Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Ngơ ngác giá cả, chủng loại nhung hươu

BÌNH AN -

Y học cổ truyền xem nhung hươu như phương thuốc bổ thận, tráng dương, ích khí, cường tinh. Còn Tây y xem cái sừng của con hươu đực này có các tác dụng cải thiện chức năng hệ thống miễn dịch, tăng cường khả năng sinh lý, chống lão hóa... Chính công dụng đa dạng này đã biến nhung hươu thành một mặt hàng được săn tìm, với giá bán nhảy múa loạn xạ.

Đa dạng nguồn cung

Trên thế giới, nhung hươu được khai thác chủ yếu ở vùng Siberia (Nga), New Zealand, một số khu vực ở châu Á và châu Âu. Nhiều nơi lấy nhung hươu làm nguyên liệu cho thuốc bồi bổ sức khỏe theo y học phương Đông. Ở một số quốc gia, hươu được nuôi để khai thác nhung và nghiên cứu ra các chế phẩm có thể sử dụng hàng ngày như trà nhung hươu, nhung hươu cắt lát, nhung hươu nghiền mịn làm viên nang và viên nén cho ngành y tế.

Nhung hươu nhập khẩu từ vùng Siberia (Nga) có giá bán khoảng 12 triệu đồng/kg.  Ảnh: Hoàng Nhung
Nhung hươu nhập khẩu từ vùng Siberia (Nga) có giá bán khoảng 12 triệu đồng/kg. Ảnh: Hoàng Nhung

Một số doanh nghiệp chuyên chăn nuôi và kinh doanh nhung hươu tại Việt Nam và Nga cho biết hiện nay nhung hươu được tiêu thụ nhiều tại các nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Còn về thị trường cung cấp, New Zeland là nước cung cấp nhung hươu nhiều nhất thế giới, nhưng chất lượng sản phẩm chỉ ở mức trung bình. Nhung hươu tại vùng Siberia (Nga) được xếp vào loại có chất lượng cao, một phần là do hươu của vùng này được chăn nuôi hoang dã trên đồng cỏ rộng lớn. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc cung không đủ cầu

Tại Việt Nam, hươu được nuôi phổ biến ở tỉnh Nghệ An, Hương Sơn (Hà Tĩnh), nhưng số lượng vẫn còn hạn chế, công nghệ chưa cao và hàng hóa chưa có lối ra.

Ông Trần Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Eco Siberia Việt Nam, đơn vị chuyên chăn nuôi và khai thác nhung hươu tại Nga, cho biết điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở Hà Tĩnh có thể nuôi nhung hươu có chất lượng tốt. Chỉ có điều, thời gian gần đây, nhiều hộ gia đình nuôi quy mô nhỏ, chỉ 3 đến 10 con, cho ăn kiểu công nghiệp, không dám chăn nuôi hoang dã vì sợ mất, nên chất lượng nhung hươu bị ảnh hưởng. Còn các tỉnh khác như Đồng Nai, An Giang, Đắk Lắk, Ninh Bình cũng có nuôi, nhưng không đủ cung cấp cho thị trường và chất lượng cũng chưa cao.

Loạn giá

Do nhung hươu có công dụng hỗ trợ điều trị bệnh đồng thời bồi bổ sức khỏe nên nhiều người tìm mua. Hiện nay, một số công ty dược và công ty sản xuất thực phẩm chức năng đang chiết xuất những hoạt chất từ nhung hươu vào sản phẩm để cung cấp cho nhu cầu của thị trường.

deer-antler-velvet 2

Tuy nhiên, dựa vào niềm tin của người tiêu dùng đối với công dụng của nhung hươu mà người bán cũng làm giá đủ kiểu. Theo các chuyên gia về nhung hươu, mặt hàng này trên thị trường hiện nay đang “loạn giá”. Chủng loại sản phẩm cũng khác nhau, từ trung bình đến cao cấp, từ hàng tươi đến hàng khô. Đặc biệt là hàng giả, hàng nhái thì nhiều vô cùng.

Theo ông Tuấn của Eco Siberia Việt Nam, giá nhung hươu tại thị trường Việt Nam cũng tương đương với giá trên thị trường thế giới. Sản phẩm nhập từ Nga về phân phối tại Việt Nam có giá trung bình 12 triệu đồng/kg. Còn nhung hươu nuôi tại Hà Tĩnh có giá khoảng 10-11 triệu đồng/kg.

Ghi nhận thực tế thị trường nhung hươu nhập khẩu ở TPHCM cho thấy nhung hươu khô nguyên chiếc có giá 11,5 triệu đồng/kg, nhung hươu hoang dã (săn bắn) có giá 15 triệu đồng/kg, nhung hươu cắt lát của Nga có giá 2,1 triệu đồng/kg, thậm chí có loại mà giá bán đến 50 triệu đồng/kg. Trong khi đó, nhung hươu trong nước loại cắt lát có giá 700.000 đồng/100 g, nhung hươu Hương Sơn có giá 1,4 triệu đồng/100 g.

Điều đáng chú ý là trên thị trường hiện nay có nhiều nhung hươu được làm giả, làm nhái để bán phá giá, gây khó khăn cho những người làm ăn chân chính. Một chủ cửa hàng bán nhung hươu trên đường Lý Thái Tổ (quận 10) nói rằng những người làm nhung hươu giả có rất nhiều mánh khóe. Một trong những cách họ thường làm là lấy tiết heo trộn với xương thỏ đã băm nhỏ, sau đó nhồi vào miếng da chó hoặc da dê rồi dùng keo siêu dính dán chặt. Công đoạn cuối cùng là lấy phẩm màu đỏ hoặc nâu nhạt bôi lên để xóa mờ vết dán. Loại này được bán trên thị trường với giá chỉ vài triệu đồng một ký.

Ông Tuấn cho biết nhung hươu Trung Quốc bán vào thị trường Việt Nam cũng khá nhiều, đặc biệt là khu vực biên giới. Tuy nhiên, cũng giống những chiêu trò bán hàng dược liệu, không ít nhung hươu Trung Quốc được nhập về Việt Nam bán cho các tiệm thuốc Đông y chỉ còn là bã. Một số nơi mua nhung hươu già, sau đó ngâm hóa chất, cắt lát mỏng rồi bán với giá khoảng 800.000 đồng/kg.

Những người trong ngành và các lương y khuyên rằng, để không mua phải nhung hươu giả người tiêu dùng nên cẩn thận khi mua hàng qua mạng, thay vào đó nên tìm đến những nơi sản xuất, kinh doanh uy tín để hạn chế rủi ro. Điều quan trọng không kém là tìm đến những địa chỉ có thể tư vấn sử dụng nhung hươu một cách hợp lý nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối