Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Nghệ sĩ kịch không nhà hát – chuyện nghìn lẻ một đêm

Nguyễn Huy -

Các sân khấu kịch ở TPHCM đang loay hoay với việc duy trì hoạt động khi lượng vé bán yếu, chi phí thuê mặt bằng cao và luôn trong tư thế phải di chuyển sang địa chỉ mới.

Luôn trong tư thế đổi mặt bằng

Trước mùa kịch tết 2018, sân khấu số 7 Trần Cao Vân của Idecaf chính thức đóng cửa. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc sân khấu Idecaf, địa chỉ này không còn hoạt động vì lý do khách quan: Nhà Thiếu nhi quận 1 lấy lại mặt bằng để xây dựng mới toàn bộ các hạng mục. Dù vậy, quyết định này vô tình trùng hợp với ý định ngưng hoạt động ở địa chỉ Trần Cao Vân của Idecaf.

“Trừ mùa tết, sân khấu kịch hoạt động èo uột. Chúng tôi sở hữu hai sân khấu nhưng phải bù lỗ liên tục vì vé bán yếu. Nếu không dừng lại, dồn sức cho một địa điểm chính thì chúng tôi không thể duy trì lâu dài”, ông Tuấn cho biết.

Để có được vở diễn đột phá như Tiên Nga, sân khấu Idecaf đã nhận sự trợ vốn rất lớn từ một công ty kinh doanh đa ngành.

Ngay sau mùa kịch tết cháy vé, đến lượt sân khấu Superbowl của bà bầu Hồng Vân tuyên bố ngưng hoạt động vì không kham nổi việc thuê mặt bằng. Dù chỉ một ngày sau, NSND Hồng Vân khẳng định phía đối tác đã chịu hạ giá nên Superbowl sẽ tiếp tục sáng đèn. Tuy nhiên, quyết định này phần nhiều dựa trên lòng đam mê của người nghệ sĩ chứ không phải thực sự Superbowl đã tìm được lối ra.

Trước đó, nghệ sĩ Hồng Vân đã đầu tư mạnh vào cải tạo và nâng cấp Superbowl. Việc đầu tư này được đánh giá mạo hiểm vì đây là mặt bằng thuê, nếu giữa hai bên “cơm không lành canh không ngọt” thì toàn bộ cơ sở vật chất phải bị bỏ lại.

Đúng như lo ngại của nhiều người, lượng vé bán ra không ổn định. Nghệ sĩ Hồng Vân cho biết trong hai năm qua chị đã phải bù lỗ hai tỉ đồng, đồng thời nhiều lần thương lượng giảm giá thuê với chủ mặt bằng nhưng bất thành. Bà bầu Hồng Vân cũng từng có định đóng cửa Superbowl nhưng “vì thương học trò, quý khán giả nên đành tiếp tục gồng gánh”.

Chuyện gặp khó trong thuê mặt bằng cũng xảy ra với sân khấu Hoàng Thái Thanh. Giám đốc Nhà Thiếu nhi TPHCM là người mê kịch nên đã chấp thuận cho sân khấu này thuê mặt bằng hoạt động. Sau hai năm duy trì, Hoàng Thái Thanh bắt đầu có lượng khán giả “ruột” thì nhà thiếu nhi lấy lại mặt bằng để xây dựng lại. Hoàng Thái Thanh cũng lại đành “xấc bấc xang bang” tìm mặt bằng mới.

Cuối cùng, nhà thiếu nhi quận 10 đã trở thành ngôi nhà mới của sân khấu này. Tuy nhiên, chuyển sang địa chỉ mới cũng đồng nghĩa với việc mất khỏan tiền lớn để xây dựng, trang trí sân khấu, trang bị âm thanh, ánh sáng… Trong khi đó, địa chỉ mới lại không nằm ở vị trí thuận lợi như trước, phần nào khiến vé kịch khó bán hơn.

Từ khi được tạo điều kiện thuê mặt bằng hợp lý hơn, sân khấu Thế Giới Trẻ đã có nhiều thay đổi về chất.

Cần sự hỗ trợ

Khi tham gia kinh doanh kịch nghệ, sân khấu xã hội hóa phải tự lo liệu mọi thứ, kể cả việc bị đào thải nếu hoạt động yếu kém. Tuy nhiên, các nghệ sĩ cho rằng lĩnh vực văn hoá có nét đặc thù riêng. Đầu tư vào hoạt động văn hoá, giải trí nghĩa là họ đang góp sức mang vẻ đẹp đến cho cộng đồng và giúp phát triển các giá trị chân, thiện, mỹ. Do đó, khi hoạt động sân khấu gặp khó khăn, các cơ quan quản ly nhà nước nên chia sẻ với họ.

Hiện tất cả các sân khấu phía nam đang phải thuê mặt bằng. Trừ Thế Giới Trẻ có hợp đồng thuê tám năm, các sân khấu còn lại chỉ thuê được mặt bằng trong thời gian ngắn, từ một đến hai năm, giá thuê biến động phụ thuộc vào bên cho thuê. Hợp đồng thuê ngắn hạn khiến các sân khấu bị động, không thể mạnh dạn đầu tư về trang thiết bị. Các sân khấu vì thế mãi nằm trong vòng lẩn quẩn: vở diễn không thể phát huy tối đa hiệu ứng, sân khấu khó tung ra vở nặng ký, vé bán yếu, trong khi lại phải gánh thêm tiền mặt bằng cao.

“Mỗi khi dựng một vở lớn như Tiên Nga hay chương trình Ngày xửa, ngày xưa, Idecaf phải trả tiền thuê sân khấu khá cao cho nhà hát Bến Thành. Nếu không mất khoản tiền này, Idecaf có thể đầu tư mạnh hơn, chăm chút kỹ hơn cho vở diễn. Khi ấy, công chúng sẽ được thưởng thức các vở kịch chất lượng”, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Idecaf chia sẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối