Thứ năm, Tháng Một 23, 2025

Nghe lén để quảng cáo

Hoàng Xuân Phương -

Bạn sẽ rất ngạc nhiên nếu nhận ra rằng các quảng cáo đúng nhu cầu tìm đến bạn sau những lần nói chuyện điện thoại hoặc truy cập web. Ngày nay, Internet không chỉ nhìn lén mà còn nghe lén chúng ta... để quảng cáo.

nghe-lenCác tín hiệu siêu âm phát ra từ một máy sẽ được nghe tại một máy khác bởi ứng dụng nghe lén.

Khi Internet dịch chuyển từ mạng cố định sang mạng di động, từ giao diện máy tính sang màn hình điện thoại thông minh, thì quảng cáo cũng theo đó mà tìm đến môi trường di động. Bởi thế, hàng trăm ứng dụng nghe lén bằng sóng siêu âm đã được phát triển để thu thập thông tin.

Tuy nhiên, hầu hết những người sử dụng điện thoại không ngờ mình bị nghe lén. Những gì họ đang nói chuyện hay tìm hiểu hôm nay sẽ xuất hiện trên màn hình ngày mai, dưới dạng quảng cáo, hình động, video, hoặc những bài viết nhảy lên đầu danh sách truy cập web.

Tần số siêu âm mà con người không thể nghe được là môi trường thu thập thông tin của các ứng dụng theo dõi chéo giữa các thiết bị. Những thông tin nghe lén đó được chuyển đến phần mềm phát hành quảng cáo, các trang web, và đến cả những cửa hàng trên phố hay các sân thi đấu thể thao.

Khi được đưa vào điện thoại, những ứng dụng này sẽ tìm đến vị trí của microphone để thu thập tín hiệu âm thanh, rồi vẽ lên những hình ảnh mà người dùng thấy, hoặc những trang web người dùng đang mở. Một số ứng dụng như thế đã được tải về máy hàng ngàn, hàng triệu lần, như Pinoy Henyo, và nằm im ở đó cho tới khi người dùng mở microphone để nói chuyện.

Nhiều cửa hàng ăn nhanh McDonald’s hay cửa hiệu Krispy Kreme đã cài ứng dụng nghe lén thông tin này để phục vụ khách hàng, và dĩ nhiên, để tìm kiếm những khách hàng tiềm năng trong vùng. Nhiều người cho rằng, công nghệ nghe lén này mới chỉ ở giai đoạn phôi thai, chưa phổ biến.

Tuy vậy, một cuộc điều tra thực hiện năm ngoái bởi trường Đại học Technische Universität Braunschweig (Đức) cho thấy, đã có 234 ứng dụng nghe lén chéo bằng sóng siêu âm đang hoạt động trên hệ điều hành di động android. Và với những cuộc phân tích tỉ mỉ, nhóm nghiên cứu cho rằng, đây thực sự là mối nguy hại đến an toàn thông tin cá nhân chứ không đơn thuần chỉ để quảng cáo hay chăm sóc khách hàng.

Công nghệ nghe lén này cho phép theo dõi nơi chốn, hành vi và thói quen mua sắm của từng người qua các thiết bị sử dụng khác nhau. Các công ty quảng cáo nhờ đó biết phải mang đến hình thức quảng cáo nào cho thiết bị nào của họ.

“Tuy nhiên, kỹ thuật nghe lén này là mối đe dọa đối với sự riêng tư của người sử dụng điện thoại vì nó âm thầm theo dõi vị trí, hành vi và cả các thiết bị mà họ sử dụng”, nhóm nghiên cứu đánh giá.

Bản báo cáo nghiên cứu tiếp tục nhấn mạnh, kẻ thù và những người ác ý có thể dùng đường liên lạc chéo này để nhìn thấy riêng tư của một người hay tài liệu chính trị của một đối thủ, kể cả việc họ di chuyển đến nơi này hay nơi khác.

Thực ra, về mặt thương mại, ứng dụng nghe lén là một phần mềm di động hiền. Đơn cử, Shopkick cho phép công ty ghi nhận những lần khách hàng đến thăm một cửa hiệu thuộc hệ thống nhờ vào tín hiệu âm thanh của loa cùng vị trí GPS của cửa hiệu. Số lần đến thăm nhiều hay ít là cơ sở để công ty gửi đến khách hàng những phiếu khuyến mãi.

Các ứng dụng như Lisnr hay Signal360 cũng phát triển theo chiều hướng này. Tuy nhiên, những ứng dụng về sau như Silverpush đã thể hiện mối nguy hiểm về sự riêng tư và an toàn thông tin cá nhân. Người ta đã phát triển các mức độ nghe lén khác nhau, giao thức khác nhau, và phương pháp xử lý thông tin cũng khác.

Nhóm nghiên cứu cho biết tốc độ phát triển ứng dụng nghe lén đang tăng nhanh, từ sáu ứng dụng vào tháng 4-2015 lên đến 39 vào cuối năm 2015, và 234 ứng dụng vào cuối năm 2016 với sự xuất hiện của Silverpush.

Trước tình hình các ứng dụng nghe lén có thể được cài sẵn trong máy hay xâm nhập từ cửa hậu, người sử dụng điện thoại cần giành quyền chủ động cho phép hay không cho phép một ứng dụng nghe lén nào đó dược hoạt động trong điện thoại của mình, xét tính chất có lợi hay bất lợi của từng ứng dụng cùng sự minh bạch của nó.

Với một số điện thoại android như One Plus, người sử dụng thực hiện lần lượt các thao tác Settings → Personal → Privacy → Privacy Guard. Tại đây, mở ra một danh sách ứng dụng hiện diện trong máy, từ đó người dùng quyết định cái nào được phép hoạt động.

Với android 7 thì lộ trình là Settings → Apps → App Permissions. Còn với các điện thoại chạy trên iOS 10 thì đi thẳng đến Microphone theo lộ trình thao tác Settings → Privacy → Microphone.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối