Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Người gieo mầm

Minh Tâm -

Đôi khi trong những câu chuyện nhỏ, những người vô tình gặp ở đâu đó lại giúp mình hiểu những tầng nghĩa từ đơn giản nhất đến sâu sắc nhất của từ sống!

Cantho---Batnutcondantoancau-29Một trong những hoạt động “gieo mầm” của chị Nguyễn Phi Vân, chương trình giao lưu với sinh viên Đại học Cần Thơ với tên gọi Bật nút công dân toàn cầu. Ảnh: Jovi

 

1.Ông là một Việt kiều, rời Việt Nam sang Canada từ nhỏ. Rồi một ngày, ông trở về, đầu tư hàng triệu đô la Mỹ vào nơi đã sinh ra mình với những nhà máy sản xuất bản in, bao bì thực phẩm và phân bón công nghệ cao, mới. Quyết định của ông vào thời điểm đó được cho là lạ lùng vì đất Trà Vinh được coi là đất cùng, nguồn lực tự nhiên lẫn con người đều thiếu hụt. Mọi người gọi ông là “Việt kiều té giếng”. Lần xuống thăm nhà máy của ông (khi đã thành hình và là mẫu hình tiêu biểu để nhiều doanh nghiệp trong nước xuống tham quan, học hỏi kinh nghiệm), ông bảo biệt danh người ta “tặng” cho ông có ý chê nặng lắm, nghĩa là khùng!

Thế nhưng, ông mặc kệ vì ông tin vào những đánh giá của mình. Việc của ông là tạo điều kiện và truyền cảm hứng cho mọi người. Nói thì nghe có vẻ dễ òm nhưng thực hiện được là cả một quá trình. Ngay như những thứ nghe có vẻ dễ nhất là chuyện ăn ở hàng ngày, ông cũng phải tạo nền tảng. Ông và vợ, phải chỉ dạy những công nhân, nhân viên vào làm tại công ty những gì đơn giản nhất về thế nào là sạch sẽ, an toàn mà mọi người ở xứ văn minh đã tiếp cận, xác lập.

Chuyện sử dụng nhà vệ sinh tự hoại được xây dựng ở nhà máy là một ví dụ. Ông dạy từ cách sử dụng xong phải giật nước xả (nhiều người hay quên); rửa tay với xà bông, lau khô tay và lau khô khu vực bồn rửa để người dùng sau không bị ảnh hưởng (những công đoạn chưa mấy ai làm)… Những thứ này, với rất nhiều người vốn đi ra từ đồng ruộng ở miệt Trà Vinh, thật lạ lẫm và mới mẻ. Thế nên, nhiều người đã mất thời gian để làm quen và thực hiện. Rồi hơn thế, chính những người này khi trở về nhà, lại chia sẻ với người thân, chỉ dạy con cái.

Chuyện ăn uống cũng vậy. Ông tự tổ chức bếp ăn cho công nhân (trong khi cách thường thấy là đấu thầu để người bên ngoài vào làm hoặc chi tiền công nhân tự lo), lo ăn sáng, ăn trưa… Mọi thứ đều được kiểm soát, có quy trình rõ ràng. Công nhân được ăn sạch, ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng và biết cách tận hưởng bữa ăn, sử dụng vật dụng bao gói an toàn. Rồi ông tổ chức cả lớp thể dục buổi sáng ở công ty, khiến nhiều người, nhất là mấy chị em thích mê tơi vì giữ được vóc dáng.

Tất cả mọi thứ ông cố công làm, dù là nhỏ nhất, khiến ông phải đầu tư nhiều hơn, tốn thời gian và công sức hơn. Nhưng đó lại là nền tảng, cơ sở để đưa lại những điều tốt đẹp, cho bản thân những người làm việc cùng ông và cho chính doanh nghiệp ông. Sinh hoạt hàng ngày của những người công nhân, nhân viên được chăm lo giúp tinh thần họ tốt hơn để có thể bay bổng trong những ý tưởng sáng tạo khi làm việc. Họ được được dạy về tiêu chuẩn tối thiểu trong sinh hoạt và cũng tự nâng dần nhu cầu của bản thân để rồi biết quý trọng một văn phòng sạch, một nhà xưởng tốt, một khuôn viên nhà máy nhiều cây xanh, một hồ sen thơm ngát được nuôi bằng chính nguồn nước thải đã qua xử lý... Cứ thế, rất tự nhiên và tự nguyện, mọi quy trình sản xuất, mọi nguyên tắc lao động an toàn hay vệ sinh được tuân thủ mà không cần ai giám sát, thúc bách. Mục tiêu, mục đích hay động cơ của ông, người chủ doanh nghiệp khi chọn một vùng đất khó để đầu tư, cuối cùng đã đan quyện vào nhau, bổ sung, hỗ trợ qua lại. Những công nhân, nhân viên có cuộc sống chưa từng nghĩ đến (nhiều người đã mua nhà, mua xe) còn công ty thì ngày càng thành công trên thương trường.

Kể đến đây chắc nhiều người sẽ hỏi: “ông Việt kiều này là ai vậy?”. Vâng, ông là Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng giám đốc của Tập đoàn Mỹ Lan ở Trà Vinh!

 

2.Chị ra nước ngoài làm việc 20 năm, có thêm quốc tịch Úc và có nhà ở Sydney. Chị sống trên máy bay nhiều hơn mặt đất vì làm những vị trí cao, công việc nhiều. Chị từng làm tổng giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, giám đốc phát triển toàn cầu của một tập đoàn, nay thì quản lý công ty riêng và còn là chuyên gia ngành bán lẻ và nhượng quyền, hay đi diễn thuyết với thù lao 1.000 đô la Mỹ/giờ. Ở những nơi đó, nhiều người thường gọi chị là “cô Phi” cho thân mật, dù tên đầy đủ của chị là Nguyễn Phi Vân.

Giữa tháng 11 vừa qua, vào một chiều thứ Sáu, chị nói chuyện với sinh viên ở Đại học Nam Cần Thơ về cách làm thế nào để ra thế giới thành công. Năm giờ sáng hôm sau, thứ Bảy, chị đã có mặt ở huyện M’Drak, Đắk Lắk để kịp khai trương Thư viện ước mơ, món quà chị dành cho các em học sinh, trong đó hơn phân nửa là các em dân tộc Mông và Ê đê, của trường Trung học cơ sở Ngô Quyền. Suốt quãng đường dài 800 cây số, chị thức cùng lái xe vì không thể ngủ. Đó chỉ là một trong số 30 chuyến đi bằng đường bộ dày đặc mà chị đang “chạy” suốt từ tháng 9 đến giữa tháng 12 để kịp cho hai dự án Thư viện ước mơ mà chị thực hiện.

Chị làm thư viện theo cách của mình: lập phòng đọc, đem tới hàng ngàn cuốn sách đã được review (có người đọc trước và nhận xét), hai ba tháng lại “tiếp” sách mới, giao sách cho một cô thủ thư thực sự yêu sách để chia sẻ tình yêu với các bạn nhỏ. Thư viện không do chị bỏ tiền ra xây dựng, mua sách mà từ doanh nghiệp chị cố vấn xây dựng thương hiệu và nhượng quyền tài trợ vì họ đã cam kết đóng góp cho cộng đồng khi chị đồng ý hỗ trợ. Cũng có lúc là tiền từ tác quyền sách mà chị viết. Cuốn mới nhất chị xuất bản hồi tháng 3-2016 là Quảy gánh băng đồng ra thế giới đã đạt 18.000 bản, chuẩn bị tái bản lần ba.

Thực sự, chị không có lý do hay động lực tiền bạc cho bản thân nào để phải làm tất cả những việc này. Chỉ là, chị muốn cho đi, truyền cảm hứng, tiếp lửa để những người trẻ Việt Nam nuôi trong mình ước mơ vươn ra khỏi một vùng đất, vượt biên giới Việt Nam ra khu vực Đông Nam Á, ra thế giới. Mỗi người, theo chị, ai cũng đều có một cái nút gọi là “nút công dân toàn cầu”, chỉ cần bật cái nút này, chuyển đổi từ ngắn hạn sang dài hạn, từ cá nhân sang cộng đồng, từ Việt Nam sang thế giới. Vì vậy, chị đến các trường đại học, hướng dẫn các bạn trẻ định vị lại bản thân, vẽ sơ đồ suy nghĩ, xây dựng những cây cầu để bước ra thế giới. Đó là cây cầu kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, địa lý, lịch sử, văn hóa, tôn giáo và nghệ thuật. Những kiến thức ngoài chuyên ngành để giúp kết nối một cách nhanh nhất và dễ dàng nhất với trái tim những người khác màu da, tôn giáo. Và chị nhắc nhớ, điều quan trọng nhất là mỗi người cần bước ra với sự tử tế, chân thành, giữ cốt cách của mình. Đây là giá trị cốt lõi, là vốn tự có còn quý giá hơn cả năng lực chuyên môn để người khác phải luôn trân trọng mình. Chị giúp các doanh nghiệp “trở về ngày số 0”, xây dựng lại nền tảng, chuẩn bị sẵn sàng cho ngày vượt ao làng, ra biển lớn. Chị yêu cầu họ ý thức và thực hiện trách nhiệm của một doanh nhân. Đó là hướng đến cộng đồng, bằng sản phẩm, dịch vụ và các hoạt động xã hội.

Động lực để một người phụ nữ nhỏ bé, người cũng phải đảm trách nghĩa vụ làm mẹ, đủ sức theo đuổi mọi việc là những cô bé học sinh người dân tộc ở Đắk Lắk đã vượt qua sự ngại ngùng để kể về những ước mơ, là những giọt nước mắt hạnh phúc của cậu sinh viên trẻ khi biết rằng mình đang được chia sẻ… Chị bảo, sau tất cả, chỉ cần vài cô cậu theo đuổi và thực hiện ước mơ, là đã mãn nguyện.

Nhưng sao chị cứ phải đau đáu với chuyện ra thế giới đến vậy? Vì chị mơ, chị mong có thêm nhiều bạn trẻ Việt Nam bước ra để biết thế giới rộng lớn ra sao, để thấy người ta yêu đất nước họ như thế nào. Thấy, cảm nhận và thậm chí bị chê bai, coi thường để nhận ra mình yêu Việt Nam vô cùng, một tình yêu có thể bị che lấp bởi những ấm ức, chán nản hay cả những bất mãn. Với tình yêu đó, chị tin một ngày mỗi người sẽ tự nguyện trở về, mang kiến thức, hiểu biết đã thu lượm được, giúp một ai đó. Đây là mầm xanh đơn lẻ nhưng sẽ sinh sôi, nảy nở. Nó cũng giống như những gì chị đã trải qua và đang làm. Chị cũng từng thấy cuộc đời bất công, chán nản, bỏ đi không muốn quay về. Ra nước ngoài rồi, chị cũng từng muốn chối bỏ, che giấu gốc tích, nguồn cội, chẳng muốn nhận mình là người Việt Nam. Nhưng chị tìm lại được tình yêu tưởng đã mất, quyết định trở về và đang từng ngày gieo những mầm thiện, nuôi dưỡng bằng dòng nước trong lành của tình thương yêu, sự sẻ chia và tính hướng thiện. Đối với chị, mình làm được gì có ích thì làm. Vì chị hiểu, mỗi đất nước, mỗi con người đều có những vận mệnh của riêng mình. Cứ trải lòng mình ra để biết cám ơn thay vì oán trách, làm thay vì nói, đóng góp thay vì chê cười, truyền lửa thay vì chán nản, tất cả chắc chắn rồi sẽ tốt dần lên! Chị tin như thế và chị đang làm từng ngày như thế.

Đó chỉ là hai trong nhiều người mà tôi đã gặp. Và tôi chắc, bạn còn biết nhiều người thú vị hơn tôi. Và tôi cũng tin, chúng ta sẽ học được một chút gì đó về cách sống của họ và làm theo cách của mình. Nếu mỗi người tự “làm những gì có ích”, chúng ta sẽ có một cộng đồng những người làm điều tốt! Rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp thôi!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối