Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Ngó sen đứt tơ vẫn còn vương…

Nguyễn Vinh -

Dòng sông Sầm Giang phía Bắc hạ lưu Tiền Giang, còn gọi Rạch Gầm. Ngay tên gọi Rạch Gầm đã phảng phất không khí một thời khẩn hoang. Rồi lịch sử khẩn hoang đã kiến tạo nên sắc thái văn hóa của vùng. Dân tuy chuyên nông trang, nhưng từ sớm, là cái nôi phát tích của dòng máu nghệ sĩ, nghệ nhân đờn ca tài tử từ những năm đầu thế kỷ 20.

Bối cảnh văn hóa đó đã sinh ra một nhân tài cho nền nghệ thuật âm nhạc truyền thống dân tộc, một nhà nhạc học độc đáo cho thế giới – GS.TS. Trần Văn Khê.

Những khúc quanh cuộc đời

Khi lật lại tiểu sử GS. Trần Văn Khê, hẳn nhiều người sẽ nhận thấy ông có một tuổi thơ không trọn vẹn. 9 tuổi, mất mẹ; 10 tuổi, mất cha và sau đó thì sống trong sự thương yêu bảo bọc của người cô ruột (nghệ sĩ Ba Viện). Đó là một sang chấn lớn trong cuộc đời của ông. Nhưng điều khiến ông vượt qua tất cả, có lẽ là một không gian đầy ắp tình người và mọi phiền não số phận được hóa giải bằng nghệ thuật, âm nhạc.

Sinh năm 1921, trong một gia đình có bốn đời theo nhạc truyền thống dân tộc. Ông kể trong hồi ký rằng, ngay từ trong bụng mẹ cậu bé Trần Văn Khê đã được thai giáo bằng tiếng sáo, tiếng hòa đờn của người cậu (nghệ sĩ Năm Khương); từ 8 tuổi, đã được dạy đánh đờn cò, 12 tuổi được dạy đánh đờn tranh và 14 tuổi thì chơi được trống nhạc.

GS. Trần Văn Khê ký tặng sách hồi ký của mình.
GS. Trần Văn Khê ký tặng sách hồi ký của mình.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, thì chưa đủ hình thành một tài năng lớn. Ở ông, việc nuôi dưỡng cái tình với dân tộc, sự lạc quan để vượt qua những nghịch cảnh để dấn thân trong việc học tập và lao động sáng tạo, theo đuổi lý tưởng sống là điều phi thường.

Trong những khúc quanh cuộc đời, có lúc “lực ly tâm” của đời sống tưởng đã đẩy ông đi trật khỏi quỹ đạo âm nhạc, thì ngược lại, lúc ấy âm nhạc lại sống mạnh mẽ nhất trong ông. Là học sinh nội trú xuất sắc của trường Trương Vĩnh Ký, ông được chuyển ra Hà Nội học y khoa theo một chương trình học bổng. Vì nhiều lý do, năm 1943 ông phải bỏ dở đại học y để trở về Nam, tham gia hoạt động âm nhạc kháng chiến cùng với người bạn thân, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Ông đi dạy, rồi làm ký giả kiếm sống. Rồi năm 1949, trong một cơ hội sang Pháp trong tư cách phóng viên, ông đã quyết định ở lại để học trường chính trị Paris, khoa Quan hệ quốc tế (tốt nghiệp năm 1951).

Một biến cố lớn khác đưa ông về với “khí quyển” âm nhạc sâu sắc hơn: sau ba năm nằm bệnh nan y mà ông gọi là “bị đẩy ra bên lề cuộc đời”, một lần nữa, nhạc dân tộc nâng ông dậy. Năm 1958, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ âm nhạc, tại Đại học Sorbonne với luận án chính: Âm nhạc truyền thống Việt Nam, trong đó nhấn mạnh âm nhạc tài tử miền Nam và nhạc cung đình Huế, và hai đề tài phụ: Khổng tử và âm nhạc, Vị trí âm nhạc trong xã hội Việt Nam.

Kiếp tằm

Hơn một lần trong hồi ký Trần Văn Khê (2 tập, Phương Nam book & NXB Thời Đại), ông tự nhận mình là “kiếp tằm” của nền âm nhạc dân tộc Việt Nam. Hơn 50 năm giảng dạy và truyền bá âm nhạc dân tộc ở nước ngoài, là giáo sư đại học danh tiếng, là viện sĩ, hiệp sĩ văn hóa… nhưng khi “quy cố hương” trong những lần đầu, ông vẫn chưa được biết đến nhiều. Ông kể có lần đi thu âm ca trù ở phía Bắc để trình lên UNESCO quảng bá di sản văn hóa dân gian âm nhạc Việt Nam, ông còn bị cán bộ an ninh địa phương thu giữ máy móc, bị nghệ nhân danh tiếng Quách Thị Hồ dè chừng, không muốn hát, vì nghĩ “ông này ở tận bên Tây thì biết gì về ca trù”. Nhưng ông đã hóa giải tất cả bằng sự nhiệt tình, thấu hiểu, cảm thông và không để những chuyện nhỏ nhặt ảnh hưởng đến mục tiêu lớn lao hơn: làm sao quảng bá được từng loại hình âm nhạc, văn hóa dân tộc “rộng trên năm châu, sâu trong dân tộc”.

Phía sau những công nhận di sản văn hóa âm nhạc của UNESCO dành cho nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, hát xoan, ca trù, quan họ hay mới đây là đờn ca tài tử… đều có bóng dáng lặng lẽ và sự cống hiến vô tư mà sâu sắc của ông.

Ngay cả khi sức tàn lực kiệt, ông vẫn đến những buổi nói chuyện, những chương trình giao lưu dù ở các giảng đường hay chỉ là một nhóm vài ba người ngồi lại, miễn ở đó ông được truyền đến người khác tình yêu, sự quan trọng trong việc giáo dục âm nhạc cho người Việt biết nhạc cổ truyền hay, đẹp làm sao.

Phục vụ cả khi đã khuất

Từ năm 2006, ông về nước và sống ở ngôi nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh. Ngôi nhà được UBND TPHCM cấp cho ông sống và nghiên cứu trong những năm cuối đời đã trở thành một nhà bảo tàng nhạc cụ và tư liệu âm nhạc, một thư viện, một điểm tổ chức biểu diễn những buổi đờn ca và cũng ở đây, ông truyền lửa cho nhiều môn sinh.

Trong di nguyện, GS. Trần Văn Khê mong muốn tro cốt của mình sẽ được đưa về lưu ở trong ngôi nhà này để hàng ngày có thể nghe tiếng đờn ca của khách tri âm, của bạn bè và các môn sinh. Hàng ngày ông được nở nụ cười hồn hậu khi những mầm ươm của mình đã đơm hoa trổ nụ.

Nhiều người thấy ông quá lý trí trong việc hoạch định cả “đời sống sau khi chết” qua bản di nguyện. Nhưng nếu bình thản và nhìn cách ông “lên kịch bản”, sẽ thấy phía sau đó một cái tình, một sự rạch ròi với thân phận, một hành trình theo đuổi cái đẹp, bản sắc văn hóa mạnh mẽ, bền bĩ, thông thái, một chữ tình đầy thiết tha sâu nặng với con người, cuộc đời này.

Ông viết trong di nguyện: “Về các chi phí để lo tang lễ thì sử dụng tiền mặt của tôi hiện có tại nhà. Nếu thiếu thì Trần Thị Ngọc Thủy – con gái út của tôi – sẽ lấy tiền trong sổ tiết kiệm của tôi tại VN để thanh toán chi phí an táng. Riêng tiền phúng điếu thì ban tang lễ có thể sử dụng số tiền này để lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng Trần Văn Khê để hằng năm phát cho người được giải thưởng nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Việt Nam”. Và: “Những hiện vật dính vào đời sống nghề nghiệp của tôi đem từ Pháp về như: tất cả sách vở, báo chí, phim ảnh, đĩa hát các loại, các nhạc khí, máy ghi hình, ghi âm, máy cassette, máy chuyển tư liệu nghe nhìn, tranh, hình ảnh... giao lại cho ban quản lý nhà lưu niệm giữ...”.

GS. Trần Văn khê đã “phụng sự âm nhạc truyền thống đến hơi thở cuối cùng”, theo cách nói của ông. Và không chỉ đến hơi thở cuối cùng, ngay cả khi mất đi, ông vẫn có cách phụng sự văn hóa dân tộc theo cách riêng của mình, như một câu thơ chữ Hán năm xưa Nguyễn Du đã viết: “Đoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti”, tức, “Thương cho ngó sen đã đứt mà tơ vẫn còn vương”.

Bài trước
Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối