Thứ tư, Tháng mười hai 18, 2024

Nghe bếp trưởng Hồng Kông kể chuyện nước chấm Việt

(SGTT) – Ẩm thực Việt Nam được thực khách khắp nơi đánh giá là một trong những nền ẩm thực mang bản sắc riêng, ấn tượng. Trong đó, nước chấm là nguyên liệu ăn kèm thường thấy ở nhiều món ăn. Tại một nhà hàng ở Hồng Kông (Trung Quốc), bếp trưởng nơi đây đánh giá rất cao về các loại nước chấm đặc trưng của Việt Nam.
Gỏi cuốn là một trong những món ăn có thể sử dụng với nhiều loại nước chấm tùy thích. Ảnh minh họa: Internet

Là gia vị không thể thiếu

Bánh xèo, bún chay, bánh hỏi, nem, gỏi cuốn… không món nào là trọn vẹn nếu thiếu đi nước chấm. Loại nước sốt nhất định phải có này chứa đựng nhiều bí mật mà mắt thường không thể nào nhìn thấy được.

"Đó là sự tinh túy của ẩm thực Việt Nam. Để kiểm tra tay nghề của một đầu bếp Việt Nam, tất cả những gì bạn phải làm là nói người đó làm nước chấm, không cần gì hơn", bà Giang Muội, Bếp trưởng Nhà hàng An Nam tại Hồng Kông, nhận xét.

Vậy nước chấm ngon cần có những phẩm chất gì? Bà Giang Muội cho biết: "Sự kết hợp của các hương vị ngọt, chua cùng một ít bột ngọt sẽ tạo nên cảm giác ngon miệng, khiến bạn muốn ăn nhiều hơn". Vì thế, bà đã luôn đưa nước chấm vào thực đơn các món ăn tại nhà hàng mình đứng bếp. Ngạc nhiên hơn, nhiều thực khách còn yêu cầu nhà hàng cho thêm chén nước chấm nếu chưa thấy.

Vậy thì bí quyết để có một loại nước chấm ngon không có gì đặc biệt, gây ngạc nhiên cả: Chỉ cần dùng đúng loại nguyên liệu.

Bún thịt nướng không thể nào thiếu chén nước chấm ăn kèm. Ảnh minh họa: Internet

Chỉ cần dùng chanh

"Nhiều nhà hàng vì muốn tiết kiệm tiền nên đã thay thế nước chanh bằng giấm, nhưng đó là một sai lầm lớn. Giấm làm mất khẩu vị và mọi thứ sẽ có vẻ nhạt nhẽo. Giấm gây tác dụng ngược lại với những gì nước chấm Việt Nam làm được. Thay vì khơi gợi cảm giác thèm ăn, giấm sẽ làm hỏng cảm giác thích thú do ẩm thực đem lại”, bà Giang Muội nhấn mạnh.

Nước chấm nên được làm từ những nguyên liệu tốt nhất có thể. Bà Giang Muội cho biết ở Việt Nam, loại nước mắm ngon nhất là từ đảo Phú Quốc. Hòn đảo này được biết đến với làn nước trong như pha lê, và nước mắm làm từ cá tươi.

Đối với gia vị, bà Giang Muội chia sẻ mình thích ớt Việt Nam, nổi tiếng về độ cay. "Bạn có thể cắt chúng thành từng lát để tăng thêm gia vị cho nước sốt, hoặc thái mỏng để cân bằng gia vị. Tốt hơn hết là nên tránh tỏi băm trước, và dùng những tép mới băm do chúng mang lại hương vị đậm đà hơn", bà nói.

Mỗi loại nguyên liệu đều được lựa chọn cẩn thận, cho đến cả đường phèn - một nguyên liệu nổi tiếng trong ẩm thực châu Á. “Đường mua trong cửa hàng luôn đầy tạp chất. Bạn phải chần nó một chút để loại bỏ cặn bẩn”, bà Giang Muội cho biết.

Khi được thực khách dùng bữa tại nhà hàng chúc mừng do đã làm ra món nước chấm ngon, bà Giang Muội mỉm cười và nói, một số khách hàng vì quá thích nước chấm nên có đôi khi chỉ gọi một đĩa dưa leo chỉ đế thưởng thức nước chấm.

Lời khuyên của đầu bếp Giang Muội để thực hiện nước chấm thành công:

  1. Bắt đầu bằng cách chần đường phèn để loại bỏ tạp chất.
  2. Trộn đường, nước chanh và nước để tạo thành một loại nước chua ngọt.
  3. Nếm thử hỗn hợp trên. Nếu thấy quá ngọt thì thêm nước lọc. Nếu nó chưa đủ chua thì nặn thêm chanh vào. Mùi vị và độ chua của chanh có thể thay đổi từ quả chanh này sang quả chanh khác. Nên điều chỉnh tỷ lệ cho đến khi thấy có sự hài hòa hoàn hảo.
  4. Cho thêm nước mắm vào nhưng từ từ. Hỗn hợp này phải có vẻ hơi nồng, vì nó sẽ đi kèm với các món ăn chưa được nêm gia vị.
  5. Rắc tỏi và ớt. Nước chấm, như thế, đã sẵn sàng!

Ngọc Trân

Theo South China Morning Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối