Mạnh Tùng
Luật Nhà ở sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, đã nới rộng cánh cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường gần như chưa có phản ứng gì với thông tin này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tỏ ra khá thờ ơ trong việc chuẩn bị đón chào luồng khách mới.
Vui nhưng chưa vội
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, nhiều doanh nghiệp địa ốc cho biết họ thấy vui khi đón nhận thông tin nới rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Chỉ có điều, chưa ai trong số họ chuẩn bị gì để đón nguồn khách mới này. Nói như ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thế Kỷ (Cengroup), thực ra phân khúc thị trường nhà ở dành cho người nước ngoài tại Việt Nam không lớn.
Theo ông Hưng, những người nước ngoài có nhu cầu mua nhà tại Việt Nam hoặc là những người có vợ hoặc chồng là người Việt, hoặc là người có kế hoạch làm việc tại Việt Nam lâu dài, do vậy nhóm khách hàng tiềm năng cũng nhỏ. Còn những người muốn mua nhà để đầu tư cũng sẽ chẳng bao nhiêu, bởi bên cạnh địa ốc còn có các lĩnh vực khác dễ sinh lời hơn.
Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sàn giao dịch bất động sản Hưng Thịnh, cũng cùng nhận định, cho rằng việc nới rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà là tín hiệu tốt đối với thị trường địa ốc. Tuy nhiên, lúc này mọi thứ còn quá mới nên công ty chưa chuẩn bị gì cho nhóm khách hàng này. Hơn nữa, so với nguồn khách hàng trong nước, nhóm khách nước ngoài không nhiều.
Rảo qua một số sàn giao dịch bất động sản phân phối nhà ở, từ phân khúc cao cấp đến trung bình, thấy các đơn vị này vẫn chưa có động thái nào rõ rệt trước thông tin trên. Nhân viên kinh doanh một sàn giao dịch lớn ở quận 7 cho biết phần lớn người mua hiện nay là khách trong nước chứ không phải người nước ngoài. “Tất nhiên chúng tôi vẫn tìm kiếm khách ngoại vì đó là nhiệm vụ của nhân viên kinh doanh, nhưng sẽ không quá tập trung cho việc này”, anh nhân viên kinh doanh này cho biết.
Tuy nhiên, thị trường vẫn ghi nhận một số doanh nghiệp nhanh nhạy khai thác thông tin trên vào dự án của mình. Chẳng hạn, Công ty TNHH Hòa Bình ở Hà Nội, ngày 29-11 vừa qua, đã mở bán căn hộ dự án Hòa Bình Green City sớm hơn một tuần so với dự kiến. Chủ đầu tư cho biết sẽ bán 250 căn trong đợt một với giá 2,6 tỉ đồng/căn, còn 250 căn còn lại sẽ bán vào các đợt tiếp theo với dự định sẽ tăng giá 10-30%. Nói về kế hoạch tăng giá, chủ đầu tư tỏ ra tự tin, cho rằng nguồn cung căn hộ nội thành Hà Nội đang hiếm trong khi nhu cầu lại cao, nhất là khi luật đã thoáng hơn với đối tượng mua nhà là người nước ngoài.
Bà Hồ Thị Minh Thảo, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền, cho rằng luật đã được thông qua, nhưng phải đến 1-7 năm sau mới có hiệu lực, và sau đó phải mất thêm nửa năm để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn liên quan. Do vậy cũng phải mất vài tháng để thị trường bộc lộ sự biến chuyển theo luật mới.
Chờ luật rõ ràng hơn
Trong lúc người bán là các doanh nghiệp địa ốc còn thăm dò, chờ hướng dẫn luật rõ ràng hơn thì những người mua là người nước ngoài vẫn còn băn khoăn nhiều về thủ tục mua nhà. Ông Barry Brader, 30 tuổi, đến từ nước Anh, hiện đang công tác tại Công ty Saphire (TPHCM), cho biết anh đã sống ở Việt Nam hai năm trong một căn hộ có giá thuê là 900 đô la Mỹ (khoảng 19 triệu đồng)/tháng. Khi nghe thông tin luật sửa đổi đã thoáng hơn cho người nước ngoài mua nhà, anh sẽ tìm mua một căn nhà nếu thủ tục không quá nhiêu khê, và dĩ nhiên với điều kiện tài chính cho phép.
Barry cho biết ông muốn mua một căn hộ chung cư cao cấp tại quận 2 hay quận 7, nơi giao thông thuận tiện và phù hợp với người nước ngoài. Song, ông vẫn cảm thấy băn khoăn là liệu có thể tiếp cận với các gói cho vay của ngân hàng để mua nhà, hay vẫn phải trả bằng tiền mặt. Ngoài ra, quy định người nước ngoài chỉ được sở hữu trong 50 năm, cộng với các thủ tục giấy tờ liên quan khiến Barry không biết phải bắt đầu từ đâu.
Maria Bedoya Dolores Grandes, người Tây Ban Nha, hiện đang là giảng viên bộ môn Ngữ văn Tây Ban Nha tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, cho biết bà đang thuê nhà ở quận 3, muốn gắn bó công việc lâu dài tại Việt Nam, nhưng chưa có ý định mua nhà. "Ngoài chuyện chưa hiểu rõ luật mới, tôi cũng chưa đủ tiền để mua nhà vì giá nhà hiện nay không hề rẻ. Vị giảng viên 34 tuổi này cũng ái ngại khi nhiều dự án nhà ở hiện nay bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, ô nhiễm không khí cũng như kẹt xe.
Cùng suy nghĩ như chị Maria, ông Kenji Murakami, một giáo viên người Nhật, hiện đang sống ở quận Bình Thạnh cho biết giá nhà ở Việt Nam quá cao. "Không phải người nước ngoài nào cũng rủng rỉnh tiền để mua nhà cao cấp vì họ đang làm việc ở Việt Nam, và mức thu nhập của họ cũng trung bình như nhiều người dân bản địa", ông nói.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Sơn Tùng, Giám đốc Công ty Luật Legal United Law, đề xuất nên tăng thời hạn thị thực và quyền lưu trú cho người nước ngoài ít nhất là 3-6 tháng thay vì chỉ là 30 ngày như hiện nay (đối với một số người nước ngoài không phải là công dân của các quốc gia theo hiệp định miễn thị thực với Việt Nam).
Theo ông Tùng, thời hạn 30 ngày sẽ không đủ để người nước ngoài làm thủ tục sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Ngoài ra, các thông tư hướng dẫn Luật Nhà ở sửa đổi cần quy định chặt chẽ về phương thức thanh toán cũng như việc chứng minh nguồn tiền hợp pháp để đề phòng khả năng rửa tiền của những đối tượng xấu. Vị luật sư này cho rằng, nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016 mới hy vọng có thể thấy được việc người nước ngoài dễ dàng mua nhà tại Việt Nam trở thành hiện thực.