Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Nghề giao hàng ngày càng cạnh tranh

Cẩm Anh -

Đi cùng với thói quen mua sắm trực tuyến của khách hàng ngày càng tăng, nghề giao hàng hay còn gọi shipper đang là một nghề phổ biến. Theo những người trong nghề, công việc này đem lại nguồn thu nhập tương đối nhưng cũng lắm gian nan, tính cạnh tranh cao.

Thực tế, nghề giao hàng đã không còn manh mún như trước khi họ đã nhờ vào các ứng dụng điện thoại để đơn giản hóa công việc của mình. Theo đó, người giao hàng sẽ truy cập ứng dụng, kết nối với các chủ cửa hàng hoặc người có nhu cầu. Sau đó họ lên danh sách, phân chia khu vực để phí giao hàng rẻ nhất có thể. Người giao hàng sẽ nhận món hàng từ cửa hàng, ứng trước số tiền mà khách trả.

Thu nhập tương đối

Anh Trương Văn Nhựt, một người đang làm việc tại dịch vụ giao hàng Ahamove, chia sẻ rằng bây giờ chỉ cần có một chiếc xe máy, một chiếc điện thoại thông minh và bản thân thông thạo đường phố là ai cũng có thể trở thành một shipper. “Tiền công mỗi đơn hàng trong phạm vi 10-20 km là 20.000-30.000 đồng, nhưng nếu ai khéo léo sắp xếp đơn hàng với đường đi hợp lý thì một ngày có thể chuyển hơn hàng chục đơn hàng. Mỗi tháng có thể kiếm được trên dưới 10 triệu đồng”.

Còn chị Thanh Hải, một người giao hàng tự do thì xem nghề này như công việc làm thêm để tăng thu nhập. Chị nói: “Ngày trước mới làm thì mình hay lên các trang quen thuộc của các shipper để đăng ký nhận đơn hàng. Mình làm nhiều thì các shop hay cửa hàng đã quen mặt, bây giờ việc giao hàng dễ dàng hơn khi họ tự gọi cho mình thay vì mình phải vất vả tìm mối như trước”.

Tuy nhiên, bên cạnh nguồn thu nhập ổn định, những người làm nghề giao hàng cũng gặp phải khá nhiều trường hợp khó khăn, tiềm ẩn rủi ro.

Nghề giao hàng nhanh ngày càng cạnh tranh. Ảnh: Cẩm Anh

Theo lời chị Hải, những người giao hàng nếu không quen biết với các cửa hàng thì thường cửa hàng sẽ giữ lại giấy tờ, thẻ sinh viên, hoặc nếu giá trị đơn hàng lớn thì phải đặt cọc tiền hàng và chỉ khi giao hàng xong mới nhận lại được. Từ đó, một số trường hợp sẽ lừa đảo bằng cách đặt shipper giao hàng rồi lấy tiền cọc. “Nhiều người đi giao hàng xong đến nơi mới phát hiện địa chỉ là địa chỉ ảo, thuê bao thì gọi không liên lạc được, cuối cùng thì chủ cửa hàng biến mất cùng với tiền cọc”, chị Hải nói.

Ngoài ra, còn có trường hợp giao hàng phải liên lạc cả 3-4 lần nhưng khách hàng không có ở nhà hoặc hẹn lần sau khiến các shipper vừa tốn công mà còn phải mất thêm tiền xăng xe. Còn có những trường hợp, địa chỉ của khách khó kiếm nên phải đi lòng vòng mới tìm thấy. Thậm chí, còn có trường hợp những khách hàng khó tính, khi nhân viên giao hàng đến nhưng trễ hơn so với giờ hẹn thì họ hủy luôn đơn hàng.

Những người giao hàng đã có kinh nghiệm cho biết, nếu muốn làm nghề lâu dài thì đòi hỏi người giao hàng phải chuyên nghiệp. Người nào phục vụ nhanh, chu đáo, thái độ nhiệt tình hơn sẽ nhận được sự tin tưởng của chủ cửa hàng để hợp tác lâu dài.

Ngoài ra, để tránh trường hợp giao hàng cho khách không đúng giờ, người giao hàng phải biết chính xác địa chỉ cần giao, ước tính thời gian di chuyển kể cả kẹt xe. Khi nhận nhiều đơn hàng, người giao cần biết sắp xếp, lựa chọn những địa điểm gần để đi giao trước, hoặc chọn những đơn hàng trên cùng hướng đi để thuận thiện hơn.

Cạnh tranh cao

Thu nhập tương đối khiến nhiều người tìm đến công việc giao hàng. Bên cạnh những người giao hàng tự do, hay còn gọi shipper dạo, thị trường giao hàng hiện nay còn nhiều công ty hoặc đội nhóm mở các dịch vụ giao hàng với phí siêu rẻ, khiến tính cạnh tranh của nghề tăng.

Anh Nhựt cho biết, trước khi làm nhân viên giao hàng cho công ty Ahamove thì anh là một người giao hàng tự do. Nhưng do hiện nay nhiều người làm nghề này, việc cạnh tranh các đơn hàng gay gắt nên anh quyết định ký hợp đồng với công ty để ổn định thu nhập. “Thường những cửa hàng có nhiều đơn hàng sẽ ký hợp đồng với các công ty chuyên giao hàng này, những cửa hàng nhỏ hơn thì thuê shipper tự do. Tuy bị cạnh tranh nhưng nếu chăm chỉ và chịu khó thì vẫn có thu nhập tốt, mặc dù vất vả hơn”, anh Nhựt nói.

Anh Trần Tuệ Mẫn, Giám đốc công ty TNHH Giao hàng giá rẻ, cho biết hiện nay các công ty giao hàng vẫn gặp nhiều khó khăn một phần là do thiếu nhân lực, phần khác là do việc phân phối hàng hóa trong thị trường khá rộng lớn. Vì vậy, việc tuyển dụng nhân viên giao hàng được thông báo trên các trang tuyển dụng. Hầu hết nguồn nhân sự trong công ty là những người đang làm công việc như xe ôm, sinh viên làm thêm, người giao hàng tự do cho các cửa hàng kinh doanh trực tuyến…

Anh Mẫn cho rằng, công việc giao hàng nhìn vào tưởng đơn giản vì đây được xem là lao động phổ thông, nhưng cũng đòi hỏi khá nhiều kỹ năng và kinh nghiệm. “Họ phải thành thục kỹ năng đóng gói nhiều loại hàng hóa, thông thạo đường phố, kỹ năng giao tiếp tốt, nếu biết cả tiếng Anh là một lợi thế””, anh nói.

Theo anh Mẫn, hiện công ty anh đang thu 20% phí giao nhận trên một đơn hàng và phụ cấp thêm phần xăng xe cho nhân viên. 7 giờ sáng mỗi ngày, nhân viên sẽ bắt đầu phân loại hàng hóa, sắp xếp các đơn hàng theo lộ trình phù hợp để tiết kiệm thời gian, xăng xe… Mỗi nhân viên sẽ nhận 25-40 đơn hàng và giao trong khu vực mà mình đảm nhiệm.

Để cạnh tranh với các công ty giao hàng khác, anh Mẫn chia sẻ, công ty anh nhận giao bất cứ đơn hàng nhỏ lẻ, hoa tươi, thực phẩm tươi sống, mặt hàng đông lạnh, hàng dễ vỡ… và việc giao hàng được đảm bảo đến tay người nhận trong vòng 3-4 tiếng. Bên cạnh đó, để thu hút nguồn nhân lực, nhân viên được hưởng đầy đủ chế độ BHXH và các chế độ phúc lợi khác.

Anh Mẫn cho rằng, giao hàng nhanh trong ngày đang dần trở thành xu hướng và là một cách để các cửa hàng đáp ứng nhu cầu của khách. Vì thế, cuộc đua cạnh tranh dịch vụ giao hàng nhanh giữa các công ty đang dần trở nên nóng hơn bao giờ hết. Trong thị trường này, yếu tố để dẫn đầu là thu hút càng nhiều nhân viên giao hàng càng tốt. Việc tận dụng các nguồn lực có thể giảm gánh nặng về chi phí nhân sự nhưng các công ty sẽ đối mặt với những khó khăn về việc kiểm soát hàng hóa trong quá trình giao hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối