Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Ngôn ngữ nghệ thuật chuyển mình

Bảo Bình

Trong giai đoạn ảm đạm của thị trường giải trí, các đơn vị nghệ thuật lao vào cuộc cạnh tranh khá gay gắt để tồn tại và tiếp tục phát triển. Nhằm thu hút khán giả, nhiều nhà sản xuất đã kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn khác nhau nhằm tạo nên sự đa dạng và mới mẻ nhằm thu hút khán giả.

Một vở diễn với sự kết hợp độc đáo giữa hai thể loại tưởng chừng rất khác biệt nhưng lại hòa hợp được với nhau đó là Lửa, vừa được công diễn vào đầu tháng này tại TPHCM.

Cuộc chuyển mình

Lửa là dự án được ấp ủ trong tám năm của nghệ sĩ piano Phó An My và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên – vốn đã khẳng định vị trí của mình trong các vở diễn có sự kết hợp giữa âm nhạc cổ điển và âm nhạc truyền thống. Hai nghệ sĩ này đã thành công trong các tác phẩm biểu diễn piano với hò Huế, piano với hát cọi, piano với cồng chiêng Ê-đê, piano với nhạc Chăm và đặc biệt là tác phẩm Bóng – cuộc đối thoại với nghệ thuật chầu văn đã được trình diễn trong ba đêm tại Hà Nội và TPHCM.

Trong tác phẩm Lửa mới vừa ra mắt khán giả, các nghệ sĩ đã sử dụng các loại hình ngôn ngữ nghệ thuật âm nhạc và diễn xướng khác nhau, một bên là dòng âm nhạc hậu hiện đại được thể hiện qua cây đàn piano và bộ gõ giao hưởng, một bên là nghệ thuật diễn xướng tuồng truyền thống nguyên bản với trống chiến, kèn bóp, nhị… Với tiết tấu dồn dập, diễn biến tâm trạng phức tạp, đa dạng, tính cách nhân vật được đẩy mạnh đến cao trào. Và tác phẩm được kỳ vọng là bước đi xa hơn về phương thức tư duy, sáng tạo của cặp đôi Phó An My-Đặng Tuệ Nguyên.

Đưa piano vào tuồng cổ là một sự kết hợp độc đáo của nghệ sĩ Phó An My và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên trong đêm diễn Lửa vào đầu tháng 1 vừa qua tại TPHCM. Ảnh : Hoàng Sơn
Đưa piano vào tuồng cổ là một sự kết hợp độc đáo của nghệ sĩ Phó An My và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên trong đêm diễn Lửa vào đầu tháng 1 vừa qua tại TPHCM. Ảnh : Hoàng Sơn

9969

Phương Trúc, một khán giả trẻ lần đầu tiên thưởng thức loại hình nghệ thuật đặc biệt này, chia sẻ rằng chị cảm thấy choáng ngợp đến “nghẹt thở” bởi tiết tấu dồn dập cùng các cao trào của vở diễn. Từ trước đến nay chị vốn không quan tâm lắm đến bộ môn tuồng cổ, nhưng Lửa đã khiến chị có một cái nhìn yêu thích đối với thể loại này. Theo Phương Trúc, cần có nhiều hơn những vở diễn mang tính nghệ thuật như Lửa để những người trẻ như chị có cơ hội được tiếp xúc, khám phá nghệ thuật truyền thống cũng như hiểu thêm về nghệ thuật hiện đại.

Từ việc ghi nhận những lời phản hồi và góp ý mang tính tích cực từ khán giả cùng giới phê bình nghệ thuật, nghệ sĩ Phó An My cho biết chị cùng nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên sẽ tiếp tục mang đến cho khán giả vào dịp cuối năm 2015 một chương trình tổng kết cuộc hành trình sáng tạo mà hai người đã cùng cộng tác qua gần 10 năm nay.

Khác với Lửa, Câu chuyện Việt Nam thuộc dự án Stanpoint Theories lại mang một sự lôi cuốn khác khi được trình bày như một tiểu thuyết bằng tranh song hành với âm nhạc và nghệ thuật múa theo hình thức tương tác biểu diễn trực tiếp. Đây là chương trình do nghệ sĩ kiêm biên đạo múa người Mỹ Emily Navarra làm đạo diễn.

Xuất phát từ niềm đam mê cá nhân về lịch sử, bà Navarra nói rằng khi có cơ hội nghiên cứu về lịch sử cùng các truyền thuyết của Việt Nam, bà đã nảy sinh ý tưởng về dự án. Tác phẩm đã truyền tải đến khán giả những câu chuyện lịch sử mang hơi thở huyền huyễn của truyền thuyết thông qua hình ảnh đồ họa, múa tương tác, nghệ thuật thị giác và âm nhạc điện tử hòa quyện với âm nhạc truyền thống thông qua giọng hát Lê Cát Trọng Lý.

Hình ảnh, văn hóa Việt Nam được thể hiện trong suốt chương trình bởi chính những người nghệ sĩ nước ngoài đã gắn bó với Việt Nam trong nhiều năm qua như Emily Navarra (nghệ sĩ múa tương tác), David Moses Haimovich, Bryon Ramsey-Leonard Rudd, Daniel Long (nghệ sĩ âm nhạc điện tử), Julien Noyer (nghệ sĩ diễn hoạt cảnh và dựng cảnh)... Trong đó, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý tham gia chương trình với vai trò là người biên soạn giai điệu, lời ca và hát chính với sáu bài Con rồng cháu tiên, Sơn Tinh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Bà Chúa Liễu và Câu chuyện về Bà Chúa Xứ.

Daniel Tooman, một ca sĩ người Anh đang chơi trong một nhóm nhạc tại TPHCM, cho biết loại hình biểu diễn được trình bày pha trộn giữa âm nhạc, múa và hiệu ứng công nghệ 3D đã không còn là điều mới mẻ đối với công chúng hiện nay, đặc biệt là các khán giả người nước ngoài. Tuy nhiên, Câu chuyện Việt Nam lại mang đến những sắc thái mới mẻ cho loại hình biểu diễn này, bằng cách kết hợp với việc kể chuyện bằng tranh điện tử và những nội dung mang tính huyền thoại đã đem đến nét mới lạ và ấn tượng. Nhiều nghệ sĩ trong giới cũng cho rằng sự kết hợp kể trên là một trong những phương cách hữu hiệu giúp khán giả đến gần hơn với nghệ thuật truyền thống.

Những yêu cầu và kỳ vọng mới

Một chương trình nghệ thuật đương đại khác cũng thu hút sự chú ý của khán giả Sài Gòn trong dịp cuối năm 2014 bởi sự kết hợp giữa âm nhạc, vũ đạo và nghệ thuật ẩm thực là Lung linh Sài Gòn. Chương trình được đầu tư với khoản kinh phí lớn, chỉ riêng khâu dàn dựng vở đã lên đến hàng tỉ đồng cùng với sự quy tụ hàng chục ca sĩ, hàng trăm diễn viên múa, diễn viên phụ trong các trích đoạn nhạc kịch cùng đội ngũ ba đạo diễn và ba nhà biên tập.

Nhạc sĩ, đạo diễn chương trình, ông Duy Tân, cho biết trước khi đưa ra vở diễn, ban tổ chức đã đặt ra tiêu chí là tính giải trí cao, kết hợp nhiều bộ môn nghệ thuật nhằm tạo ra những mảng màu văn hóa đa sắc cho người xem thưởng thức. Vị đạo diễn này cho biết với 90 phút của chương trình, người xem vừa thưởng thức ẩm thực vừa xem biểu diễn trên sân khấu. Những không gian nghệ thuật được thay đổi liên tục từ đặc trưng văn hóa Việt sang những không gian văn hóa khác nhau nhằm tạo ra hiệu ứng xúc cảm khác nhau cho khán giả.

Chương trình được chia ra làm hai phần. Trong đó, phần thứ nhất là các tiết mục biểu diễn mang đậm âm hưởng truyền thống dân tộc Việt Nam. Từ tiết mục mở đầu Truyền thuyết Âu Cơ mang đậm phong cách dân gian đến Em đi xem hội trăng rằm mang màu sắc đặc trưng của đồng bằng Bắc bộ, rồi Ai ra xứ Huế đậm chất miền Trung, Hò thẻ mực đưa khán giả đến với vùng duyên hải… Song hành là các tiết mục múa kết hợp biểu diễn thời trang với các trang phục truyền thống được cách điệu như áo tứ thân, áo dài, phục trang các dân tộc vùng cao phía Bắc... Phần hai của chương trình dành cho các khán giả thích khám phá những loại hình nghệ thuật, được ưa chuộng trên thế giới với trích đoạn nhạc kịch Broadway Romeo và Juliet, múa giả trang các nhân vật nổi tiếng như Marilyn Monroe, Charlie Chaplin, múa Hawaii, samba, trình diễn Carnival...

Tuy nhiên, nhiều khán giả của chương trình này lại cho rằng với sự tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong một đêm diễn đã khiến họ có cảm giác bị “bội thực”. Bên cạnh đó là yêu cầu về nội dung chương trình phải được xâu chuỗi, tạo nên sự liền mạch và nhất quán. Chị Thanh Thủy, một khán giả gắn bó với các chương trình nghệ thuật trong và ngoài nước, cho rằng ở góc nhìn của một người xem, chị cần một chương trình tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật phải có tính tương tác cao với công chúng, đưa họ vào câu chuyện tổng thể mà không bị gián đoạn giữa các phân cảnh từ nội dung kịch bản cho đến phần dàn dựng hậu đài. Ví dụ, sân khấu cho dù được thiết kế công phu mà thời gian chuyển cảnh trên sân khấu quá lâu, khâu hóa trang không đạt yêu cầu hay diễn xuất của các diễn viên không đạt thì chương trình cũng không thành công. Một khi khán giả không có “sự kết nối” trong câu chuyện thì mục tiêu mà nhà sản xuất chương trình muốn hướng tới cũng không đạt được. Đó cũng là những điều mà các nhà sản xuất chương trình cần lưu ý đến để hoàn thiện, tạo ra những tác phẩm đạt chất lượng để phục vụ công chúng yêu nghệ thuật.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối