Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Người ‘đi tìm âm thanh’ để giữ lửa cho nghề đúc đồng hơn 400 năm tuổi

(SGTT) - Hơn 50 năm làm nghề đúc đồng của ông cha truyền lại, anh Dương Quốc Thuần (thôn Phước Kiều, xã Điện Phương, TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) luôn tìm tòi các loại chất liệu hợp kim để hòa lại cùng nhau, cần mẫn chế tạo ra những loại nhạc cụ lạ lẫm khiến giới mộ điệu âm nhạc ngỡ ngàng.

Hành trình 'đi tìm âm thanh'

Sinh ra trong gia đình truyền thống bao đời làm nghề đúc đồng ở thôn Phước Kiều, xã Điện Phương, TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, anh Dương Quốc Thuần nay không chỉ là người thợ điêu luyện về nghề đúc đồng của làng, mà anh còn là người đưa “tiếng đồng” thương hiệu của làng nghề truyền thống 400 năm quê mình ra với thế giới.

Anh Dương Quốc Thuần đang thẩm âm cho chiêng vừa đúc. Ảnh: Minh Hải

Ở tuổi 61, có tuổi nghề hơn 45 năm, anh Thuần vào học nghề từ cha lúc 15 tuổi, với sự sáng tạo của mình, 10 năm sau anh trở thành người thợ lành nghề. Nhưng chưa bằng lòng, anh lang thang khắp vùng Tây Nguyên, sang Lào, rồi sang tận Miến Điện để trau dồi kỹ năng.

“Những ngày rong ruổi, tôi lần mò đi tìm âm thanh từ các loại cồng chiêng Tây Nguyên đến Lào và Miến Điện rồi phát hiện ra thứ âm thanh đặc biệt, hay đến mê hồn”, anh Thuần tâm sự.

Người giữ nghề cho làng

Nói về nghề đúc đồng và thẩm âm ở Phước Kiều thì rất nhiều. Nhưng người am hiểu được nguyên bản của các loại cồng chiêng thì rất hiếm, bởi những bậc tiền bối của làng đa số đã qua đời, những người còn lại tuổi đã cao. Phải nói, đến nay chỉ còn lại anh Dương Quốc Thuần.

Anh Dương Quốc Thuần đang cảm âm trống trời. Ảnh: Minh Hải

“Cồng chiêng là loại nhạc cụ của các đồng bào có lâu đời nhất, nhưng mỗi dân tộc có từng bộ cồng chiêng khác nhau hoàn toàn, kể cả cách trình diễn. Khi chúng ta nghe thì âm thanh vậy, nếu nghe và phân định rõ thì tiết tấu, âm điệu khác nhau tùy theo từng dân tộc và mỗi bộ cồng chiêng cũng khác nhau”, anh Dương Quốc Thuần nói.

“Anh Thuần là người hiểu từng tiết tấu, âm ngân từng cái chiêng, từng dòng chiềng của các dân tộc anh em. Anh có đôi tai cảm âm rất chuẩn, vì thế các bộ cồng chiêng từ Tây nguyên đến các vùng miền đều do tay anh đúc. Anh còn là người duy nhất của làng còn biết chỉnh sửa được các loại cồng chiêng cổ”, Zơ Râm Đhông, người buôn bán chiêng nổi tiếng từ Tây Nguyên sang tận Lào tại thị trấn Prao (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) nhận xét.

Người lấy đồng truyền âm

Mới nhìn lò lửa màu xanh đang cháy ta cứ tưởng chỉ cần lấy đồng nấu là đúc thành những bộ cồng chiêng, nhưng thực tế không phải vậy.

Đổ đồng thành trống. Ảnh: Minh Hải

“Muốn có được bộ cồng chiêng theo từng dân tộc đòi hỏi khâu pha chế và nấu kim loại rất quan trọng. Chỉ riêng phần đồng đã có đến ba loại, chưa nói đến các kim loại khác. Chưa kể đến từng cái chiêng lớn nhỏ khác nhau. Nếu không am hiểu quy trình pha chế thì xem như bỏ. Bởi công thức này thuộc loại bí quyết gia truyền. Nhờ công thức nên mới cho ra từng chiếc chiêng vang, ngân, thanh, trầm... rõ và xa”, chị Ngô Thị Hết, vợ anh Thuần, người đảm nhiệm khâu pha chế và nấu lò cho biết.

Từ đam mê âm thanh phát ra từ kim loại, cách đây bảy năm, Dương Quốc Thuần sản xuất thành công trống Hang Drum và Tongue Drum, gọi là (trống trời) một loại trống xuất phát nguồn gốc từ Thụy Sĩ, nay được anh kết hợp những mãnh bom đạn còn sót lại trong chiến tranh.

Nấu những vỏ đạn để đúc trống trời. Ảnh: Minh Hải

“Trống trời là vì nó từ những quả bom từ trên trời rơi xuống. Mình muốn lấy các mảnh của nó tạo ra âm thanh, tiếng nhạc, mong rằng những âm thanh đó chữa lành vết thương chiến tranh”, anh Thuần thổ lộ.

Sau khi sản xuất và xuất khẩu trống Hang Drum và Tongue Drum ra nước ngoài, tên tuổi của Dương Quốc Thuần được nhiều người yêu nhạc trên thế giới biết đến.

“Nhiều nước Châu Á mình cũng có truyền thống chơi cồng chiêng, trong đó có Hàn Quốc. Sau khi họ tìm đến đặt tôi đúc bộ chiêng 300 chiếc. Họ nói đã đi rất nhiều nước như Trung Quốc, Miến Điện… khảo sát nhưng không hài lòng. Họ quyết định đặt tôi làm”, anh Thuần nói.

Để tiện giao dịch với khách hàng trong và ngoài nước, Dương Quốc Thuần quyết định đặt tên cơ sở đúc đồng của mình “Tiếng Đồng”. Và đến nay Tiếng Đồng là cơ sở duy nhất tại làng đúc đồng Phước Kiều xuất khẩu các loại nhạc cụ sản xuất từ kim loại ra thế giới.

Minh Hải

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối