, đã có hơn 6.000 người có mặt tại TPHCM.

Cả ngày 27-7, TPHCM có tổng cộng 6.318 ca mắc Covid-19

Theo bản tin tối 27-7 của Bộ Y tế, cả nước ghi nhận thêm 5.149 ca mắc mới. Trong đó, tất cả đều do lây nhiễm trong nước, ghi nhận tại TPHCM (4.469), Đồng Nai (120), Long An (75), Bình Dương (79), Đồng Tháp (154), Cần Thơ (54), Bình Thuận (45), Đà Nẵng (26).

Tiếp đến là Phú Yên (23), Sóc Trăng (22), Hà Nội (19), Ninh Thuận (13), Vĩnh Phúc (11), Gia Lai (5), Đắk Nông (5), Bình Định (4), Huế (4), Quảng Nam (3), Hậu Giang (3), Quảng Ngãi (3), Kon Tum (2), Lạng Sơn (2), Kiên Giang (2), Thái Nguyên (1), Bạc Liêu (1), Thanh Hóa (1), Lâm Đồng (1), Hà Tĩnh (1) và Đắk Lắk (1).

Như vậy, cả ngày hôm nay TPHCM có tổng cộng 6.318 ca mắc mới. Đến thời điểm này số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 114.260 người, trong đó, số ca mắc từ ngày 27-4 (đầu đợt dịch thứ 4) đến nay là 110.487 ca. Tổng số ca điều trị khỏi bệnh đến nay là 22.946 ca.

Hơn 6.000 nhân lực y tế chi viện chống dịch có mặt tại TPHCM

Theo Sức khỏe & Đời sống, mới đây, thông tin từ Bộ phận thường trực đặc biệt phía Nam của Bộ Y tế, cho biết đến thời điểm này đã có hơn 6.000 nhân lực y tế chi viện có mặt tại TPHCM, đồng hành cùng thành phố trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Được biết, những nhân lực này đã được phân bổ về các cơ sở y tế tùy theo chuyên môn như điều trị bệnh nhân Covid nặng, các bệnh viện thu dung dã chiến và các địa phương phục vụ công tác truy quét, xét nghiệm nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Ngoài lực lượng chi viện trên, vẫn còn nhiều đoàn đã đăng ký và đang chờ lệnh, sẵn sàng có mặt tại thành phố để cùng chống dịch.

Nhiều địa phương ĐBSCL yêu cầu người dân không ra đường sau 18:00

Theo Kinh tế Sài Gòn Online, sau TPHCM, nhiều địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng đồng loạt yêu cầu người dân không ra đường từ sau 18:00. Đây là biện pháp nhằm tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh này đang bùng phát mạnh.

Cụ thể, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long vừa có văn bản yêu cầu người dân không ra đường trong khoảng thời gian từ 18:00 ngày hôm trước đến 5:00 ngày hôm sau, áp dụng từ ngày 27-7 đến hết ngày 1-8. Một số trường hợp miễn trừ áp dụng là đội ngũ cấp cứu; làm công tác phòng, chống dịch; phóng viên các báo đài; nhân viên vệ sinh môi trường, xử lý sự cố điện, nước hay các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất...

Tại tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Tiền Giang cũng có chỉ đạo các địa phương trong tỉnh thực hiện chủ trương người dân không được ra đường từ 18:00 hôm trước đến 6:00 ngày hôm sau. Thời gian áp dụng từ ngày 27-7 cho đến khi có thông báo mới.

Tại TP Long Xuyên của tỉnh An Giang, địa phương đã quyết định siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, yêu cầu người dân không ra đường từ 18:00 ngày hôm trước đến 5:00 ngày hôm sau, kể từ ngày 26-7 đến 1-8, trừ những trường hợp cần thiết như cấp cứu, làm nhiệm vụ...

Điều chỉnh quy định cấp mã QR Code cho xe vận chuyển hàng hóa

Theo cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải, do hệ thống phần mềm bị sự cố tấn công dẫn đến việc cấp giấy nhận diện phương tiện có QR Code bị hạn chế. Thế nên, Bộ vừa ban hành công văn nhằm tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu, xe đưa đón công nhân, chuyên gia được lưu thông thuận lợi khi đi, đến hoặc đi qua khu vực thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Cụ thể, các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu, vận chuyển người của doanh nghiệp được cấp giấy nhận diện phương tiện có QR Code, người điều khiển có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 còn giá trị (trong vòng 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm), lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát không kiểm tra các phương tiện này khi lưu thông qua chốt.

Đối với các trường hợp chưa được cấp giấy có QR Code nhưng người điều khiển có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính còn giá trị (trong vòng 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm) thì được cho lưu thông qua chốt.

Được biết, sau khi xây dựng hệ thống luồng xanh quốc gia và lập hệ thống cấp thẻ luồng xanh các cơ quan chức năng đã cấp được 36.912 xe nhưng do hệ thống bị sự cố nên một số phương tiện chưa được cấp mã QR Code.

Chương trình “Saigon Times – Nối vòng tay lớn” với chủ đề “Đồng hành chống dịch” được phát động vào ngày 2-6-2021. Với vai trò là cầu nối, Kinh tế Sài Gòn tiếp tục kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm để cùng chia sẻ khó khăn với cộng đồng. Chương trình sẽ nhận hiện kim, vật phẩm từ các tổ chức, cá nhân đóng góp và sau đó sẽ trao tặng lại cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân gặp khó khăn trong các vùng dịch tại TPHCM cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước. Xem chi tiết tại đây.

Phúc An tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối