(SGTT) - Nằm trong chuỗi những dự án của thành phố nhằm phát triển dịch vụ, thúc đẩy khách du lịch tham quan nhân dịp ngày Quốc tế phụ nữ (8-3), Viện Pháp Việt Nam tại Đà Nẵng và Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức triển lãm nhiếp ảnh với chủ đề “Portraits de Femmes – Chân dung phụ nữ”.
- Làng chài Đà Nẵng dưới góc nhìn công nghệ số
- Ảnh đẹp du lịch của độc giả SGTT sẽ triển lãm tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII
- Triển lãm ảnh biến đổi khí hậu đối với cảnh quan núi Ý
Những bức ảnh trong triển lãm là kết quả từ hai khoá workshop diễn ra trong 3 ngày, do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức, phối hợp cùng Idecaf tại TPHCM và Huế vào tháng 1 vừa qua, 15 nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ đã thực hiện các bộ ảnh về chủ đề Phụ nữ Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của nhiếp ảnh gia MaiKa Elan (đến từ TPHCM), Bình Đặng (đến từ Hà Nội) và Nicolas Cornet (đến từ Pháp). Ba mươi tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc nhất được trưng bày tại triển lãm với nhiều kích thước khác nhau, nhằm lưu giữ những khoảnh khắc độc đáo trong cuộc sống đời thường của người phụ nữ Việt Nam.
Theo chia sẻ của Nicolas Cornet, người chịu trách nhiệm nghệ thuật workshop, ở một nước chưa có trường dạy nhiếp ảnh chuyên nghiệp như Việt Nam thì việc tạo ra những hình thức trao đổi, truyền tải và làm việc nhóm xoay quanh nhiếp ảnh là một điều lý thú.
Có thể thấy, việc tổ chức những workshop nhiếp ảnh không chỉ là sân chơi cho các nhiếp ảnh gia được thể hiện rõ tài năng, cảm xúc của mình thông qua tranh ảnh mà còn khiến công chúng thấy được nhiều hơn về thành quả mà họ đã học hỏi, thực hành và đúc kết từ hiệu quả làm việc nhóm như trên.
Còn đối với tiêu chí lựa chọn mà Maika Elan và Bình Đặng đưa ra là đề cao tính sáng tạo, mối liên hệ trong góc nhìn của nhiếp ảnh gia cũng như tính nhân văn tiềm ẩn trong đó, cùng sự trân trọng của người chụp đối với đề tài phụ nữ Việt Nam.
“Chân dung phụ nữ” không chỉ là dịp để kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3-1910 - 8-3-2022), mà mục đích quan trọng là tôn vinh vai trò đa dạng của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam: từ người bán hàng, nghệ sĩ, nhà quản lý, bác sĩ, công nhân…” Chính họ là người vẽ nên bức tranh Việt Nam đương đại muôn màu, muôn vẻ. Những bức ảnh do các bạn trẻ tạo nên này là kết quả của quá trình làm việc nhóm vững chắc. Họ không đề cao sự hoàn hảo của hình ảnh mà ngược lại, họ muốn thể hiện bản thân mình sâu sắc hơn thông qua những chuỗi hình ảnh mà khi đặt cạnh nhau sẽ tự mình kể nên những câu chuyện đầy rung cảm, hay nói cách khác là “story telling”.
Những nhiếp ảnh gia trẻ cũng được thử thách thông qua việc xử lý đề tài theo cách thức đương đại hơn: đó là những suy ngẫm về giới tính, một góc nhìn thân thương về người phụ nữ trong gia đình như mẹ, bà nội, hay vai trò của người phụ nữ trong đời sống thường nhật. Những con người trẻ trung năng động ấy đã đem làn gió mới cho đề tài thêm cảm xúc, lột tả nhiều khía cạnh rộng hơn, thú vị hơn thay vì chỉ tập trung vào những lối mòn quen thuộc.
Ngoài những tác phẩm ảnh do các nhiếp ảnh tại TPHCM và Huế thực hiện, khách tham quan ở Đà Nẵng còn có dịp khám phá những bài viết chân dung về một số nhân vật nữ tiêu biểu của Việt Nam. Sáu bài viết chân dung này lấy cảm hứng từ các cuộc phỏng vấn do nhà báo người Pháp Sabrina Rouillé thực hiện và nghệ sĩ Lê Phi Long (từng là nghệ sĩ của chương trình lưu trú “Tương hỗ” do Villa Saigon và Cité internationale des Arts Paris tổ chức) vẽ minh hoạ nhân vật.
