Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Ngồi giữa lòng thành phố vừa ăn phở vừa nghe câu chuyện cách mạng năm xưa

(SGTT) - Xuôi gần cuối đường Lý Chính Thắng (quận 3, TPHCM), có một tiệm phở đã hoạt động cách đây mấy mươi năm. Không gian quán được bố trí như bao quán phở khác, nhưng điểm đặc biệt của quán phở này chính là tấm biển công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia đặt ngay trên bảng hiệu.

Tấm biển công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia là điểm nhấn cho quán phở Bình.

Quán có tên phở Bình và món phở tại đây là món ăn gia truyền của gia đình vợ ông Ngô Toại (chủ tiệm). Năm 1945, khi đang tham gia chiến đấu Nam Định, ông Toại đã đột nhập và phá kho thóc của lính Pháp, sau đó chia lại cho người dân tại Thái Bình. Ông bị quân Pháp truy nã, đến năm 1946, ông trốn vào miền Nam. Từ hai bàn tay trắng, ông bắt đầu lập nghiệp, thu được một số vốn sau đó mở một chòi bán phở nhỏ tại đây.

Phở tại đây có giá từ 60.000 đồng đến 75.000 đồng/tô, trải qua mấy mươi năm, hương vị phở Bình vẫn không có gì thay đổi.

Tiệm phở Bình tọa lạc ngay vị trí trung tâm thành phố, thời chiến, tiệm sát vách với Sở Mỹ (Cơ quan viện trợ của người Mỹ đóng tại Sài Gòn), hằng ngày có nhiều lính Mỹ thường xuyên ra vào quán để ăn uống. Tuy nhiên, tận dụng chiêu thức tâm lý “nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất”, vào năm 1963, tiệm phở Bình đã được chọn làm địa điểm liên lạc, nuôi giấu cán bộ đơn vị F100 thuộc biệt động Sài Gòn. Đây cũng là cơ sở bí mật của Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 6, đồng thời là nơi phát lệnh cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968.

Tầng 1 của quán phở là nơi lưu giữ lại những hình ảnh, hiện vật của các cán bộ chiến sĩ đã từng hoạt động tại căn cứ bí mật này.

Tiệm phở Bình là một ngôi nhà cổ bề ngang khoảng 4-5m, tầng trệt là nơi bán phở, tầng 1 là nơi lưu giữ những hình ảnh, hiện vật lịch sử của các cán bộ chiến sĩ đã từng hoạt động tại căn nhà này. Du khách đến đây ngoài được tham quan miễn phí, còn được lắng nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng được kể từ ông Ngô Văn Lập (64 tuổi, con trai ông Toại), năm ấy là giao liên thư tín, tin tức cho cha và các chiến sĩ biệt động.

Ông Lập đang say sưa kể lại những câu chuyện lịch sử từng diễn ra tại đây.

Kể lại những năm tháng ấy, ông Lập còn bùi ngùi xúc động: “Sáng mùng 3 tết, sau khi đồng chí chính ủy đọc mệnh lệnh rút quân toàn bộ, thì hai đồng chí Mười Tâm và Bảy Thợ May có nhiệm vụ bắn pháo lệnh để những căn cứ khác biết tin. Nhưng không may, pháo lệnh đó bị Mỹ phát hiện, chúng đã cho 2 chiếc trực thăng xuống ngay trước cổng quán. Những người có giấy tờ tùy thân là quan hệ của gia đình bị bắt giữ, còn lại hai đồng chí cách mạng Mười Tâm và Bảy Thợ May đã bị bắn chết ngay tại đây”.

Đây là những lá thư do đồng đội, bạn bè gửi về cho của ông Toại
Sau khi bị bắt giữ, cha của ông Lập (tức ông Ngô Toại) đã bị tuyên án 20 năm khổ sai.

Là một trong những người tận mắt chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, hơn ai hết, ông Lập là người cảm nhận rõ nét nhất sự mất mát trong chiến tranh. Vì vậy, ông luôn mong muốn lưu giữ lại những kỷ vật, hình ảnh của các chiến sĩ hoạt động cách mạng tại đây, để tưởng nhớ về công lao to lớn của các chiến sĩ, đồng thời, truyền lại cho du khách biết về những câu chuyện lịch sử đau thương, hào hùng thời chiến.

Hằng ngày, không có đoàn du lịch thì cũng có khách vãn lai tình cờ ghé ăn phở, mong muốn tìm hiểu những câu chuyện lịch sử, nên ông Lập rất bận rộn. “Tuy bận rộn nhưng tôi cảm thấy rất vui. Ngược lại, hơn một năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách ghé thăm ngày một ít đi, tôi lại cảm thấy trống trải”, ông Lập chia sẻ.

Ông Lập còn xin ý kiến của thành phố phục dựng lại căn nhà này, từ chỗ quán phở, kho lương thực, phòng họp, phòng nấu ăn cho cán bộ chiến sĩ. Còn gia đình của ông Lập sẽ dời qua căn nhà kế bên để sinh sống. Công văn đã được ông gửi cho thành phố và đã được thông qua, hiện tại đang chờ trình lên Chủ tịch nước phê duyệt.

Phùng My

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối