(SGTT) - Vốn là một người kinh doanh, chị Bùi Thị Thanh, người được cộng đồng chạy bộ quen gọi là “Iron girl” Thanh Bùi, đã hoàn thành xuất sắc cự ly chạy bộ 100km vượt núi Ultramarathon năm 2020 và các giải chạy lớn khác. Tìm hiểu về bí quyết đảm bảo sự an toàn trong suốt đường đua, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã liên hệ cô gái trẻ và nhận được những chia sẻ bổ ích.
- Cự ly 163km Vietnam Mountain Marathon 2021 cho phép VĐV có người dẫn tốc
- Từ chuyện nhiều người tử vong khi chạy ultra trail, làm sao để an toàn?
- Những vụ tai nạn đáng tiếc từ leo núi, chạy bộ địa hình
SGTT: Là một cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn và chủ yếu làm kinh doanh, cơ duyên nào khiến Thanh theo đuổi bộ môn chạy địa hình và trở thành một “Iron girl” như hiện tại?
Chị Bùi Thị Thanh: Mình đến với chạy bộ địa hình từ năm 2018, sau khi được người thầy chia sẻ thông tin về giải chạy bộ dành cho tất cả mọi người (bao gồm cả những người không chuyên). Với niềm đam mê thể thao từ bé, mình tham gia giải chạy bằng tất cả những nỗ lực và cố gắng. Kết quả chung cuộc, mình vỡ òa hạnh phúc khi là người về đích thứ 5 trong cự ly 42km. Đó là lúc mình đã dành tình yêu tuyệt đối với chạy bộ địa hình.
Từ đây, mình bắt đầu tham gia nhiều giải chạy hơn và tăng dần cự ly để thử thách bản thân. Đặc biệt, sau đường đua 55km tại giải Hà Nội Ultra Trail, mình càng đam mê với chạy bộ địa hình hơn. Tính đến thời điểm này, cự ly dài nhất mình tham gia là 100km tại Vietnam mountain Marathon vào năm 2020 và trở thành 1 vận động viên ultramarathon.
Sau khi hoàn thành xong mỗi giải chạy ultra trail, cảm xúc của Thanh như thế nào?
Sau mỗi chặng đua, được chạy trên những khu rừng già nguyên sơ, những con suối nước mát lạnh, hay những núi cao chênh vênh không một bóng người, mình cảm nhận được cuộc sống thiên nhiên yên bình, tinh thần trở nên thoải mái hơn rất nhiều. Đồng thời, sau mỗi lần chạy trail, Thanh mở thêm 1 giới hạn mới cho bản thân, khám phá và chinh phục thêm được 1 mục tiêu mới, 1 địa điểm mới trên bản đồ Việt Nam và thế giới.
Mới đây, vụ tai nạn thể thao khiến 21 vận động viên chạy ultramarathon trail ở Trung Quốc thiệt mạng. Thanh có suy nghĩ gì sau khi đọc tin này?
Với mình thì đây thảm họa kinh hoàng trong lịch sử chạy bộ nói chung và với gia đình, người nhà các vận động viên nói riêng. Khi biết được thông tin, Thanh có tìm hiểu nguyên nhân là do thời tiết quá khắc nghiệt, mưa đá lớn, gió giật mạnh và nhiệt độ xuống thấp khiến vận động viên chết rét.
Suy cho cùng, tai nạn này là ngoài ý muốn, không ai có thể lường trước được nguy hiểm. Điều khiến mình buồn và thương tiếc nhất là sự ra đi của 21 vận động viên, nhất là trong số đó có 2 vận động viên chuyên nghiệp.
Từ vụ tai nạn ở Trung Quốc, khi nhìn lại, Thanh có cảm thấy mình đã chọn một bộ môn thể thao quá mạo hiểm không?
Với cá nhân mình, chạy trail địa hình tương đối mạo hiểm, vì bạn sẽ chạy những cung đường núi vắng vẻ ít người qua lại, sẽ có những dạng địa hình khác nhau mà bạn cần vượt qua, sẽ có những bất trắc đến với bạn mà không hề báo trước.
Tuy nhiên, khái niệm mạo hiểm với từng người khác nhau và tuỳ thuộc vào từng cung đường bạn tham gia. Hình thức là chạy trail, nhưng chạy ở Núi Bà Đen, Núi Đồng Đò, Núi Ba Vì, Núi Ngọc Linh sẽ khác so với leo FanSiPan, núi Fusiling, núi Tà Xùa, đỉnh Silverstone,... về cả độ cao và độ khó của đường đi. Vậy nên, bạn đã tham gia chạy trail nghĩa là bạn chấp nhận mạo hiểm, thử thách.
Để trở thành một “chiến binh” ultra trail thực sự, bản thân Thanh đã trang bị cho mình những kỹ năng gì? Nếu gặp phải những khó khăn trên đường chạy, Thanh sẽ xử lý như thế nào?
Mình không phải là vận động viên chạy trail chuyên nghiệp. Khi bước chân vào đam mê chạy bộ địa hình, ngoài những kỹ thuật và kiến thức về việc chạy bộ đúng cách, mình tập trung tìm hiểu và trang bị kiến thức về “kỹ năng sinh tồn”, các kỹ năng tự ứng cứu ở mức độ nhất định: làm sao để sót khi gặp động đất, làm gì khi bị lạc giữa rừng, xử lý như thế nào khi gặp thú dữ, rắn cắn, cách tìm đồ ăn, nước uống trong rừng, sa mạc...
Khi gặp khó khăn hay sự cố trên đường chạy, mình giữ tâm lý thật bình tĩnh, không để rơi vào trạng thái hoảng loạn. Mình thường nghĩ đến những điều tích cực về gia đình, người thân hay bạn bè. Sau đó, Thanh sẽ kiểm tra các thiết bị liên lạc và thông báo liên lạc với ban tổ chức/người thân ngay lập tức (nếu GPS vẫn còn hoạt động), kiểm tra các các chấn thương (nếu có), cầm máu, cố định vết thương...
Đồng thời, Thanh sử dụng hợp lý lượng nước, đồ ăn để đảm bảo lương thực trong thời gian chờ người đến cứu trợ. Một cách đơn giản khác, mình nhờ sự hỗ trợ của những người cùng tham gia.
Với sự bùng nổ của phong trào ultramarathon trong một vài năm trở lại đây, Thanh có lời khuyên nào dành cho những bạn trẻ có đam mê đối với bộ môn chạy ultra trail này?
Như Thanh vẫn thường chia sẻ với các bạn mới, chạy bộ để khoẻ mạnh khác với chạy bộ để đua. Các bạn hãy lựa chọn những giải chạy có sự tổ chức chuyên nghiệp, uy tín, công tác tổ chức đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Bạn tìm hiểu thật kỹ hoặc yêu cầu phía ban tổ chức cung cấp các thông tin về: tình trạng thời thiết, cung đường, các trạm tiếp nước, các trạm y tế, hậu cần, cứu hộ (nên lựa chọn những giải chạy có người hỗ trợ là dân bản địa, bởi họ là người am hiểu thông thạo địa hình nhất).
Hơn nữa, người tham gia nên yêu cầu ban tổ chức mua bảo hiểm hoặc chủ động mua bảo hiểm cho hành trình của mình. Bạn sẽ không chắc chắn được điều gì trên cả hành trình. Bảo hiểm sẽ giúp phần nào an tâm cho chính bản thân và gia đình trước mọi rủi ro bất ngờ.
Bên cạnh các kỹ năng tự ứng cứu mình chia sẻ ở trên, bạn cần chuẩn bị các thiết bị và đồ dùng cần có như: bib chạy (có gắn chip), bản đồ đường đua điện tử, thiết bị GPS (quan trọng), đèn pin, nước và thiết bị cứu sinh, còi, điện thoại di động, áo khoác, đồ lót giữ nhiệt, chăn cách nhiệt khẩn cấp, túi thuốc khẩn cấp, thuốc giảm đau, băng gạc… Quan trọng nhất, vận động viên hãy chủ động kiểm tra sức khỏe của bản thân trước khi tham gia giải, khai báo đầy đủ và chính xác thông tin sức khỏe cho ban tổ chức và đội ngũ y tế.
Bởi khi tham gia và ký vào vào tờ giấy “miễn trách nhiệm” mà các "runner" thường gọi là “sinh tử trạng", bạn hoàn toàn tự chịu trách nhiệm với chính chặng đua của mình. Việc thử thách vượt qua giới hạn bản thân là cần thiết, tuy nhiên bạn cần biết giới hạn và sự an toàn với chính mạng sống của mình. Tai nạn có thể xảy ra với bất kỳ ai nên hãy “Safety First” - An toàn trên hết.
Thanh chúc mọi người chạy bộ an toàn, bước vào vạch đua đầy năng lượng và trở về sau hành trình như một "chiến binh" thực thụ.
Xin cảm ơn “Iron girl” Thanh Bùi đã dành thời gian trò chuyện với Sài Gòn Tiếp Thị. Chúc Thanh nhiều sức khỏe và luôn hoàn thành tốt những chặng đường chạy sắp tới cũng như hạnh phúc trong cuộc sống.
Hiệp Trần thực hiện