Nguyễn Thế Lượng -
Cải mầm đá, giống rau lạ chỉ có ở vùng cao Lào Cai. Rau cải mầm đá được người dân Sa Pa, Si Ma Cai trồng trên núi cao từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau thì được thu hoạch.
Thời gian sinh trưởng và phát triển của cải mầm đá không nhanh như những giống rau cải thông thường. Phải chăm sóc một cách kỳ công và kiên trì mới có được những cụm rau mang tên mầm đá.
Vẫn màu xanh ấy, vẫn mùi vị thơm thơm, cay cay nhè nhẹ ấy nhưng giống cải này không có lá lòe xòe, không có những bẹ lá mà chỉ có một gốc to từng ngón tay cái rồi từ gốc đó nhú lên những mầm non chừng hơn một gang tay.
Điều kiện để cải mầm đá sinh trưởng và phát triển tốt là khí hậu lạnh, mát mẻ quanh năm chứ không phải phân bón hay điều kiện gì khác. Từ một thân gốc mọc lên khá nhiều mầm cải, những mầm non đó chen chúc nhau tạo nên những cụm rau vừa xanh ngắt, vừa cứng cáp lại vừa non mơn mởn. Vì thế, mỗi gốc cải mầm đá có trọng lượng 1-1,5 kg. Cải mầm đá có vẻ cứng nhưng bên trong thân chứa một lượng nước khá lớn, thân căng mọng và mềm khi chế biến thành món ăn.
Cải mầm đá ăn vừa giòn, vừa ngọt. Giống cải này là một món rau dùng trong bữa ăn hàng ngày hoặc chế biến cùng với những đặc sản ở vùng cao. Cải được rửa sạch, thái lát mỏng để xào với thịt lợn sấy gác bếp hay thái dày miếng luộc nhừ chấm với muối mắc khén.
Người vùng cao thu hoạch cải mầm đá và mang xuống phố thị bán cho người dân vùng thấp. Món rau này khá bắt mắt, hấp dẫn và được thị trường ưa chuộng. Ở chợ phiên, ngõ phố, giữa đường hay nơi ngã ba ven đường, người ta đều có thể dừng lại mua đôi ba cây cải mầm đá về thưởng thức, giá bán 20.000-25.000 đồng/kg.