(SGTT) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 17:00 ngày 7-9 đến 17:00 ngày 8-9, Việt Nam ghi nhận 12.663 ca mắc Covid-19 trong nước, riêng TPHCM và Bình Dương cộng lại đã gần 10.500 ca mắc. Trong ngày có 13.937 bệnh nhân khỏi.
TPHCM có 7.308 ca, Bình Dương 3.172 ca, Đồng Nai 814 ca, Long An 372 ca, Tiền Giang 171 ca, Cần Thơ 83 ca, Đồng Tháp 62 ca, Bình Phước 61 ca, Quảng Bình 53 ca, Tây Ninh 52 ca, Khánh Hòa 48 ca An Giang 46 ca, Kiên Giang 43 ca, Nghệ An 42 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu 42 ca, Hà Nội 40 ca, Đà Nẵng 30 ca, Đắk Nông 28 ca, Bình Định 27 ca, Bình Thuận 26 ca, Đắk Lắk 24 ca, Phú Yên 19 ca, Quảng Ngãi 19 ca, Bạc Liêu 18 ca, Sóc Trăng 13 ca, Trà Vinh 11 ca, Thừa Thiên Huế 9 ca, Bến Tre 6 ca, Bắc Ninh 5 ca, Cà Mau 5 ca, Gia Lai 3 ca, Quảng Nam 2 ca, Ninh Thuận 2 ca, Sơn La 2 ca, các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Hậu Giang mỗi địa phương có 1 ca; trong đó có 7.851 ca trong cộng đồng.
Như vậy trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 1.530 ca. TPHCM chỉ giảm 2 ca, Bình Dương giảm 794 ca, Đồng Nai giảm 131 ca, Long An giảm 118 ca, Tiền Giang giảm 12 ca.
Kể từ ngày 27-4-2021 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 559.346 ca, trong đó có 322.873 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 9 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.
Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TPHCM với 273.154 ca, Bình Dương 141.765 ca, Đồng Nai 31.179 ca, Long An 26.804 ca và Tiền Giang 11.159 ca.
Một số dịch vụ ở Lâm Đồng được hoạt động trở lại
Theo thông tin trên Lâm Đồng online, UBND tỉnh này đã ban hành văn bản về việc cho phép hoạt động một số dịch vụ gắn với công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong trạng thái bình thường mới.
Theo đó, các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn và tiệm hớt tóc, cho phép mở lại hoạt động du lịch nội tỉnh đối với các điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú từ 2 sao trở lên. Bao gồm:
- Các hoạt động tập luyện thể dục thể thao (riêng thể dục thể thao trong nhà chỉ áp dụng tối đa 50% số người so với ngày thường).
- Các dịch vụ hớt tóc và làm đẹp (áp dụng 1 nhân viên + 1 khách) và chỉ phục vụ cùng lúc 50% công suất so với ngày thường (đối với cơ sở có từ 2 giường, ghế hoạt động trở lên).
- Các quán ăn uống (kể cả quán ăn uống vỉa hè) phục vụ cùng lúc không quá 50% số người so với ngày thường (chỉ được bố trí tối đa 50% số bàn ghế).
- Siêu thị, chợ tuân thủ khoảng cách 2m giữa người và người, phục vụ khách cùng lúc không quá 50% số người so với ngày thường.
Cũng theo văn bản này, cho phép mở lại hoạt động du lịch nội tỉnh đối với các điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú từ 2 sao trở lên. Các cơ sở phải đảm bảo không quá 2 người/phòng, công suất không quá 50%.
Đây cũng là địa phương không áp dụng chỉ thị 15, 16 trong hoạt động chống dịch mà chỉ điều chỉnh hoạt động xã hội thông qua các văn bản tương ứng với diễn tiến dịch bệnh theo từng thời điểm xảy ra trên địa bàn.
Đà Nẵng sẽ tiêm vắc-xin cho hầu hết người dân trong tháng 9
Theo Kinh tế Sài Gòn Online, sắp tới Đà Nẵng sẽ được tiếp nhận khoảng 400.000 liều vắc-xin, gồm khoảng 200.000 liều vắc-xin AstraZeneca và 200.000 liều Sinopharm, để tiêm đại trà cho người dân.
Thông tin này được ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đề cập trong cuộc họp của ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Đà Nẵng chiều 7-9.
Cũng theo Kinh tế Sài Gòn Online, trên cơ sở tiêm vắc-xin đại trà và kết quả phòng chống dịch, sắp tới Đà Nẵng sẽ xem xét mở dần những hoạt động cần thiết đối với người dân như sửa chữa xe máy, sửa nhà ở trước mùa mưa bão, cung cấp sách, thiết bị phục vụ việc giảng dạy và học tập trực tuyến, cung cấp đường truyền internet…
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội chấn chỉnh việc cấp giấy đi đường
Theo báo điện tử Tin tức, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu UBND thành phố Hà Nội hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành.
Báo điện tử VNexpress thông tin thêm, Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng, yêu cầu Hà Nội không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; tránh tập trung đông người và ùn tắc giao thông, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát.
Trước đó vào cuối tháng Bảy, thành phố Hà Nội ban hành mẫu giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội, trong đó quy định thẩm quyền cấp giấy đi đường thuộc người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Trên mẫu giấy này phải điền đầy đủ thông tin cá nhân (tên, tuổi, số CCCD/CMT, số điện thoại, nơi ở, nơi làm việc...), mục đích tham gia giao thông. Giấy có hiệu lực từ ngày ký và chỉ có giá trị trong thời gian giãn cách xã hội.
Đến ngày 6-9, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội thông báo sẽ áp dụng giấy đi đường theo mẫu mới (có mã nhận diện QR), với điểm mới là thay đổi đầu mối cấp giấy cho một số nhóm người dân, doanh nghiệp.
Mỗi lần như thế, cá nhân và tổ chức liên quan phải dành thời gian chuẩn bị hồ sơ với nhiều loại giấy tờ, làm việc trực tiếp hoặc qua email với cơ quan chức năng, chờ đợi cấp giấy mới.
Theo báo Tin tức, để việc cấp và kiểm tra giấy đi đường góp phần tích cực thực hiện giãn cách ở vùng 1, Thành ủy Hà Nội giao ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.
Trước mắt, Hà Nội vẫn tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một.
Nguyễn Nam tổng hợp