Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Nghề livestream thuê có thực sự dễ kiếm tiền?

(SGTT) - Những phiên livestream (bán hàng trực tiếp) trên sàn thương mại điện tử liên tiếp “khoe” doanh thu vài trăm triệu đến chục tỉ. Từ những phiên bán hàng với doanh số lớn này cũng bắt đầu xuất hiện những đồn đoán về thu nhập “khủng” của những người được thuê “lên sóng” (streamer). Tuy vậy cơ hội kiếm tiền từ nghề này có thực sự dễ như nhiều người vẫn nghĩ hay không?

Cơ hội từ thị trường “đang lên”

Theo khảo sát người tiêu dùng Việt Nam được Cốc Cốc thực hiện năm 2023, có 77% người dùng internet đã xem livestream bán hàng thì trong đó 71% đã mua hàng từ đây. Tổng hợp từ thống kê của Accesstrade Việt Nam, ba nền tảng livestream phổ biến nhất là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và Tiktok (17,2%). Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng trên livestream với sự tham gia của 50.000 nhà bán hàng. Mua sắm trực tiếp qua livestream tiềm năng thúc đẩy tới 20% tổng doanh số bán hàng của thương mại điện tử vào đầu năm 2026.

Sự phát triển của mảng livestream trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam đã khiến cho nhiều người chuyển hướng công việc làm livestream thuê. Bên cạnh đó là nhiều cá nhân tự tổ chức những phiên live bán hàng kết hợp cùng nhãn hàng, còn được biết đến là KOC (những người sáng tạo nội dung trong lĩnh vực giới thiệu, review sản phẩm).

Những phiên livestream tiền tỉ sẽ xuất hiện nhiều hơn nhưng không dễ dàng và không dành cho toàn bộ đơn vị thực hiện và người đi livestream thuê. Ảnh minh họa: DNCC

Với tần suất livstream mỗi ngày hoặc những phiên bán hàng lớn vào những dịp khuyến mãi, một số KOC cho biết có thu nhập từ vài triệu đến vài chục triệu mỗi tháng từ các nguồn thu khác nhau. Những ai mới bước vào nghề livestream thuê có thù lao từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng cho 1 giờ lên sóng.

Ông Trương Nhật Dương, giám đốc Thương mại Điện tử tại Accesstrade Vietnam, chia sẻ thực ra việc livestream tiền tỉ, chục tỉ, trăm tỉ đã xuất hiện trên thế giới rất nhiều. Do đó những người làm nghề livestream hoàn toàn không lạ với những phiên livestream như vậy. Bất kể nền tảng nào đang tập trung về người dùng, phát triển những tính năng mua sắm giải trí thì hoàn toàn có thể có những phiên live tỉ đồng tương tự.

“Nếu nhìn sang thị trường Trung Quốc nơi có thể nói thị trường đã đi trước chúng ta từ 5 năm thì tới tận bây giờ livestream của họ vẫn phát triển. Phương thức kinh doanh này vẫn diễn ra đều đặn thậm chí còn có những khung quy định chặt chẽ hơn, được rất nhiều doanh nghiệp đưa vào kế hoạch phát triển kinh doanh”, ông nói.

Số lượng người tham gia livestream tại Trung Quốc tăng dần qua từng năm, cụ thể năm 2023 tăng khoảng 8,66% so với 2022. Ông Dương chia sẻ nếu một đơn vị làm đúng và chuyên nghiệp thì thật ra không chỉ tổ chức vài phiên rồi đóng lại. Họ đã hiểu livestream gì cũng cần sự đầu tư và chuẩn hóa, kiên trì đều đặn.

Ông chỉ ra rất nhiều đơn vị cũng đã tổ chức các phiên livestream hàng giờ mỗi ngày, như vậy hiệu quả cao hơn nhiều việc chỉ trông chờ vào 1 phiên có doanh số tỉ đồng. “Các phiên livestream đến nay đang được thực hiện chuẩn chỉ, chuyên nghiệp hơn và tần suất thực hiện của các đơn vị vì thế cũng ngày một nhiều hơn”, ông nói.

Những phiên livestream tiền tỉ sẽ xuất hiện nhiều hơn nhưng không dễ dàng và không dành cho toàn bộ đơn vị thực hiện và người đi livestream thuê.

Vẫn khó cân đối được nguồn thu

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 25% và nằm trong top đầu của thế giới. Dựa trên số liệu khảo sát các nhà kinh doanh online trên nền tảng Haravan vào 2022 và 2023, có thể thấy số lượng nhà kinh doanh có áp dụng hình thức bán hàng livestream để tiếp cận người tiêu dùng tăng gấp 3 lần.

Đặc biệt trên nền tảng Tiktok Shop, gần như 100% nhà kinh doanh đều có đơn hàng phát sinh từ hình thức livestream. Dựa vào mức độ hiệu quả của từng phiên bán hàng, những người làm livestream thuê, hoặc KOC tự tổ chức phiên bán hàng cùng các doanh nghiệp sẽ có đa dạng nguồn thu nhập từ đây.

Chị Phương Oanh, là một KOC hoạt động trên Tiktok Shop từ những ngày đầu, đã tham gia làm những phiên live đầu tiên có doanh thu vài chục triệu đồng cho đến cả trăm triệu đồng cho rằng nguồn thu từ livestream rất tiềm năng. Chị có thể kiếm thu nhập từ chi phí hợp đồng với nhãn hàng (tiền booking) và khoản phí tiếp thị liên kết khi có đơn hàng thành công, dao động 10-15% tùy ngành hàng.

Tuy nhiên, chị tiết lộ để theo công việc livestream thuê hoặc tự tổ chức phiên bán hàng hợp tác với nhiều bên không phải trong ngày một ngày hai. Chị phải chi trả khoản phí thuê người vận hành lúc livestream, đội ngũ thương lượng, tìm kiếm sản phẩm giá tốt với doanh nghiệp trước 1-2 tháng.

Trong lúc bán hàng, chị phải đảm bảo đạt doanh số cuối cùng vì nhận những mã giảm giá, ưu đãi từ nền tảng hỗ trợ trước đó. Được biết khoản tiền chi cho quảng cáo không nhỏ, chưa kể tỉ lệ hoàn hủy hàng ít nhất dao động 10-20%/phiên live.

“Có những phiên bán hàng nhìn doanh thu hấp dẫn nhưng có khi chỉ lỗ hoặc hòa vốn vì người livestream chấp nhận giảm hoa hồng của mình để có giá tốt, khuyến mãi nhiều thu hút người mua. Trường hợp phiên live không đạt doanh số như kì vọng hoặc tỉ lệ đơn không thành công vượt quá 50% thì cũng phải chịu những quy định hoặc điều khoản phạt từ các bên khác”, chị cho biết.

Anh Nguyễn Minh Tân, người có nhiều năm kinh nghiệm dạy các lớp học livestream và từng tham gia bán hàng độc quyền trên sóng trực tiếp cho nhiều bên, nhìn nhận tùy vào độ ảnh hưởng cũng như thương hiệu cá nhân, những người làm công việc này sẽ có mức thù lao khác nhau từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng cho một lần xuất hiện.

Những người mới có thể tìm kiếm công việc ở khắp các hội, nhóm trên mạng xã hội hoặc các trang tuyển dụng doanh nghiệp. Sau khi trau dồi kỹ năng và chăm chút ngoại hình, xây dựng tên tuổi, kinh nghiệm, thu nhập sẽ tăng lên theo thời gian và không có giới hạn.

Mời quý độc giả theo dõi ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị dưới đây:

Hoàng An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối