Bác sĩ dinh dưỡng có vai trò thầm lặng mà quan trọng đến việc chăm sóc, hồi phục sức khỏe của bệnh nhân.
Nếu không có chế độ dinh dưỡng hợp lý, quá trình chăm sóc bệnh nhân phục hồi sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do có thể xuất hiện những biến chứng sau phẫu thuật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện vẫn thiếu nhân lực bác sĩ được đào tạo chính quy về dinh dưỡng và cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và hỗ trợ xây dựng chế độ dinh dưỡng còn nghèo nàn.
Phía hậu trường không nhiều hào quang
Thông thường, bác sĩ chuyên khoa Dinh dưỡng đóng vai trò là một bác sĩ hậu cần, tham gia đóng góp vào việc hồi phục sức khỏe của bệnh nhân. Nhiều bác sĩ dĩnh dưỡng thổ lộ, thực tế làm việc không bệnh nhân nào biết tới mình. Bệnh nhân nhập viện điều trị hầu như chỉ biết đến bác sĩ – người thường xuyên khám bệnh và ra y lệnh, điều dưỡng viên trực tiếp chăm sóc mỗi ngày và nhân viên vệ sinh phòng bệnh.
Tuy nhiên, mỗi ngày bệnh nhân có khi chỉ uống hoặc tiêm thuốc hai lần nhưng ăn thì ít nhất là ba bữa. Nếu là bệnh nhân nặng, cần dùng thuốc 2-3 giờ một lần thì việc ăn uống cũng phải tương ứng như thế. Không chỉ ăn theo cách thông thường, nhiều bệnh nhân còn ăn qua ống thông và ‘ăn’ qua đường truyền tĩnh mạch...
Những người bệnh này ít biết tới những người bác sĩ cần mẫn làm việc mỗi ngày để giúp họ đủ dinh dưỡng cần thiết trong mọi trường hợp, chóng khỏi bệnh và nhanh phục hồi sức khỏe.
Những ngày lễ, tết, ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) các bác sĩ điều trị, điều dưỡng viên chăm sóc trực tiếp đều được bệnh nhân đến hỏi han, chúc mừng rộn rã. Trong khi đó, khoa dinh dưỡng - tiết chế vẫn thầm lặng, miệt mài chế biến với từng phần ăn cho bệnh nhân dù không được ai nhớ đến.
Vai trò quan trọng
Mặc dù nguồn nhân lực vẫn còn thiếu, môi trường làm việc vẫn còn chật hẹp dưới áp lực cung cấp các suất ăn thông thường cũng như đặc biệt, các khoa dinh dưỡng của các bệnh viện vẫn là mắt xích hết sức quan trọng.
Một bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng đang làm việc tại bệnh viện Ung bướu TPHCM chia sẻ, có tới 30% bệnh nhân ung thư chết vì suy kiệt và tử vong trong quá trình chiến đấu với căn bệnh ung thư, do sai lầm ăn không đủ dinh dưỡng, ăn kém, ăn sai.
Để giảm tỷ lệ bệnh nhân bị suy kiệt trong quá trình điều trị ung thư cần phải có sự tư vấn về dinh dưỡng từ chuyên gia dinh dưỡng để bệnh nhân nâng cao thể trạng. Tuy nhiên, hiện nay trường hợp phổ biến thường là bác sĩ điều trị bệnh nhân theo phác đồ. Rất hiếm khi thấy có bác sĩ dinh dưỡng đi kèm để kiến nghị đưa ra lời khuyên ăn như thế nào cho đúng và biện pháp nào phù hợp với bệnh nhân. Bên cạnh đó, tình trạng điều trị kém hiệu quả do thiếu bác sĩ dinh dưỡng đi theo tư vấn nên bác sĩ điều trị hiện nay bị nhiều người không hiểu “đổ tội” cho phác đồ điều trị.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, năm 2016 tại TPHCM, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở người bệnh khi nhập viện là 34.1%. Đây là một con số đáng báo động bởi vì không những gây khó cho khâu điều trị, suy dinh dưỡng còn dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe ngay cả khi bệnh nhân khỏi bệnh.
Thiếu bác sĩ dinh dưỡng
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có 1.224 bệnh viện, thì vẫn có 450 bệnh viện chưa thực hiện thiết lập hệ thống tổ chức để thực hiện công tác dinh dưỡng và tiết chế trong bệnh viện.
PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, công tác dinh dưỡng trong các bệnh viện chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân là do thiếu nhân lực được đào tạo chính quy về dinh dưỡng. Một số bệnh viện chưa thật sự quan tâm đến công tác dinh dưỡng mà chỉ cố gắng để đối phó khi được kiểm tra.
Theo kết quả điều tra tại các tỉnh thành cho thấy, hơn 3/5 số khoa Dinh dưỡng tại các bệnh viện không có cán bộ có trình độ đại học. Hơn 1/4 khoa Dinh dưỡng không có cán bộ trung cấp. 74,5% cán bộ không được đào tạo về chuyên ngành dinh dưỡng, số được đào tạo về dinh dưỡng chỉ chiếm 25,5% với hình thức tập huấn ngắn hạn không chính quy.
Nếu tính theo tỷ lệ cán bộ dinh dưỡng cần có là 2 người/100.000 dân như của Malaysia thì Việt Nam cần phải có thêm 2.000 cán bộ dinh dưỡng. Để có số lượng cử nhân dinh dưỡng tiết chế đạt 1 cử nhân/100 giường bệnh như của Nhật Bản thì Việt Nam cần có 2.250 cán bộ dinh dưỡng tiết chế đạt trình độ cử nhân. Đó là chưa tính đến việc thiếu cán bộ dinh dưỡng ở cộng đồng, trong mảng dịch vụ thực phẩm, học đường…
Trong khi đó, hiện nay mới có bốn trường đại học đủ điều kiện để tuyển sinh cử nhân chuyên ngành điều dưỡng. Năm 2013, Trường ĐH Y Hà Nội là trường đầu tiên xây dựng thành công ngành đào tạo cử nhân dinh dưỡng với 187 sinh viên tham gia học ngành cử nhân dinh dưỡng. Đến nay, khóa đầu tiên tốt nghiệp mới chỉ có 43 cử nhân ngành Dinh dưỡng. Con số này quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế của nguồn nhân lực ngành.
Trước thực trạng hiện nay nguồn nhân lực được đào tạo chuyên môn về dinh dưỡng còn hạn chế, trong khi nhu cầu cao, ông Lương Ngọc Khuê cho rằng, Bộ Y tế cần mở rộng đào tạo cán bộ dinh dưỡng tại các trường đại học, cao đẳng y tế. Đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát để nâng cao chất lượng hoạt động dinh dưỡng bệnh viện trong thời gian tới.
Bình An