(SGTT) - Tham quan, tìm hiểu về những cỗ máy xay xát, đánh bóng, tách hạt, tại triển lãm Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam năm nay ở Cần Thơ, mới biết công đoạn để có một bát cơm trắng thơm lành phức tạp và tốn kém ra sao. Từ đây, người tiêu dùng cũng hiểu thêm giá trị của hạt gạo dẻo thơm mà bà con nông dân đã một nắng hai sương làm ra qua lời kể từ chủ nhà máy xay xát.
- Cần Thơ mở rộng giao thương hàng nông thuỷ sản
- Rộn ràng Ngày hội Lá ở Cần Thơ
- 250 gian hàng triển lãm tại Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam 2022
Từ xay xát
Hai gian hàng ngoài trời lớn nhất hội chợ là của hai nhà máy xay xát Bùi Văn Ngọ và Bùi Văn từ TPHCM về. Bùi Văn ra đời năm 2020, tách từ nhà máy Bùi Văn Ngọ đã có tiếng lâu năm trong ngành máy xay xát gạo. Sản phẩm của họ đều chung một xưởng ở Long An, đều nhập thiết bị điện cơ theo công nghệ tiên tiến Nhật Bản.
Theo ông Bùi Trọng Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất công nghiệp cơ khí Bùi Văn, các cỗ máy này giúp cho hạt gạo đạt tiêu chuẩn tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Ngoài ra, máy phải cho thu hồi gạo nhiều nhất, ở mức 67-69% sau khi bỏ cám, trấu và gạo không gãy, vỡ.
Đó là những cỗ máy nặng hàng tấn, khi vào dây chuyền chiếm trọn một tòa nhà hai tầng. Có thể kể đến như máy bóc vỏ lúa, máy tách trấu, máy tách thóc, máy xát trắng gạo, máy xát trắng thử mẫu gạo, máy đánh bóng gạo, máy sàng tạp chất, máy sàng tạp chất gạo, sàng rung, sàng đá, sàng đảo, trống phân hạt, trống trộn gạo, trống tách hạt lép, lò trấu, máy lọc bụi, mấy sấy, phụ kiện.
Giá bán các loại máy dao động từ 98 – 617 triệu đồng/máy. Với cả dây chuyền chế biến từ lúa ra gạo, tùy công suất từ 8, 12, 14, 15, 24 tấn/giờ, có giá bán từ 3,4 - 38,5 tỉ đồng/dây chuyền.
Ông Bùi Trọng Hiếu cho biết, các sản phẩm này đã phủ khắp 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và cả ở 7 tỉnh miền Trung, 7 tỉnh miền Bắc. Riêng tại hội chợ Cần Thơ lần này, có 12 máy dự triển lãm thì đã bán được 8 máy.
Tại hội chợ, nhiều khách hàng đã tới tham quan và góp ý. Ông Hiếu kể, họ mong được tiếp tục thay đổi công nghệ để làm sao giảm điện năng hơn, thu hồi thành phẩm cao hơn, thu hồi được hết phụ phẩm (tấm, trấu, cám) và góp sức bảo vệ môi trường. Như vậy mới tiết kiệm chi phí cho nhà máy chế biến gạo vì cũng là sản xuất gạo như bà con nông dân nhưng chi phí cao sẽ không có lời.
“Họ thấy thị trường cạnh tranh nhưng gạo Việt Nam vẫn xuất khẩu và tiêu thụ nội địa tốt. Gạo còn bán được thì hệ thống máy xay xát còn đổi mới. Tôi kỳ vọng ngành lúa gạo Việt Nam ổn định giá để giúp ngành chế biến xuất khẩu gạo phát triển”, ông Hiếu nói.
Đến tách màu, tách hạt
Kế gian hàng Bùi Văn là gian hàng của Công ty TNHH TM DV DTC (TPHCM). Đây là cỗ máy tách màu gạo, cân đóng gói, làm công việc nâng cao hơn giá trị hạt gạo sau xay xát.
Gần chiều tối ngày cuối của hội chợ mà vẫn thấy nhân viên DTC thao tác tách màu cho khách xem. Nhìn hai sàng đựng gạo, một trắng toát, một có lẫn những hạt ươm vàng sau khi máy tách xong, một người khách tham quan thốt lên: “Giờ mới hiểu làm sao để có gạo trắng đều cơm”.
Ông Dương Hoàng Tín, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty DTC, cho biết dòng máy này nhập từ Trung Quốc, công suất 10-15 tấn/giờ, giá 1,3 tỉ đồng. Máy tách được tất cả phế phẩm từ gạo trắng, gạo màu, gạo lứt để cho hạt gạo chất lượng tốt hơn, bán được giá hơn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Theo ông Tín, nhu cầu này là từ thị trường, DTC đã có khách hàng ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL từ hơn 8 năm nay, chiếm 50% thị phần ở vùng này. Ông cũng mong máy móc cải tiến công nghệ để có năng suất cao hơn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiết kiệm chi phí cho khách hàng. Ông Tín nói “Tôi hy vọng ngành lúa gạo Viêt Nam ngày càng phát triển, có lợi nhuận tốt hơn cho nông dân, doanh nghiệp chế biến gạo và cho cả chuỗi cung ứng gạo”.
Gần đó là gian hàng máy tách hạt gạo hiệu CNC, cũng nhập từ Trung Quốc có giá 1,1 tỉ đồng của Công ty TNHH thiết bị Smart Sort (TPHCM). Ông Trương Phước Toàn, phụ trách kinh doanh của công ty này giải thích về quá trình tách hạt và phế phẩm từ gạo “Trong quá trình sản xuất, do sấy, xay xát, lau bóng hoặc bị ẩm… gạo còn lẫn hạt xanh, non, bạc bụng, vàng hoặc còn đá, sỏi nên mới có dòng máy công nghệ cao này”.
Ông Toàn cho biết gần 10 năm nay các doanh nghiệp chế biến gạo ở ĐBSCL đã sử dụng máy này. Riêng Công ty Smart Sort đang có khách hàng ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An. Công ty không sản xuất mà nhập máy về bán và lo bảo trì, bảo dưỡng. “Sản phẩm này có tiềm năng trở thành sản phẩm chính trong dây chuyền sản xuất sau cùng của hạt gạo”, ông Toàn nhận định.
Nhìn lại những cỗ máy hiện đại này, nghĩ về quá trình hạt gạo Việt Nam đi từ cánh đồng lúa của bà con nông dân tới nhà máy chế biến, càng trân quý giá trị của chuyện làm ra hạt gạo, ăn sao cho ngon cho lành, bán sao cho được giá.
Huỳnh Kim