ANH QUÂN -
Chính quyền TPHCM đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng xe buýt nhằm cải thiện tình trạng số người đi xe buýt tại thành phố tiếp tục giảm trong sáu tháng đầu năm nay. Đây là điều đáng lo ngại khi mỗi năm ngân sách thành phố chi cho trợ giá xe buýt lên đến cả ngàn tỉ đồng.
Tiếp tục giảm
Mặc dù chính quyền TPHCM đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng xe buýt nhưng số người đi xe buýt tiếp tục giảm trong sáu tháng đầu năm nay.
Ngày 1-8, Sở Giao thông Vận tải TPHCM tiếp tục thay mới toàn bộ số xe buýt trên hai tuyến 27 và 76. Việc thay mới xe là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng thu hút người dân đi xe buýt. Thế nhưng theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trong sáu tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp và hợp tác xã xe buýt vận chuyển được 268,4 triệu lượt hành khách giảm 1,85% so với cùng kỳ năm 2015 và đạt 43,3% so với kế hoạch năm 2016 là 620 triệu lượt khách. Lượng người đi xe buýt giảm cả ở các tuyến không trợ giá (giảm 10,8%) và tuyến có trợ giá giảm 9,6%. Trong số 107 tuyến xe buýt có trợ giá thì có đến 91 tuyến lượng hành khách giảm.
Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp đã đưa vào hoạt động bốn tuyến xe buýt chất lượng cao, tăng thời gian hoạt động trên năm tuyến, sắp xếp lại hoạt động của sáu tuyến, thay mới 210 xe trên 15 tuyến trong tổng số 1.680 xe buýt được đầu tư mới. Bên cạnh đó, sở này cũng đưa vào vận hành phòng điều hành trực tuyến để giám sát hoạt động của xe buýt. Đồng thời, ứng dụng phần mềm tìm xe buýt trên điện thoại với bản đồ số để tiện lợi cho hành khách tìm xe buýt. Ngoài ra, sở cũng đối thoại với học sinh, sinh viên và người khuyết tật về đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ để tìm hướng khắc phục, cải thiện thái độ phục vụ.
Thế nhưng, những giải pháp nói trên chưa mang lại kết quả, lượng hành khách vẫn tiếp tục giảm. Điều đáng nói đây là năm thứ ba liên tiếp lượng hành khách đi xe buýt ở TPHCM giảm.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng hành khách đi xe buýt tiếp tục giảm, ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cho biết do ùn tắc giao thông trên nhiều tuyến đường gia tăng, đặc biệt là trong nội thành, trong khi xe buýt chưa có làn đường riêng. Một nguyên nhân nữa là do các xe buýt đã xuống cấp, trong khi số lượng xe buýt được đầu tư mới còn ít. Số chuyến xe buýt của năm 2016 thấp hơn số chuyến năm 2015 do doanh nghiệp thực hiện không đúng số chuyến so với kế hoạch.
Ngoài ra, hiện nay có nhiều phương thức vận chuyển mới như Grab, Uber, Uber Moto, Grab Bike với sự tiện lợi của các hình thức vận tải này nên người dân ít chọn xe buýt. Không những vậy, các doanh nghiệp xe liên tỉnh thường sử dụng loại hình xe trung chuyển để đưa đón hành khách tận nhà.
Thêm tuyến, tăng thời gian hoạt động
Trước tình trạng lượng người đi xe buýt tiếp tục suy giảm, trong nửa năm còn lại Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã đề ra nhiều giải pháp để thu hút hành khách đi xe buýt. Trước tiên là việc nghiên cứu mở thêm hai tuyến xe buýt không trợ giá từ sân bay Tân Sơn Nhất về các quận, huyện nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân đi đến sân bay.
Cùng với việc mở thêm tuyến kết nối quận, huyện với sân bay, sở này cũng rà soát nhu cầu đi lại của hành khách trên các tuyến để kéo dài thời gian hoạt động của xe buýt đến 22 giờ, vì hiện nay nhiều tuyến xe buýt chỉ phục vụ đến 19 giờ được cho là quá ngắn không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Song song với việc tăng giờ, sở này sẽ nghiên cứu điều chỉnh lộ trình 11 tuyến xe buýt để mở rộng khả năng phục vụ hành khách.
Đối với những tuyến có lượng hành khách nhiều, sở sẽ rà soát để điều chỉnh tăng chuyến, đồng thời rà soát điểm dừng đón trả khách thuận lợi. Ngoài ra, trong thời gian tới sẽ thực hiện cho xe buýt đi vào một làn đường riêng trên đường Điện Biên Phủ và xa lộ Hà Nội.
Theo một số chuyên gia, những giải pháp mà ngành giao thông thành phố đưa ra vẫn chỉ là từ một phía mà chưa lắng nghe ý kiến góp ý của của người dân của chuyên gia. Theo ông Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, để tăng số lượng hành khách đi xe buýt, bên cạnh các giải pháp đầu tư thay thế, đổi mới xe buýt, cần hạn chế dần xe cá nhân.
Về phía chính quyền thành phố cần phải dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè để giúp người đi bộ đón xe buýt thuận tiện. Và quan trọng hơn phải tổ chức được các tuyến xe buýt thu gom từ các tuyến đường hẻm ra các tuyến đường chính, khi đó đi xe buýt thuận lợi thì người dân mới sử dụng.
Đề xuất thêm giải pháp để tăng lượng người đi xe buýt ở TPHCM, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng, cần mở thêm nhiều tuyến xe buýt kết nối từ các quận, huyện đến sân bay, nhà ga xe lửa, bến xe vì đây là những nơi nhu cầu đi lại rất lớn. Ông cho rằng hạn chế lớn nhất của hệ thống xe buýt TPHCM là có quá ít xe buýt đi đến sân bay, nhà ga nên nhiều khi người dân muốn đi xe buýt đến đây cũng không có xe nào.
Vấn đề thứ hai là phải bán vé tháng bằng hình thức dán tem như Hà Nội đang làm, có như vậy người đi xe buýt mới không bị hạn chế số lượt đi, thấy có lợi giá rẻ hơn đi xe máy thì người dân mới chọn đi xe buýt. Theo vị chuyên gia này đây là những giải pháp trước mắt có thể làm ngay mà ít tốn kém, hiệu quả có thể sẽ mang lại tức thì.