(SGTT) - Nếu đã quen nghe với việc ai đó thích chinh phục một đỉnh núi cao, một ngôi vị hay một giải thưởng cụ thể, hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi có người nói rằng họ đang dốc hết lòng để đi chinh phục... các nước màu tự nhiên.
Dấn thân vào con đường khởi nghiệp ở tuổi 36, hơi muộn so với nhiều người, nhưng chị Huỳnh Thị Kim Ngân nói có đi qua mới cảm nhận hết đầy đủ cảm xúc vui, buồn, thành công lẫn thất bại mà cuộc sống bình lặng trước đó chưa hề trải qua. “Nhưng mà, với tôi, chỉ cần tối về ngủ ngon, sáng dậy được làm công việc mình yêu thích là đủ rồi”, người phụ nữ miền Tây có nụ cười dễ mến này nói.
Bán đất… để làm màu
Thích làm những công việc có liên quan đến sự tỉ mỉ, công phu và thành phẩm ra đời phải đẹp mắt, chị Kim Ngân chọn học ngành Kỹ thuật nữ công gia chánh và tiếp tục học lên cao học ngành Giáo dục học tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Tốt nghiệp năm 2001, chị trở về quê nhà và công tác tại Trường Đại học Trà Vinh. Làm giảng viên bộ môn Nữ công tại trường được bảy năm, chị được chuyển sang làm công tác hành chánh văn phòng của trường do bộ môn chị dạy ngày càng ít người theo học.
Gần mười năm làm chánh văn phòng khoa, chị cùng các bạn sinh viên mở một tiệm bánh nhỏ để “làm thêm cho đỡ nhớ việc chuyên môn” sau giờ làm. Và khoảnh khắc chị phát hiện ra màu tự nhiên có thể giúp những chiếc bánh dân gian bắt mắt không hề thua kém màu hóa học, lại tốt cho sức khỏe người dùng, cũng chính là lúc chị biết mình sẽ làm gì.
“Đứng trước lựa chọn là tiếp tục nghiên cứu màu tự nhiên hay dừng lại để làm tốt công việc ở trường, tôi đã chọn việc nghiên cứu”.
Với ý tưởng thay màu hóa học bằng màu tự nhiên trong chế biến thực phẩm để mang đến cho các gia đình món ăn sạch và xanh, chị Kim Ngân chọn mô hình “từ cánh đồng đến bàn ăn” để hiện thực hóa mong muốn đó. Chị bắt đầu với việc trồng hoa đậu biếc – loại hoa mà thị trường lúc đó chưa có sẵn – sau đó đem hoa đi phơi, sấy để bán hoa khô và làm màu tự nhiên… Kế hoạch là vậy, nhưng thử thách đặt ra với chị là tìm vốn ở đâu?
Chị cho biết, đến giờ, chị vẫn còn nhớ tiếng thở dài của mẹ chị lúc ấy, “khi có đứa con gái cho ăn học tới nơi tới chốn mà giờ nghỉ việc ở nhà trường như vậy…”. May mắn, chị nhận được sự ủng hộ hết lòng của ông xã và thế là chị mạnh dạn: Làm!
“Lúc đó, cái gì có thể đổi ra tiền là tôi đổi hết. Từ bán đất, đem giấy tờ nhà đi vay ngân hàng… Cầm cố tất cả cộng lại được khoảng 150 triệu đồng, tôi cùng vài người bạn góp vốn, có được một cái máy sấy hoa để bắt tay vào làm”, chị Kim Ngân nhớ lại.
Càng cực lại càng… khỏe
Tự nhận mình dấn thân vào khởi nghiệp trong khi bản thân cũng chưa hiểu gì về khởi nghiệp, thế nên mới có việc, trong bốn năm thử nghiệm màu tự nhiên trên bánh dân gian, chị đã làm rồi phải ngưng… “đến thời điểm này là “dẹp tiệm” đến bảy lần rồi”, chị cười nói.
Chị cho biết lý do phải “dẹp tiệm” tới tận bảy lần là vì bỏ vốn ra làm mà không tính được bài toán kinh doanh nên phải nhiều lần tạm dừng. Sau đó, những người bạn cùng góp vốn không còn chung chí hướng nên lần lượt tách ra làm riêng. “Tôi thật sự lao đao vì khởi nghiệp trong suốt một năm trời. Mà lỡ đam mê rồi thì đâu có bỏ được”, chị Kim Ngân cười hiền.
Để cho ra đời một sắc màu tự nhiên như ý thường mất khá nhiều thời gian nghiên cứu. Bất kỳ nước màu nào chị cũng phải thử, thất bại thì thử lần hai, lần ba… cho đến khi nào thấy ưng ý mới thôi. Lần đầu tiên thử màu thành công màu xanh dương từ hoa đậu biếc, chị mừng vui không dấu nỗi, cười mãi suốt ngày như người đang yêu. Cũng có không ít lần đành phải chịu thua với những “ca khó” như màu cho bánh tráng mỏng phơi khô dù ban đầu bánh tươi lên màu rất đẹp. “Xem như là thất bại rồi đó! Mà tôi không thấy buồn vì đã dám thử để hiểu ra rằng màu đó không hợp với nguyên liệu đó, thế thôi!”, chị hóm hỉnh nói.
Khoe tấm ảnh chụp cách đây hai năm với làn da trắng hồng, khác hẳn với nước da rám nắng hôm nay, chị cho biết, phụ nữ khởi nghiệp thường vất vả. Thế nhưng, “càng say mê nghề tôi lại càng mạnh mẽ và gần như đã bỏ quên căn bệnh thấp khớp dai dẳng khiến tôi một tháng đau nhức hết 15 ngày như trước đây”, chị cười nói.
“Nhiều người hỏi tôi sao liều mạng vậy? Tôi trả lời là vì tôi tin vào những lợi ích mà màu tự nhiên mang đến cho sức khỏe con người. Bản thân tôi đang góp chút gì đó – chí ít là tôi rất tự hào khi mình đã dám khơi mào cho một mảng nghiên cứu mới hướng đến tự nhiên, tới sự an toàn thực phẩm để biết đâu chừng người đi sau sẽ tiếp tục phát triển màu tự nhiên trong tương lai”.
Cần người chung tay
Làm màu tự nhiên liên quan đến thực phẩm, tác động trực tiếp đến sức khỏe người dùng, chị tâm niệm sẽ không thêm một giọt màu hóa học hay chất bảo quản nào vào sản phẩm: “Tôi muốn nước màu của mình phải thuần tự nhiên và an toàn cho người dùng”.
Đến thời điểm này, chị Kim Ngân tự hào đã thử qua 10 loại màu tự nhiên trên hơn 20 sản phẩm từ dễ đến khó khác nhau, khó nhất là ứng dụng màu tự nhiên trên bánh kem chị cũng đã chinh phục thành công.
Trong đó, các màu cơ bản chị đang bán ra thị trường gồm màu tím của lá cẩm, màu vàng của hạt dành dành, màu hồng từ trái thanh long đỏ, màu cam của trái gấc, màu xanh của lá dứa và màu xanh dương của hoa đậu biếc. “Các màu khác chưa đủ độ đậm đặc như mong muốn nên tôi đang quyết tâm chinh phục làm sao để đẹp hơn nữa mới cho ra thị trường”, chị nói.
Nói về hướng đi dài lâu trong tương lai, chị Kim Ngân cho biết, chắc chắn sản phẩm của chị sẽ không có mặt ở các tiệm tạp hóa, không bán trôi nổi trên thị trường bởi sản phẩm không có chất bảo quản nên hạn sử dụng ngắn. Giá cả sản phẩm mà chị đưa ra cũng bình dân nhất có thể, vì “nếu dùng màu tự nhiên mà đắt quá thì người ta sẽ chọn màu hóa học. Và địa phương mình là vùng nguyên liệu màu mà phải dùng màu hóa học thì vô lý lắm”.
Khởi nghiệp không bao giờ là con đường bằng phẳng. Với chị Kim Ngân, vấn đề khó của người khởi nghiệp như chị không nằm ở sản phẩm hay thị trường mà là ở con người. Chị bày tỏ: “Tôi luôn mong muốn tìm được những người có cùng chung chí hướng, có tâm với công việc để cùng tôi phát triển việc nghiên cứu và ứng dụng màu tự nhiên trong thực phẩm”. Chị cho biết, bất cứ ai làm sản phẩm cần màu tự nhiên, có tâm làm việc nghiêm túc, chị sẵn sàng tới tận nơi gõ cửa, cùng hợp tác chinh phục thế giới màu tự nhiên thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe con người – một thị trường tiềm năng mà chưa có nhiều người khai phá.
Kiến Văn
Video: Ngô Kiếm