(SGTTO) - Nếu bạn quan tâm đến lặn biển - một hoạt động ngoài trời (outdoor) dưới nước thì có thể tham khảo những chia sẻ của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ David Doubilet. Ông dành 50 năm qua để ghi hình những sinh vật gây kinh ngạc trong lòng biển.
Qua những chia sẻ của David Doubilet, hiện làm việc cho tạp chí National Geographic, du khách sẽ biết được các điểm lặn biển đẹp nhất; cách làm thế nào để chụp những bức ảnh dưới nước tốt nhất và những tác động thực sự của biến đổi khí hậu đối với các rạn san hô.
David Doubilet trả lời phỏng vấn trang cntraveller.com, cho biết: “Toàn bộ cuộc sống của tôi xoay quanh các rạn san hô. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy chúng khi tôi 12 tuổi, ở vùng biển Caribbean và nó đã thay đổi mọi thứ đối với tôi, nhưng khu vực biển giữa Philippines, Papua New Guinea và Indonesia mới là những nơi tôi yêu thích”.
Cape Kri
Lần lặn đầu tiên của David là ở rạn san hô Cape Kri bao quanh mũi đảo Mansuar, Raja Ampat, Indonesia. “Chúng tôi xuống nước, và tôi nhìn lên mặt nước phía trên, rất nhiều đàn cá tạo ra sự chuyển động lớn. Dọc theo rìa rạn san hô là một rạn san hô khác, và bên dưới là những loài san hô, với những bông hoa nhỏ đủ mọi màu sắc gây ảo giác”, ông nói.
Khung cảnh thật kỳ diệu khi David nhìn ngắm những chú cá làm tổ ở bề mặt hải quỳ, những tấm "màn cửa" lươn biển xen lẫn màu sắc của những rạn san hô tạo nên vẻ kỳ ảo như trong phim Chiến tranh giữa các vì sao.
Vịnh Kimbe
Trong một đợt lặn ở vịnh Kimbe, quốc đảo Papua New Guinea trong bốn ngày, David đã chụp được hai bức hình tuyệt vời. Ông tìm thấy một bãi san hô cạn ngay cạnh một hòn đảo nhỏ, trong làn nước tĩnh lặng được bao quanh bởi những ngọn núi uốn lượn. “Đúng là một thiên đường yên tĩnh. Khi tôi đang bấm máy, có một người cha cùng con trai đến trên một chiếc xuồng và bắt đầu câu cá. Thật là hoàn hảo”, David kể.
Bán đảo Đầu Chim
Cực Tây của hòn đảo lớn New Guinea có một nơi được gọi là bán đảo Đầu Chim với khung cảnh dưới nước giống như một bức tranh trừu tượng của họa sĩ trừu tượng Mỹ Jackson Pollock. Nơi đây có một hệ sinh thái biển vô cùng đa dạng. Jacques Cousteau, nhà thám hiểm dưới đáy biển người Pháp nổi tiếng nhất thế kỷ 20, đã dùng một cụm từ chính xác khi nói về các rạn san hô: những đồng cỏ bằng đá.
Philippines
Ở Philippines, David đã lặn dọc theo các hệ thống rạn san hô, nơi luôn diễn ra sự thay đổi hàng ngày trong lòng đại dương. Những sinh vật phù du, tất cả mọi thứ từ ấu trùng đến bạch tuộc nhỏ, đều đến kiếm ăn vào ban đêm. Nhiếp ảnh gia đặt một chuỗi đèn dài để có thể nhìn thấy chúng, và cũng là để giúp nhóm của ông không bị lạc.
David nhớ lại: “Phải mất một thời gian cho việc tập trung, rồi đột nhiên tôi cảm thấy đang hòa mình vào một thế giới khác, được chứng kiến sự kỳ diệu của những sinh vật kỳ lạ: sứa siêu nhỏ và trứng cá bao quanh chúng tôi”.’
Khi chụp ảnh dưới lòng đại dương, mọi thứ luôn bất ngờ và đó cũng là lý do tại sao các nhiếp ảnh gia lại say mê việc này đến vậy. Khi khởi động một dự án môi trường cách đây không lâu, David phải chụp những loạt ảnh ghi lại những tác động của biến đổi khí hậu.
Lần đó David khám phá hệ thống rạn san hô Tubbataha ở Philippines. Đây là khu bảo tồn biển đầu tiên được UNESCO công nhận là di sản thế giới và du khách chỉ có thể lặn ở đây ba tháng trong năm. Mới đầu, rạn san hô tương đối nông, nhưng khi nhóm của ông tiến ra phía đại dương rộng lớn thì có một sự biến mất đột ngột, không có dấu hiệu gì của san hô nữa.
“Nó làm tôi nhớ đến hình ảnh trái đất được chụp bởi thiếu tá Anders từ cửa sổ của con tàu Apollo 8 - tàu du hành có người lái đầu tiên lên mặt trăng năm 1968. Bạn nhìn thấy trái đất và nhận ra tất cả những gì tồn tại trên trái đất – cũng chính là tất cả những gì con người có. Chúng đều bị hạn chế”, ông nói.
Vai trò của người chụp ảnh đại dương David Doubilet chia sẻ rằng nhiều người gọi ông là nhiếp ảnh gia chụp ảnh động vật, nhưng thực chất ông là nhà báo. Ông đang kể câu chuyện về trái đất. San hô là lục địa thứ tám, và khi các rạn san hô đã xuất hiện cách đây 5.000 năm đang chết dần, con người biết rằng có điều gì đó không đúng đang xảy ra.Vì vậy, David cho biết: “Tôi sẽ trở lại Raja Ampat để tiếp tục làm việc với dự án San hô qua lăng kính thời gian, do tạp chí National Geographic hợp tác hãng đồng hồ Rolex tiến hành. Chúng tôi không còn nhiều thời gian. Tôi cần ghi lại những hình ảnh sôi động dưới lòng đại dương nhanh nhất có thể để truyền cảm hứng cho thế hệ người kể chuyện tiếp theo”.
Thanh Thảo
Theo cntraveller.com