Thuỳ Dung -
Nhiều báo cáo đang có cái nhìn tiêu cực về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cho rằng hàng triệu việc làm sẽ bị mất đi vì máy móc. Trong khi đó, nhiều người lại có quan điểm tích cực khi cho rằng nhiều cơ hội việc làm được tạo ra, miễn là người lao động được trang bị đúng kiến thức.
Nền kinh tế tự do
Cách đây độ ba năm, anh Nguyễn Văn Trung, 35 tuổi, đã có một quyết định mà nhiều người cho là điên rồ khi xin nghỉ vị trí phó giám đốc cho một công ty chuyên về đấu thầu các thiết bị cho các nhà máy điện để đi làm… lao động tự do.
Nghỉ việc với khi đang có mức lương cao, trên 40 triệu đồng/tháng, anh Trung bắt tay vào xây dựng một trang thông tin dành cho những người chơi game. Dần dần, số lượng các “game thủ” truy cập trang web lớn, số tiền anh thu về hàng tháng lấy từ quảng cáo của Google và các doanh nghiệp. Sau nhiều năm gây dựng, nay trang thông tin này đã cho anh mức lương tương đương với công ty cũ. Chỉ có cái khác, hiện nay anh là lao động tự do, không bảo hiểm xã hội, không giao tiếp với môi trường bên ngoài một cách trực tiếp mà thông qua internet.
Một trường hợp khác là anh Vũ Tuấn Minh, 32 tuổi, tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau nhiều năm lăn lộn kiếm tiền và tích luỹ kinh nghiệm lúc đi làm thuê từ các công ty công nghệ lớn, anh Minh đã chọn cách làm việc tại nhà, lập trình phần mềm cho các doanh nghiệp ở các nước như Mỹ, Anh… Hàng tháng số tiền thu về được trả qua tài khoản Paypal của anh. “Tiền thu về háng tháng nhiều hơn trước, thời gian lại thoải mái, có thể sáng đưa con đi học, chiều đón con về nên tôi chọn công việc tự do này", anh Minh nói.
Ở trường hợp khác hơn một chút, anh Nguyễn Văn Tân, 40 tuổi, đã phải bỏ việc tại một hãng taxi lớn ở Hà Nội, chuyển sang đầu quân cho một công ty cung cấp dịch vụ gọi xe qua ứng dụng. Anh cho biết, giờ khách hàng sử dụng taxi truyền thống giảm, buộc anh phải bỏ công việc có đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và nhiều chế độ khác để bước sang thị trường lao động tự do, không có tổ chức công đoàn nào bảo vệ.
Những công việc mà các anh Trung, Minh và Tân đều có đặc điểm chung là lao động tự do và được sinh ra bởi sự phát triển của khoa học công nghệ mà người ta vẫn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN).
Nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế đã chỉ ra rằng cuộc CMCN lần thứ 4 sẽ khiến nhiều người buộc phải rời khỏi thị trường lao động do máy móc “cướp" mất công việc của họ. Nhưng cũng có nhiều dự báo lạc quan hơn, cho rằng cuộc cách mạng này cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho nhiều người.
Ông Phú Huỳnh, chuyên gia lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cho rằng sáng kiến công nghệ có thể tạo ra những công việc mới mà hiện nay chưa có. Đồng thời, công nghệ sẽ làm tăng nhu cầu cho những loại hình công việc hiện hữu như công việc hướng tới khách hàng, công việc trong lĩnh vực kỹ thuật, vận tải, cơ sở hạ tầng… Ngoài ra, mặt tích cực của kỷ nguyên số cũng khiến thời gian lao động ít hơn, hiệu quả công việc cao hơn, khiến tăng nhu cầu cho các ngành như dịch vụ, giải trí.
Đồng tình với quan điểm này, bà Lê Thị Kim, Giám đốc nhân sự toàn quốc của ManpowerGroup Việt Nam, cho rằng sự phát triển của công nghệ là cơ hội để các chính phủ có thể tạo nhiều việc làm mới.
“Công nghệ đang tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các mô hình mới có thể giúp giải quyết những vấn đề trong thị trường lao động hiện nay. Ví dụ như sự ra đời của nền kinh tế tự do “gig economy” với hàng ngàn việc làm ngắn hạn được tạo ra khi hình thành các start-up công nghệ như Uber, AirBnB, Grab...”, bà Kim nói.
Dưới tác động của kỷ nguyên số, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành của Navigos Search lại nhìn thấy cơ hội lớn phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT). Theo bà Mai, bốn năm qua, nhu cầu tuyển dụng lao động trong lĩnh vực IT đã tăng gấp đôi. Nếu như năm 2013, nhu cầu tuyển dụng IT chỉ khoảng 6.800 việc làm thì đến năm 2016 đã tăng lên gần 15.000 việc làm. Đồng thời, mức lương trong lĩnh vực này cũng tăng đáng kể.
Xu thế không thể đảo ngược
Ông Jonas Prising, Chủ tịch và CEO của ManpowerGroup, đã từng phát biểu: chúng ta không thể làm chậm lại sự phát triển của công nghệ và tiến trình toàn cầu hoá, nhưng chúng ta có thể đầu tư vào kỹ năng của nhân viên để tăng khả năng thích nghi của con người trong công việc.
Để nắm bắt được những công việc mới, người lao động cần phải được đào tạo và đào tạo lại. Vậy những kỹ năng nào sẽ cần cho người lao động?
Theo ông Simon Matthews, Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông, kỹ năng của lực lượng lao động trong cuộc CMCN 4.0 sẽ phải được nâng cao. Ví dụ như kỹ năng của CEO hiện nay sẽ là kỹ năng của quản lý cấp trung và kỹ năng của quản lý cấp trung sẽ thành kỹ năng của nhân viên.
Con người sẽ cần những kỹ năng mới và họ sẽ thường xuyên cần đến chúng hơn để có thể tìm được cơ hội việc làm, thậm chí đối với những công việc còn chưa tồn tại. “Kỹ năng sẽ trở thành đơn vị tiền tệ mới trong kỷ nguyên nhân tài”, ông Simon Matthews nói.
Những kỹ năng cần thiết đó là kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý nguồn lực con người, phối hợp với đồng nghiệp, trí tuệ cảm xúc, đánh giá và ra quyết định, định hướng dịch vụ, đàm phán, linh hoạt trong nhận thức…
Theo khảo sát của ManpowerGroup, hơn 90% giới chủ dự đoán tổ chức của họ sẽ bị tác động bởi số hoá trong hai năm tới. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho cuộc cách mạng sắp tới, họ đã tuyển quản lý cấp trung, những người phải đưa ra được 3-5 giải pháp cho một vấn đề.
Bên cạnh đó, đang có xu hướng doanh nghiệp tuyển lao động có khả năng học hỏi hơn là những kiến thức họ có được. “Sự thay đổi không chờ đợi chúng ta. Tất cả các lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị giáo dục và Chính phủ phải chủ động nâng cao kỹ năng và đào tạo lại nhân sự của mình để mọi người đều có thể nhận được lợi ích từ cuộc cách mạng 4.0”, ông Simon Matthews nói.