Triễn lãm “Potraits de femmes – Chân dung phụ nữ” kéo dài từ ngày đầu tháng Ba cho đến 23-3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng (78 Lê Duẫn, quận Hải Châu). Bên cạnh đó, Bảo tàng đang miễn phí tham quan đến hết ngày 31-12-2022 nhằm khôi phục và kích cầu du lịch, dịch vụ sau đại dịch.
Đôi nét về các nghệ sĩ tham gia dự án
Sabrina Rouillé
Sabrina Roillé là nữ tác giả và nhà báo phóng sự người Pháp. Cô đã từng sống 8 năm ở TPHCM trước khi trở về Pháp vào năm 2017. Cô là tác giả của “Portraits de Saigon” (Những chân dung của Sài Gòn), một quyển sách hướng dẫn về cuộc sống tại thủ phủ kinh tế của Việt Nam, đan xen với 11 bức chân dung do cô viết, theo kiểu tự truyện của mỗi nhân vật do cô phỏng vấn. Những bức chân dung phụ nữ được giới thiệu trong triển lãm cũng được lấy cảm hứng từ cuốn sách mà cô đã thực hiện.
Lê Phi Long
Lê Phi Long là nghệ sĩ thị giác hiện đang sống và làm việc tại TPHCM. Sau khi lấy bằng thiết kế nội thất tại Đại học Mỹ thuật Huế năm 2012, anh chuyển ra Hà Nội và là thành viên chủ chốt của Trung tâm Nghệ thuật Name Art Center. Từ năm 2013 đến 2018, anh đã tham gia nhiều chương trình nghệ sĩ lưu trú, triển lãm tại Việt Nam và trên Thế giới. Năm 2017, anh đồng sáng lập trung tâm nghệ thuật Mofland ở Đà Lạt, nơi kết nối các không gian sáng tao và hỗ trợ cho nghệ sĩ địa phương và quốc tế. Năm 2020, anh là một trong những nghệ sĩ thắng cuộc trong chương trình lưu trữ “Villa Saigon Tương hổ” tại Cité internationale des Arts Paris do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức.
Maika Elan
Maika Elan (Nguyễn Thanh Hải) sinh ra tại Hà Nội; hiện là nhiếp ảnh gia tự do làm việc tại TPHCM. “The Pink Choice – Yêu là Yêu” – dự án ảnh đầu tiên của cô, tập trung khai thác những góc nhìn riêng tư về cuộc sống của các cặp đôi đồng tính tại Việt Nam – đã được trưng bày rộng rãi tại các triển lãm quốc tế và xuất bản trong các tạp chí cả online và offline. Dự án cũng đã mang về cho cô giải Nhất hạng mục “Các vấn đề đương đại” tại giải thưởng World Press Photo năm 2013, và giải nhất hạng mục “Câu chuyện tư liệu” tại giải thưởng Prider Photo Award năm 2013.
Năm 2014, cô có mặt trong danh sách 30 gương mặt nổi bật của năm 2014 “30 Under 30” do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.
Bình Đặng
Bình Đặng là một nhiếp ảnh gia tạp chí và thương mại. Anh đã tham gia những khóa học uy tín như Angkor Workshop, Foundry Workshop, Panoramic Workshop thuộc dự án nhiếp ảnh “Open Academy Europe” do mạng lưới các Viện quốc gia Liên minh Châu Âu về Văn hoá (EUNIC) tổ chức. Các tác phẩm của anh đã được triển lãm tại Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và đăng trên nhiều tạp chí quốc tế: Smithsontan Magazine. Le Monde,…
Nicolas Cornet
Nicolas Cornet là nhà báo và nhiếp ảnh gia người Pháp. Ông là tác giả của hàng chục cuốn sách ảnh và hàng trăm phóng sự ảnh. Ông từng làm việc cho các báo và tạp chí như L’espresso Mare, Le Monde, D-La Repubblica và Merian. Ông đã tổ chức nhiều triển lãm ảnh tại Pháp, Đức, Thuỵ Sĩ và Đông Nam Á. Đến Việt Nam từ 3 thập kỷ trước, ông đã quan sát những biến đổi mạnh mẽ về khung cảnh, thành thị và nông thôn dưới tác động của nền kinh tế thị trường. Năm 2018, ông xuất bản cuốn sách “Pagodes”, một tác phẩm dành riêng cho các ngôi chùa Việt Nam.
Cao Linh