TÂM AN -
Thuế nhập khẩu xăng dầu thành phẩm từ các thị trường Đông Nam Á và Hàn Quốc liên tục giảm trong thời gian qua. Vậy nhưng người tiêu dùng Việt Nam lại không được hưởng lợi.
Theo quy định tại Thông tư 39/2014/TT-BCT-BTC hướng dẫn Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, cách tính giá cơ sở (hình thành bởi giá nhập khẩu bình quân 15 ngày, thuế, phí… làm cơ sở để áp giá bán lẻ trong nước) được xác định bằng giá CIF (+) thuế nhập khẩu (+) thuế tiêu thụ đặc biệt} nhân (x) tỷ giá ngoại tệ (+) thuế giá trị gia tăng (+) chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ Bình ổn giá (+) lợi nhuận định mức (+) thuế bảo vệ môi trường (+) các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Yếu tố thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác chỉ được nói ngắn gọn là “theo quy định của pháp luật”.
Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu định kỳ 15 ngày một lần thực hiện công bố giá cơ sở của các mặt hàng. Và mức thuế nhập khẩu được đưa vào để tính giá cơ sở chính là mức thuế nhập khẩu ưu đãi một số mặt hàng xăng dầu thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Từ ngày 21-5-2015 đến nay, theo Thông tư 78/2015/TT-BTC, mức thuế của xăng động cơ là 20%, xăng máy bay là 10%, dầu diesel là 10% và dầu hỏa là 13%.
Vấn đề nằm ở chỗ, các doanh nghiệp xăng dầu hiện đang nhập khẩu xăng dầu từ rất nhiều thị trường và mức thuế nhập khẩu thì hoàn toàn khác nhau.
Cụ thể, từ đầu năm 2015, theo hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết thì thuế nhập khẩu dầu diesel từ các nước Đông Nam Á là 5%, chỉ bằng phân nửa so với mức thuế nhập khẩu ưu đãi. Đặc biệt, từ đầu năm 2016 thì các mặt hàng này đều về mức 0%. Tương tự, từ đầu năm 2016, xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc chỉ áp dụng mức thuế suất 10%, dầu diesel 5%, tức chỉ bằng phân nửa so với mức thuế đang được áp dụng để tính giá cơ sở.
Thực tế trên có nghĩa, người tiêu dùng đang phải mua xăng dầu với giá cao hơn giá trị thực tế, ít nhất là phần nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á hay Hàn Quốc. Với mức chênh lệch thuế kể trên, người tiêu dùng phải mua “đắt” khoảng 600 đồng/lít xăng và 300 đồng/lít dầu diesel.
Trong khi đó, doanh nghiệp xăng dầu đầu mối thì được hưởng lợi lớn. Đó cũng là lý do khiến từ năm 2015 đến nay, các doanh nghiệp này đã chuyển dần thị trường nhập khẩu. Tỷ trọng hàng từ các nước như Thái Lan, Singapore… trong thời gian qua liên tục tăng so với trước đó. Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 1-2016, cả nước đã nhập khẩu 789.000 tấn xăng dầu các loại, tăng hơn 7,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, 402.000 tấn có xuất xứ từ Singapore (tăng tới 67,3% so với cùng kỳ), 143.000 tấn từ Thái Lan (tăng 30,1%); đặc biệt lượng nhập khẩu từ Malaysia tăng gấp hơn 9 lần so với tháng 1-2015.
Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu cũng thừa nhận, trong chuyện giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu từ các thị trường theo các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, chỉ có doanh nghiệp được lợi, còn người tiêu dùng thì không. Bởi lẽ, doanh nghiệp không thể tách bạch hàng nhập khẩu để áp dụng các mức giá khác nhau. Tương tự, cơ quan điều hành khi tính giá cơ sở cũng chỉ áp dụng một mức thuế là thuế nhập khẩu ưu đãi chung.
Thực tế này đã diễn ra từ đầu năm 2015 đến nay nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết. Hệ quả là người tiêu dùng không được hưởng đúng và đủ những lợi ích mà việc giảm thuế theo các hiệp định thương mại mang lại.