Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Ngộ nhận hàng bình ổn thị trường

Chương trình bình ổn thị trường do TPHCM phát động nhằm giúp cho người tiêu dùng an tâm hơn về mặt giá cả khi đi mua sắm. Thời gian gần đây có thông tin cho rằng giá hàng hóa bình ổn đắt hơn hàng hóa ngoài thị trường; song, cơ quan quản lý giải thích không phải hàng nào cũng nằm trong danh sách bình ổn.

Thông tin phản ánh trường hợp một người tiêu dùng mua chai dầu ăn Simply có dung tích một lít với giá 45.000 đồng tại một siêu thị có tham gia chương trình bình ổn thị trường, nếu cộng thêm tiền gửi xe, giá chai dầu ăn tính ra đắt hơn mua ở ngoài. Một trường hợp khác, một người mua trứng gà ngoài thị trường với giá khoảng 24.000-25.000 đồng/chục, trong khi giá bán trong siêu thị bình ổn khoảng 25.000-27.000 đồng/chục.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về vấn đề này, bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết không phải mặt hàng nào bán trong siêu thị cũng đều là hàng bình ổn thị trường. Và trong trường hợp này, chai dầu ăn trên không nằm trong danh sách các mặt hàng bình ổn.

Hơn nữa, khi so sánh giá giữa hàng bình ổn thị trường với hàng hóa ngoài chương trình, người tiêu dùng nên so sánh sản phẩm cùng chất lượng. Chẳng hạn, mặt hàng trứng gà Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt nên được so sánh với loại trứng gà được kiểm dịch an toàn, xử lý vi sinh, có thương hiệu, chứ không thể so sánh với loại trứng gà không nhãn mác, bán trôi nổi trên thị trường. Đối với các loại sản phẩm khác, đặc biệt là mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng vậy. “Rau VietGap vào siêu thị được kiểm nghiệm không thể đem so với rau chưa kiểm nghiệm”, bà Đào nói thêm.

Hàng bình ổn thị trường tại cửa hàng Satrafoods trên đường Lê Thị Riêng, quận 1, TPHCM. Ảnh: Vũ Yến
Hàng bình ổn thị trường tại cửa hàng Satrafoods trên đường Lê Thị Riêng, quận 1, TPHCM. Ảnh: Vũ Yến

Ghi nhận thực tế cho thấy tại khu vực bán hàng bình ổn thị trường, các cửa hàng như Satrafoods trên đường Lê Thị Riêng (quận 1) và đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), siêu thị Co.opMart (quận 1, quận Bình Thạnh), một số điểm bán hàng bình ổn trên đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận), đường Phạm Viết Chánh (quận Bình Thạnh) và một số điểm bán hàng của Vissan trên đường Phan Chu Trinh (quận 1)... giá các mặt hàng bình ổn đúng với bảng giá bán được phê duyệt bởi Sở Tài chính TPHCM.

Cụ thể, giá gạo trắng thường loại 5% tấm là 10.800 đồng/kg, gạo Jasmine có giá 14.800 đồng/kg, đường RE giá 19.200 đồng/kg, đường RS (La Ngà, Juna, Sóc Trăng) có giá 17.500 đồng/kg. Dầu ăn loại một lít của một số công ty như Công ty cổ phần Công nghệ Sài Gòn, Vinatex Mart đều có giá 29.000 đồng/lít. Thịt heo đùi giá 93.000 đồng/kg, thịt vai và thịt nách giá 87.000 đồng/kg, thịt nạc (dăm, vai, đùi) giá 102.000 đồng/kg và thịt cốt lết giá 95.000 đồng/kg...

Đối với thịt gà ta, Công ty Phạm Tôn bán với giá 87.000 đồng/kg, thịt gà thả vườn của Công ty TNHH San Hà có giá 60.000 đồng/kg, gà công nghiệp nguyên con của hai công ty này giá 46.000 đồng/kg. Trứng gà Vĩnh Thành Đạt, Ba Huân loại 1 có giá 25.000 đồng/chục và trứng vịt của hai thương hiệu này có giá 33.000 đồng/chục.

Ngoài ra, mặt hàng rau, củ, quả và thủy hải sản thường thấp hơn thị trường 5-10%, tùy loại. Còn vào đợt giảm giá, khuyến mãi của siêu thị, giá các mặt hàng này còn được giảm thêm.

Bà Đào cho biết về chất lượng hàng hóa, sở đã có sự rà soát, kiểm tra cụ thể chất lượng hàng hóa của các doanh nghiệp tham gia nhằm đảm bảo hàng hóa đến tay người tiêu dùng là hàng chất lượng, an toàn thực phẩm. Mức giá hàng hóa bình ổn được thực hiện theo cơ chế điều chỉnh linh hoạt, luôn thấp hơn giá thị trường 5-15% tùy mặt hàng.

Trong trường hợp thị trường biến động tăng hoặc giảm giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào làm ảnh hưởng đến cơ cấu giá thành, doanh nghiệp thực hiện đăng ký giá trực tiếp tại Sở Tài chính TPHCM. Sau khi sở này thẩm định và chấp thuận bằng văn bản, doanh nghiệp mới có thể điều chỉnh giá bán tăng hay giảm tương ứng.

Nói về số lượng hàng hóa, yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình, bà Đào cho biết ngay từ đầu chương trình sở đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo nguồn hàng, phát triển điểm bán, chấp hành các quy định và đảm bảo cung cầu thị trường.

Hiện lượng hàng lương thực, thực phẩm tham gia chương trình bình ổn hàng tháng chiếm khoảng 25-30% nhu cầu thị trường, tương ứng khoảng 6.280 tấn lương thực, khoảng 4.395 tấn thịt heo, 5.970 tấn thịt gia cầm và khoảng 27,65 triệu quả trứng.

Nói về khả năng tiểu thương vào các điểm bán hàng bình ổn, gom hàng rồi bán lại cho người tiêu dùng với giá cao, bà Đào cho biết cơ chế điều chỉnh giá của chương trình bình ổn thị trường linh hoạt, hàng hóa phong phú, lượng hàng luôn được cung ứng đầy đủ, giá bán thấp hơn khoảng 5-15% so với thị trường. Do vậy, khó có khả năng tiểu thương gom hàng bình ổn rồi bán giá cao cho người tiêu dùng.

Vũ Yến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối