CHÍNH PHONG -
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liên tục khuyến cáo về lượng đường tiêu thụ mỗi ngày của người dân trên thế giới. Mới đây, tổ chức này đã đề xuất tới một loạt quốc gia nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm nước ngọt.
Nguy cơ béo phì
Nước ngọt có gas bên cạnh các thực phẩm chế biến cho thêm đường (added sugar, khác với đường có tự nhiên trong sản phẩm) là nguyên nhân cơ bản dẫn đến dịch béo phì. Theo WHO, 41 triệu trẻ em từ 5 tuổi trở xuống đang béo phì hoặc thừa cân, một nửa trong số này từ châu Á. Đường cho thêm cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tăng bệnh tiểu đường, tim, gan, thận đột biến.
Ở những nước đã phát triển, người dân nhận thức được tác hại của việc lạm dụng đường nên lượng tiêu dùng đường trên đầu người đang giảm. Nhưng ở những nước đông dân đang phát triển các nhà sản xuất nước ngọt có gas đang đẩy mạnh phục vụ những khách hàng mới. Theo hãng tin Bloomberg, Coca Cola dự định đầu tư hơn 10 tỉ đô la Mỹ để phát triển làm ăn chỉ ở riêng Ấn Độ, Trung Quốc và Philippines.
Một số nước châu Á đang tính tới việc tránh khỏi cái bẫy đường, cả Ấn Độ, Indonesia, Philippines đang xem xét đánh thuế bổ sung lên nước ngọt. Kinh nghiệm này thành công tại Mexico, chỉ một năm sau khi đánh thêm thuế lên nước ngọt, mức tiêu thụ ở nước này đã giảm 12%. Các biện pháp khác như hạn chế quảng cáo, cấm bán ở trường học, dán nhãn khuyến cáo về sự nguy hiểm của đường lên sản phẩm chưa được đánh giá đúng mức.
Việt Nam cũng là nước đang phát triển và đông dân như Indonesia, Philippines trong cùng khu vực, tình trạng trẻ em béo phì và thừa cân ở Việt Nam hiện tại ra sao? Trả lời Sài Gòn Tiếp Thị, PGS.TS. Lê Thị Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân và béo phì tại Việt Nam hiện là 4,8% và đang trong tầm kiểm soát tốt. Nghiên cứu của WHO về tình trạng trẻ béo phì ở hơn 100 quốc gia trong hai năm qua cũng xếp Việt Nam ở nhóm thấp nhất.
Nên đánh thuế nước ngọt?
Cách đây khoảng hai năm, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào nước ngọt nhưng không nhận được sự đồng thuận của một số bộ khác. Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tư pháp cho rằng luận cứ đánh thuế chưa thực sự thuyết phục, còn Bộ Công Thương lo tác động tiêu cực tới triển vọng kinh doanh. Dự thảo này bị xếp lại.
Theo báo cáo của các tổ chức Business Monitor International và Vietinbank SC đưa ra vào tháng 9-2015, tổng doanh thu của ngành nước giải khát năm 2014 đạt gần 80.320 tỉ đồng, với lượng tiêu thụ hơn 2,2 tỉ lít. Nước giải khát này bao gồm các loại: nước ép hoa quả, nước tăng lực, trà hương liệu đóng chai, nước ngọt có gas và nước khoáng, trong đó các loại nước chứa đường cho thêm chiếm 90,1%.
Theo báo cáo trên, mỗi người Việt tiêu thụ trung bình 23 lít nước giải khát một năm, trong khi mức trung bình của thế giới là 40 lít. Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho rằng, tiêu thụ đường của người Việt Nam hiện ở mức thấp, chỉ 15 kg mỗi năm, trong khi bình quân trên thế giới là hơn 23 kg. Như vậy, mối lo về đường chưa quá mức để cần thiết có một đạo luật thuế tiêu thụ đặc biệt áp vào nước ngọt thời điểm này?
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC), từng lãnh đạo các công ty nước giải khát như Tribeco, IBC, PepsiCo, nhìn cả hai vế vấn đề, rằng thị trường nước giải khát của Việt Nam vẫn còn là miếng bánh ngon cho các doanh nghiệp khai thác và nước ngọt không có lợi cho sức khỏe. Song ông cho rằng, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành hàng này trong bối cảnh Việt Nam mới hội nhập sâu với quốc tế trong khi mức độ tiêu thụ đường chưa đáng báo động là chưa nên. Theo ông, trước khi áp thuế nên dùng các biện pháp “mềm” hơn như hạn chế quảng cáo, hạn chế bán ở trường học…
Đợi nước đến đâu mới nhảy?
Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2015 của Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát (VBA) phát hành vào đầu năm 2016 cho thấy, đến nay cả nước có khoảng 1.833 cơ sở sản xuất nước giải khát các loại với sản lượng sản xuất năm 2015 đạt khoảng 4,8 tỉ lít. Con số này cao gấp đôi so với số liệu lượng tiêu thụ của năm 2014 mà Business Monitor International và Vietinbank SC đưa ra. Nếu số liệu của VBA chính xác thì mỗi người Việt đã tiêu thụ 48 lít nước ngọt năm 2015.
Báo cáo của Business Monitor International và Vietinbank SC chỉ ra thị phần theo doanh thu của sản phẩm nước khoáng ngày càng thu hẹp, giảm từ hơn 40% (2013) xuống chỉ còn 5,4% (2014). Nước ép hoa quả, nước tăng lực, ngược lại, tăng trưởng rất mạnh, khoảng 8-9 lần chỉ trong một năm.
Đây là một điều khá đáng ngại vì nước ép hoa quả và nước tăng lực cũng chứa nhiều đường. Rõ ràng, người Việt ngày càng hảo ngọt. Theo kỹ sư thực phẩm Vũ Thế Thành, người từng làm cố vấn cho nhiều công ty thực phẩm, việc WHO kêu gọi mọi người tiêu thụ lượng đường mỗi ngày chỉ nên dưới 10% mức calo trong khẩu phần là dựa trên nhiều nghiên cứu khoa học xác đáng, và mức đó còn là “khoan dung”, một số thành viên của WHO còn muốn kêu gọi mức 5%. Theo WHO, mỗi ngày chỉ nên ăn dưới 50 g đường.
Vấn đề là lượng đường trong nước ngọt rất lớn. ông Thành cho biết, một lon nước ngọt có gas (330 ml) chứa gần 40 g đường, một lon nước tăng lực (250 ml) chứa 30 g đường, chai nước cam ép (250 ml) chứa tới 21 g đường. Như vậy mỗi ngày uống một lon nước ngọt là gần hết “hạn ngạch” về đường trong ngày.
Ông Thành nhận xét, về mặt dinh dưỡng, đường là loại “củi” rẻ tiền nhất cung cấp năng lượng, đường tiếp năng lượng lập tức, chứ không mất cả mấy giờ đồng hồ như cơm gạo thế nên không chỉ trẻ em, tuổi teen mà cả người lớn mê nước ngọt và nước tăng lực. Ví dụ, các bác tài chạy xe đường dài làm việc căng thẳng, cường độ tập trung cao khiến mệt đầu mỏi cái tay nên luôn cần đồ ngọt cấp nhanh năng lượng. Công thức bán nước chạy của nhiều hãng vẫn là đường và caffeine. Ông Thành cho biết, một số hãng cũng ra các dòng sản phẩm “diet” (kiêng) dùng đường hóa học nhưng loại này không đạm nên mùi vị không được ưa thích.
“Trên thế giới, các hãng nước ngọt luôn bào chữa rằng, áp thuế đặc biệt vào nước ngọt chưa chắc giảm tỷ lệ béo phì và các bệnh liên quan tới đường, bởi thay vì nước ngọt, người tiêu dùng sẽ dùng nhiều đồ ngọt khác như kem, bánh. Tôi cho rằng đó là ngụy biện vì đường trong nước ngọt bao giờ cũng lớn hàng đầu, WHO luôn nhắc đến nước ngọt trong các khuyến cáo của họ”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, nhìn chung phải có chính sách cắt giảm được món nào không hay càng tốt, mất kiểm soát trong việc này sẽ dẫn đến chi phí y tế của cả nước sau này tăng cao. “Lấy ví dụ về chuyện mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy, có người nói dù bắt buộc đội mũ bảo hiểm, vẫn có tai nạn xảy ra đó thôi. Nhưng từ khi ra luật phải đội mũ bảo hiểm, tai nạn rõ ràng giảm đi rất nhiều đấy chứ”, ông Thành nói.